Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng Nông thôn mới TP Hải Phòng (gọi tắt là BCĐ NTM), qua 3 năm (2011-2013) thực hiện chương trình, nông nghiệp-nông dân-nông thôn Hải Phòng có những khởi sắc mới mẻ và khá toàn diện. Đã có 62/139 xã đạt từ 9-10 đến 15-18 tiêu chí quốc gia.
Một góc làng quê xã An Hồng (huyện An Dương)
Thành công lớn nhất là tất cả các xã, huyện cùng với thành phố lựa chọn đúng và trúng khâu đột phá cho tiến trình xây dựng NTM, tạo sự chuyển biến tích cực và mạnh mẽ về nhận thức của đông đảo người dân nông thôn khi trực tiếp tham gia thực hiện chương trình này.
Hướng đột phá đúng và trúng
Khi mới được phổ biến 19 tiêu chí quốc gia, triển khai chương trình xây dựng NTM, cán bộ và nhân dân ở hầu hết các xã đều lúng túng, chưa xác định được là sẽ bắt đầu làm từ đâu, phương thức tổ chức thực hiện như thế nào?
Và mọi người dường như đều có tư tưởng trông chờ, ỷ dựa vì cho rằng Nhà nước sẽ đầu tư nguồn kinh phí lớn để xây dựng hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn tại từng xã.
Vì thế, ai ai cũng tỏ ra hồ hởi, hưởng ứng nhưng tất cả chỉ mang tính hình thức, phong trào chung chung theo kiểu hô hào cổ vũ khẩu hiệu, hoặc “ đồng loạt vỗ tay” một chủ trương, chính sách mới.
Đến lúc bắt tay vào việc cụ thể từ bước lập, phê duyệt Quy hoạch và Đề án xây dựng NTM thì từng địa phương với những đặc điểm, điều kiện chung, riêng mới “vỡ vạc” dần “đường đi nước bước” thích hợp với làng xã mình.
Ở xã Đại Hợp (huyện Kiến Thụy), bắt đầu từ việc Cấp ủy Đảng, chính quyền cùng các tổ chức đoàn thể xã, thôn tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công, nguyên vật liệu và trực tiếp tham gia thi công mở rộng đường nội đồng, nạo vét kênh mương thủy lợi, cải tạo đồng ruộng để sản xuất phát triển với năng suất và hiệu quả cao hơn, thu nhập và đời sống của người nông dân cũng tăng cao hơn trước.
Điều này có ý nghĩa thiết thực khiến mọi người hiểu rõ rằng: Xây dựng NTM là đem lại lợi ích cho chính gia đình mình, vì thế cần phải góp sức cùng cộng đồng làm cho làng quê mình đẹp, bền vững hơn và nhất là thúc đẩy sản xuất phát triển “chắc ăn” hơn.
Chủ tịch UBND xã An Hồng (huyện An Dương) Lê Văn Cường phát biểu thẳng thắn: “Dân có giàu thì xã, huyện mới mạnh. Tạo điều kiện để sản xuất phát triển tốt, tăng nguồn thu nhập cho các hộ thì người dân mới có khả năng đóng góp công sức, tiền của (chứ không phải hưởng ứng chung chung) để đầu tư xây dựng NTM ở địa phương”.
Điều thực tế đó trở thành hướng đi, cách làm mang tính đột phá chung và phong trào cải tạo đồng ruộng, quy vùng sản xuất hàng hóa nhanh chóng lan rộng ở nhiều xã, huyện trên địa bàn TP Hải Phòng.
Điển hình là 8 xã điểm của thành phố và các xã thuộc tốp đầu xây dựng NTM của các huyện đều đẩy mạnh vận động nông dân thực hiện hướng đi này, nhìn chung đều đạt hiệu quả cao.
Từ đó, TP quyết định ưu tiên hỗ trợ đầu tư kinh phí cho 3 đề án lớn để xây dựng NTM tại tất cả các xã là: Đề án hỗ trợ xi măng xây dựng hệ thống giao thông nội đồng, hoàn chỉnh hệ thống kênh mương thủy lợi; Đề án quy vùng cánh đồng mẫu lớn; Đề án cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp.
Tất cả đều hỗ trợ cho sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tăng thu nhập cho nông dân. Tổng số trong 3 năm qua TP Hải Phòng đã đầu tư gần 1425 tỷ đồng cho chương trình xây dựng NTM.
Tập trung chỉ đạo 3 xã đạt chuẩn NTM trong năm 2013
Trên cơ sở những kết quả đạt được bước đầu, BCĐ NTM TP Hải Phòng chọn và tập trung chỉ đạo 3 xã gấp rút về đích, hoàn thành bộ tiêu chí quốc gia về NTM ngay trong năm 2013. Đó là các xã: An Hồng (huyện An Dương), Đoàn Xá (huyện Kiến Thụy) và Đông Sơn (huyện Thủy Nguyên).
Nông dân xã Vinh Quang (huyện Vĩnh Bảo) thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp trên cánh đồng mẫu lớn.
Đồng thời, TP quyết định đầu tư bổ sung cho mỗi xã 20 tỷ đồng để tạo “cú hích” đạt chuẩn NTM.
Cả 3 xã đều nỗ lực phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huy động cả hệ thống chính trị và mọi nguồn lực theo phương châm “xã hội hóa” để hoàn thiện 2-3 tiêu chí còn đang thực hiện, chủ yếu là về giao thông nội bộ, cơ sở vật chất Nhà văn hóa, trường học, giảm tỷ lệ hộ nghèo...
Chủ tịch UBND xã An Hồng (huyện An Dương) Lê Văn Cường cho biết: “Mặc dù thời gian khá gấp rút, còn không ít khó khăn, song xã vận dụng đông đảo người dân, con em làm ăn ở xa quê, các doanh nghiệp trên địa bàn tích cực góp công sức, kinh phí cùng nguồn hỗ trợ của Nhà nước để phấn đấu về đích đúng thời hạn.
Mặt khác, UBND xã lựa chọn một số nhà thầu bảo đảm đủ năng lực cả về chất lượng chuyên môn và tài chính để thi công các hạng mục công trình trong chương trình xây dựng NTM”.
Tuy nhiên, qua kiểm tra thực địa tại 3 xã, khối lượng công việc của các hạng mục công trình còn khá lớn và ngổn ngang. Đại diện các ban, ngành chức năng lo ngại về tiến độ thực hiện theo sự chọn lựa và chỉ đạo của TP, vì đây là những phần việc không dễ hoàn thành được trong “một sớm, một chiều”.
Ngay như công trình xây dựng Trường mầm non của xã Đoàn Xá cũng chỉ vừa mới được khỉ công, làm móng vào giữa tháng 8/2013; hay tại xã Đông Sơn, việc xây dựng Nhà văn hóa, đường giao thông nội bộ vẫn còn nhiều dang dở, cơ chế hỗ trợ xi măng gặp vướng mắc về thủ tục, thời tiết lại mưa, nắng thất thường…
Lãnh đạo TP Hải Phòng yêu cầu cấp huyện cùng ngành chức năng sát cánh cùng 3 xã giải quyết khó khăn vướng mắc phát sinh, đẩy nhanh tiến độ, thực hiện đúng lộ trình hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM.
BCĐ TP sẽ kiểm tra và tập trung chỉ đạo từng tháng đối với 3 xã chọn để bảo đảm đến cuối năm 2013 Hải Phòng có 3 xã đạt chuẩn bộ tiêu chí quốc gia về NTM và tiến tới năm 2014 toàn thành có 41/139 xã hoàn thành bộ tiêu chí này..
DUY TUẤN
Theo