Thứ tư 26/06/2024 10:17 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hải Dương: Phổ biến lộ trình áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM)

12:41 | 31/05/2024

(Xây dựng) – Ngày 30/5, Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) phối hợp với Sở Xây dựng Hải Dương tổ chức Hội thảo Phổ biến lộ trình áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Hải Dương: Phổ biến lộ trình áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM)
Theo ông Nguyễn Hoài Long - Giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương, mô hình thông tin công trình (viết tắt là BIM) là nhân tố then chốt của cuộc cách mạng 4.0 đối với ngành Xây dựng.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Hoài Long - Giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương cho rằng, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang ngày càng hiện hữu với những tác động mạnh mẽ, sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội trên toàn cầu. Nhiều quốc gia trên thế giới với trình độ phát triển khác nhau đã xây dựng và triển khai chiến lược/chương trình quốc gia về chuyển đổi số để thích ứng và làm chủ cách mạng công nghiệp 4.0.

Thời gian qua, nhiều ngành kinh tế tại Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh ngành như: Giao thông vận tải và logistics, nông nghiệp, tài chính - ngân hàng, y tế, giáo dục, năng lượng, tài nguyên và môi trường, sản xuất công nghiệp.

Hải Dương: Phổ biến lộ trình áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM)
Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Vì vậy, việc ứng dụng các công nghệ số trong một số lĩnh vực của ngành Xây dựng đã được triển khai, từng bước góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong quản lý, điều hành sản xuất, cung cấp dịch vụ công cho người dân. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ số trong ngành còn nhiều hạn chế do chưa xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu số bảo đảm tính liên thông đa mục tiêu làm cơ sở phát triển các công cụ kỹ thuật số, chưa xác định được nền tảng cốt lõi cho việc ứng dụng các công nghệ số và đặc biệt thiếu các cơ chế, chính sách thúc đẩy việc ứng dụng.

Giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương đánh giá: Nhiều chuyên gia trên thế giới nhận định mô hình thông tin công trình (viết tắt là BIM) là nhân tố then chốt của cuộc cách mạng 4.0 đối với ngành Xây dựng. Hiện nay, vẫn còn có nhiều định nghĩa về khác nhau về BIM trên thế giới. Tuy nhiên, BIM có thể hiểu là “việc sử dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin để số hóa các thông tin của công trình thông qua mô hình không gian ba chiều (3D) nhằm hỗ trợ quá trình thiết kế, thi công, quản lý vận hành công trình”.

Đây là công cụ chính để cụ thể hóa nhiệm vụ số hóa của ngành Xây dựng, để triển khai quản lý xây dựng thông minh và là nhân tố chủ chốt để quản lý hạ tầng kỹ thuật thông minh cũng như quản lý và phát triển đô thị thông minh.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hải Dương, việc Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương phối hợp cùng Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) và Công ty Autodesk tổ chức buổi hội thảo giúp phổ biến, nâng cao nhận thức về BIM cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trên địa bàn tỉnh, áp dụng BIM một cách hiệu quả trong thời gian sắp tới theo đúng lộ trình được Chính phủ đề ra.

Hải Dương: Phổ biến lộ trình áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM)
Ông Nguyễn Tấn Vinh - Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) khẳng định, mô hình thông tin công trình (BIM) đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số ngành Xây dựng.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Tấn Vinh – Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) khẳng định: Chuyển đổi số trong ngành Xây dựng là xu thế bắt buộc để bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, mô hình thông tin công trình (Building Information Modeling - gọi tắt là BIM) đóng vai trò vô cùng quan trọng.

BIM đã được áp dụng mạnh mẽ trong khối kinh tế tư nhân tại Việt Nam từ hơn 10 năm trước. Một số đơn vị tư vấn và chủ đầu tư đã bước đầu làm chủ được việc áp dụng BIM trong thiết kế và thi công xây dựng. Tuy nhiên, việc áp dụng BIM trong các dự án đầu tư xây dựng của khu vực kinh tế Nhà nước vẫn diễn ra khá chậm chạp và gặp nhiều rào cản, trong đó có nguyên nhân do thiếu cơ sở pháp lý để triển khai áp dụng BIM.

Để đáp ứng nhu cầu bức thiết về việc xây dựng cơ chế và chính sách nhằm tạo lập nền tảng pháp lý cho việc áp dụng BIM trong các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn Nhà nước, ngày 22/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2500/QĐ-TTg về Đề án áp dụng mô hình BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình. Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì thực hiện đề án và Viện Kinh tế xây dựng thuộc Bộ Xây dựng là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện đề án BIM.

