Chủ nhật 08/12/2024 11:13 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Hải Phòng: Hơn 50% vốn FDI tập trung lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ

18:26 | 01/06/2024

(Xây dựng) - Trong tổng số 28,9 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Hải Phòng, có hơn 50% vốn được tập trung cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ như: sản xuất điện tử, điện thoại, máy tính; 22,3% số vốn cho công nghiệp chế tạo ô tô, xe máy, máy móc, thiết bị dụng cụ, phụ tùng...

Hải Phòng: Hơn 50% vốn FDI tập trung lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ
Nhiều dự án công nghiệp hỗ trợ hoạt động trước đây đã tiếp tục tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất. (Ảnh minh hoạ)

Theo ông Nguyễn Quang Long, Phó trưởng phòng Phòng quản lý công nghiệp (Sở Công Thương thành phố Hải Phòng), công nghiệp thành phố đã đạt được bước phát triển tích cực, ngày càng giữ vai trò chủ lực trong nền kinh tế, từng bước khẳng định ví trị trung tâm công nghiệp lớn, có sức cạnh tranh cao của cả nước theo Thông báo số 868-TB/TU ngày 22/2/2022 về sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 19/10/2017 về phát triển công nghiệp đến năm 2020, định hướng đến 2030 về việc kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy.

Phát triển công nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng cơ bản bám sát quan điểm, mục tiêu và phương hướng đề ra. Công nghiệp thành phố Hải Phòng tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn như: Công nghiệp điện tử - tin học, các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp cơ khí chế tạo máy móc thiết bị; công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp mũi nhọn nhằm nâng cao giá trị sản xuất và tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Luỹ kế đến hết năm 2023, Hải Phòng có 933 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư là 28,9 tỷ USD. Trong đó, có hơn nửa số vốn đầu tư được tập trung cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ như: sản xuất điện tử, điện thoại, máy tính... 22,3% số vốn cho công nghiệp chế tạo ô tô, xe máy, máy móc, thiết bị dụng cụ, phụ tùng...

Hải Phòng: Hơn 50% vốn FDI tập trung lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ
Ngành công nghiệp hỗ trợ (chuyên sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để hoàn chỉnh các sản phẩm công nghiệp) được thành phố đặc biệt quan tâm. (Ảnh minh hoạ)

Hải Phòng cũng đang là điểm sáng về thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc, phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn như: Công nghiệp điện tử - tin học, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp cơ khí chế tạo máy móc thiết bị tiêu chuẩn quốc tế…

Trong đó, ngành công nghiệp hỗ trợ (chuyên sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để hoàn chỉnh các sản phẩm công nghiệp) được thành phố đặc biệt quan tâm. Nhằm từng bước nâng cao trình độ sản xuất công nghiệp của Hải Phòng, đảm bảo chất lượng sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Có thể kể đến những dự án phát triển công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ được đầu tư rất lớn như, tổ hợp các dự án của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 9,24 tỷ USD; Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast với tổng vốn đầu tư khoảng 7,6 tỷ USD; Tập đoàn Bridgestone với 1,224 tỷ USD; Pegatron với 900 triệu USD; Tập đoàn SK (Hàn Quốc) với 500 triệu USD...

Cùng với đó, có nhiều dự án công nghiệp hỗ trợ hoạt động trước đây đã tiếp tục tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất. Cụ thể, mới đây UBND thành phố Hải Phòng đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh tăng vốn cho Dự án nhà máy LG Innotek Hải Phòng giai đoạn 2023 - 2025 với số vốn 1 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư của dự án lên hơn 2 tỷ USD. Đây là nhà máy chuyên sản xuất các loại linh kiện điện tử phụ trợ cho ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô, di động, module camera điện thoại...

Công ty TNHH LG Display Việt Nam tại Hải Phòng cũng đã 2 lần tăng vốn, nâng tổng vốn đầu tư hiện nay lên đến 4,65 tỷ USD. Hiện công ty đang chuẩn bị hoàn thành xây dựng nhà máy H3 mới trên diện tích hơn 4ha tại khu công nghiệp Tràng Duệ. Tăng sản lượng sản phẩm phụ trợ là màn hình OLED nhựa từ 9,6 - 10 triệu sản phẩm/tháng lên 13 - 14 triệu sản phẩm/tháng. Qua đó dự kiến doanh thu xuất khẩu của công ty sẽ tăng thêm khoảng 6,5 tỷ USD/năm; nộp ngân sách thêm khoảng 25 triệu USD/năm, tạo thêm việc làm cho khoảng 10.000 lao động.

Trong buổi làm việc giữa Sở Công Thương thành phố Hải Phòng và Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) mới đây, lãnh đạo Sở Công Thương nêu kiến nghị, căn cứ các nhiệm vụ được giao đề nghị Cục Công nghiệp hướng dẫn để triển khai thực hiện một số nội dung về Xây dựng tiêu chí thí điểm cho Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại, thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ Đông Nam Á, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia, trung tâm logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biền, đường bộ cao tốc, đường sắt. Cụ thể, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của các địa phương.

Đồng thời, xem xét nghiên cứu và ban hành các ưu đãi, hỗ trợ cho việc sản xuất các vật liệu cơ bản như thép chế tạo (phục vụ cho các ngành cơ khí); nguyên phụ liệu, vải và da thuộc cho các ngành dệt may và da - giày; các sản phẩm từ hóa dầu như hạt nhựa, khuôn nhựa, cao su nhân tạo, sợi nhân tạo... để bảo đảm đầu vào cho các ngành công nghiệp hỗ trợ cũng như các ngành công nghiệp hạ nguồn.

Huyền Nhi

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load