Thứ hai 29/04/2024 20:29 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hà Tĩnh: Xây dựng công dân số theo tinh thần Nghị quyết

13:38 | 28/02/2024

(Xây dựng) - Xác định tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với phát triển kinh tế - xã hội nên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh ban hành Đề án chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Hà Tĩnh: Xây dựng công dân số theo tinh thần Nghị quyết
Thao tác quét mã QR giúp du khách và người dân có thể nhận biết vị trí, thực trạng đời sống, vườn hộ của từng gia đình một cách dễ dàng.

Theo đó, nhiều giải pháp được các ngành, địa phương xây dựng và cụ thể hóa để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Một trong những giải pháp hữu hiệu được triển khai là thành lập các tổ chuyển đổi số cộng đồng ở cấp xã, cấp thôn, tổ dân phố.

Các tổ chuyển đổi số cộng đồng sẽ đảm nhiệm việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia vào chuyển đổi số như: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng nền tảng số, dịch vụ số, kỹ năng số, tham gia các giao dịch trên môi trường mạng, phòng tránh lừa đảo trên không gian mạng..., góp phần phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số, dần hình thành chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Dương Văn Tuấn - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Tĩnh khẳng định: “Các tổ chuyển đổi số trong cộng đồng như những cánh tay nối dài của Ban chỉ đạo chuyển đổi số từ tỉnh đến phường, xã, góp phần đưa chuyển đổi số đến gần hơn với người dân. Tuy nhiên, nhiều năm nay, tổ chuyển đổi số cộng đồng gồm có 3 thành viên (Bí thư hoặc thôn trưởng, Bí thư Đoàn thanh niên, Chi hội trưởng Hội phụ nữ) đang hoạt động kiêm nhiệm và chưa có chế độ, chính sách riêng hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Vì vậy, để nâng cao vai trò, trách nhiệm của các thành viên, đảm bảo hoạt động hiệu quả theo định hướng của Nhà nước thì việc có chính sách đặc thù cho tổ này là điều hết sức cần thiết”.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đó, Sở TT&TT đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh xây dựng và trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về hỗ trợ cho các tổ chuyển đổi số cộng đồng. Tại Kỳ họp thứ 17 ngày 8/12/2023, HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã thông qua Nghị quyết 119/2023/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ hoạt động của tổ chuyển đổi số cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2024 - 2025. Theo đó, nghị quyết quy định mức hỗ trợ 600.000 đồng/tổ/tháng. Đây là nguồn kinh phí hỗ trợ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của tổ chuyển đổi số cộng đồng, được sử dụng để phục vụ các hoạt động triển khai nhiệm vụ chung của tổ; tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyển đổi số; thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số định kỳ, đột xuất do cơ quan có thẩm quyền giao.

“Để góp phần đạt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các thành viên tổ chuyển đổi số cộng đồng tại thôn, tổ dân phố để giúp người dân và đồng hành cùng chính quyền hoàn thành các mô hình xây dựng xã nông thôn mới thông minh, xã thương mại điện tử, thôn thông minh. Việc ban hành Nghị quyết 119/2023/NQ-HĐND sẽ khuyến khích, nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả của các tổ chuyển đổi số cộng đồng trong thực hiện phổ cập chuyển đổi số tại cơ sở; tạo điều kiện hỗ trợ tổ chuyển đổi số cộng đồng thực hiện hiệu quả việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng nền tảng số, dịch vụ công, kỹ năng số, công nghệ số tại địa bàn khu dân cư” - Ông Dương Văn Tuấn - Phó Giám đốc Sở TT&TT nói thêm.

Theo số liệu từ Sở TT&TT, đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 1.937 tổ chuyển đổi số trong cộng đồng tại thôn, tổ dân phố.

Uyên Uyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load