Theo ông Nguyễn Tấn Vinh – Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), kết quả của đề án đã được cụ thể hóa bằng nhiều hoạt động, trong đó nổi bật nhất là các chính sách mang tính định hướng, tạo điều kiện áp dụng sớm mô hình BIM. Những nội dung này đã được đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Xây dựng, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, Thông tư 12/2021/TT-BXD định mức xây dựng... Qua đó, góp phần tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho việc triển khai BIM trong các dự án xây dựng sử dụng vốn Nhà nước.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã giao Viện Kinh tế xây dựng nhiệm vụ xây dựng lộ trình áp dụng BIM tại Việt Nam. Ngày 17/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Lộ trình áp dụng BIM tại Quyết định số 258/QĐ-TTg. Đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển BIM tại Việt Nam, quy định bắt buộc áp dụng BIM đối với các cấp công trình theo một lộ trình cụ thể.

Hiện nay, theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Xây dựng, các nội dung về mô hình BIM đang được đưa vào nghị định sửa đổi Nghị định số 15/2021/NĐ-CP để có cơ sở pháp lý vũng chắc phục vụ triển khai áp dụng BIM.

Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện Lộ trình áp dụng BIM trên địa bàn hoặc chủ động triển khai tổ chức các hội thảo, hội nghị, dự án thí điểm áp dụng BIM như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Vũng Tàu, Quảng Ngãi...

Ông Nguyễn Tấn Vinh – Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Nhằm thực hiện nhiệm vụ tổ chức thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức về BIM trong xã hội, đồng thời hỗ trợ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện lộ trình áp dụng BIM thuộc phạm vi quản lý địa phương, Viện Kinh tế xây dựng đã phối hợp với Sở Xây dựng một số địa phương như: Bạc Liêu, Kiên Giang, Bến Tre, Lào Cai, Vũng Tàu phổ biến về lộ trình áp dụng BIM cũng như xây dựng kế hoạch thực hiện.

Trong quá trình nghiên cứu và triển khai thực hiện các đề tài, đề án áp dụng BIM được Bộ Xây dựng giao, Viện Kinh tế xây dựng đã hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế có nhiều kinh nghiệm trong ứng dụng BIM để hỗ trợ trong thực hiện nhiệm vụ, trong đó có Công ty Autodesk. Đây là doanh nghiệp với bề dày lịch sử cung cấp các công cụ, giải pháp về thiết kế và quản lý dữ liệu kỹ thuật. Viện Kinh tế xây dựng và Công ty Autodesk cũng ký bản ghi nhớ hợp tác để khẳng định cam kết hợp tác nhằm thúc thúc đẩy áp dụng BIM tại Việt Nam.

Hải Dương: Phổ biến lộ trình áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM)
Bà Trương Thùy Linh - Giám đốc phụ trách thị trường Việt Nam Công ty Autodesk chúc mừng lãnh đạo Viện Kinh tế xây dựng, Sở Xây dựng Hải Dương.

Bà Trương Thùy Linh – Giám đốc phụ trách thị trường Việt Nam Công ty Autodesk cho biết, tháng 9/2023, Viện Kinh tế xây dựng và Công ty Autodesk đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác. Sự kiện này mở ra một chương mới trong sự song hành, hợp tác giữa hai bên. Theo đó, hai bên đã có những cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy và áp dụng BIM cũng như quá trình chuyển đổi số trên toàn ngành Xây dựng tại Việt Nam.

Hội thảo ngày hôm nay là bước đi đầu tiên, hiện thực hóa các cam kết của bản ghi nhớ hợp tác này, là minh chứng mạnh mẽ cho sự quyết liệt, quyết tâm của cả hai đơn vị. Tin tưởng rằng với sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện tốt nhất của lãnh đạo Viện Kinh tế xây dựng và Sở Xây dựng Hải Dương, hội thảo sẽ là tiền đề tốt đẹp để nhân rộng chuỗi hội thảo trên địa bàn các tỉnh, thành phố khác, giúp công tác triển khai áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng tại các địa bàn được thuận lợi và hiệu quả.

Tại buổi hội thảo, các đại biểu đã được TS. Tạ Ngọc Bình - Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế đầu tư và xây dựng số (Viện Kinh tế xây dựng) trình bày tổng quan về mô hình BIM cũng như các chủ trương, chính sách áp dụng BIM ở nước ta. Ông Lê Hiếu Hồng Phúc - Công ty Autodesk Việt Nam trình bày quy trình làm việc số hóa cho việc triển khai, nộp hồ sơ và phê duyệt BIM (kinh nghiệm từ Singapore); các ứng dụng BIM - chia sẻ những dự án đã áp dụng BIM thành công tại Việt Nam. Ông Lê Minh Thành - Chuyên gia BIM - GIS trình bày tham luận tích hợp BIM-GIS và một số ứng dụng trong quản lý quy hoạch và xây dựng đô thị thông minh...

Vị Thủy

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load