(Xây dựng) - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành Nghị quyết về phát triển Khu kinh tế Vũng Áng giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến 2030 với quyết tâm xây dựng nơi đây thành trung tâm kinh tế, đô thị phía Nam của tỉnh.
Khu kinh tế Vũng Áng (Nguồn: Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng). |
Theo đó, mục tiêu tổng quát là xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng với các trụ cột: Công nghiệp luyện kim, năng lượng, chế biến, chế tạo; Trung tâm logistics và dịch vụ cảng biển; Phát triển thương mại, dịch vụ, tạo nền tảng vững chắc.
Phát triển đồng bộ khu liên hợp công nghiệp luyện kim, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, trung tâm điện lực gắn với cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương. Đảm bảo hiệu quả tổng hợp về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường; thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từng bước phát triển thị xã Kỳ Anh trở thành đô thị trung tâm phía Nam, hình thành thành phố Kỳ Anh, liên kết phát triển vùng Nam Hà Tĩnh với Bắc Quảng Bình.
Mục tiêu cụ thể từ 2021 đến 2025: Thu hút vốn đăng ký đầu tư mới đạt từ 3,5-5,5 tỷ USD. Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ đạt từ 15-20%/năm. Tổng thu ngân sách trên địa bàn cả giai đoạn đạt từ 55.000-60.000 tỷ đồng. Hàng hoá thông qua cảng trên 40 triệu tấn/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả giai đoạn đạt từ 7,5 - 8,5 tỷ USD. Giải quyết việc làm trên 25.000 lao động.
Giai đoạn từ 2026 đến 2030: Thu hút vốn đăng ký đầu tư mới đạt từ 4-7 tỷ USD. Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ đạt từ 15-20%/năm. Tổng thu ngân sách trên địa bàn cả giai đoạn đạt từ 100.000-120.000 tỷ đồng. Hàng hoá thông qua cảng trên 60 triệu tấn/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả giai đoạn đạt từ 12-14 tỷ USD. Giải quyết việc làm trên 30.000 lao động.
Khu Kinh tế Vũng Áng thành lập từ năm 2007. Hiện có 151 dự án đầu tư, gồm 94 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 59.802 tỷ đồng, 57 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 13,5 tỷ USD, giải quyết việc làm cho gần 20.000 lao động.
Để Khu kinh tế Vũng Áng trở thành động lực phát triển của địa phương, tỉnh Hà Tĩnh đang tập trung huy động nguồn lực, tháo gỡ nút thắt về kết cấu hạ tầng; nâng cao hiệu quả các thu hút đầu tư, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; tập trung thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng, tăng cường công tác quản lý đất đai...
Thời gian qua, song song với chương trình xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tỉnh Hà Tĩnh đang tích cực đổi mới cơ chế, chính sách phát triển kinh tế Khu kinh tế theo hướng thông thoáng, cởi mở, hấp dẫn, đột phá và khác biệt nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đưa Khu Kinh tế Vũng Áng sớm trở thành trung tâm kinh tế đã chức năng tại cửa ngõ phía Nam của tỉnh.
Phương Dung
Theo