Thứ sáu 26/04/2024 22:25 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hà Tĩnh: Những góc đời thầm lặng gieo xuân

22:16 | 31/12/2019

(Xây dựng) - Mùa xuân sẽ ấm áp hơn, khi được kết tinh từ những điều giản dị nhưng mang nhiều ý nghĩa, khi ta soi vào bộn bề cuộc sống để tìm về những góc đời thầm lặng. Ở một góc nào đó trong sâu thẳm nhất của tâm hồn, ký ức không phải là dòng sông cũng không phải là con thuyền mà chính là bến đỗ để những bước chân phiêu bạt mong nhớ tìm về.

Hà Tĩnh trong tôi là ký ức ngọt ngào về những gương mặt, những nụ cười và cả những giọt nước mắt như một mạch nước ngầm, như một sự mặc định trong vùng thương, vùng nhớ giữa tâm tư… là nơi luôn được gọi tên trong nỗi nhớ, sự mong chờ và cả những khát khao mỗi độ xuân về.

ha tinh nhung goc doi tham lang gieo xuan
An nhàn tuổi già (ảnh: Thanh Hải).

Tôi muốn kể về mắt biển: Tôi đến với biển khi mùa mưa bão đang về. Biển sẽ dữ dằn hơn khi chứng kiến những con tàu lạc sóng không tìm được đường về đất liền. Để đến được ngọn hải đăng Mũi Ròn – Vũng Áng (thuộc Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc) trên ngọn núi Chúa thuộc dãy Hoành Sơn phải mất hơn 2h đi bộ mới gặp Nguyễn Tiến Thành (sinh năm 1993), người đang canh giữ mắt biển. Với một tâm thế điềm nhiên, đĩnh đạc, những điều Thành chia sẻ cho thấy công việc của một nhân viên hải đăng vất vả nhưng thiêng liêng lắm. Công việc đã chọn em nên em sẽ kiên định với nó. Dù phải sống ở nơi heo hút và cô đơn nhưng em hạnh phúc với công việc hiện tại vì biết rằng giữ sáng cho ngọn hải đăng cũng là giúp cho biết bao tàu thuyền trên đại dương mênh mông đi đúng hướng, nhất là trong mùa mưa bão, niềm hạnh phúc đó còn nhân lên bội lần. Trên trập trùng núi non, giữa hoang vu đảo vắng, vẫn luôn có những người lặng lẽ thắp sáng những đôi mắt biển, dẫn lối cho những con tàu… Và, tôi gọi đó là những góc đời thầm lặng gieo niềm tin, hy vọng để mang lại hạnh phúc cho các ngư dân bám biển để sinh tồn.

Tôi đã gặp nhiều gương mặt ngư dân trên các tàu bị nạn, những nét lo âu lẫn niềm vui khi được cứu sống trên ngàn con sóng bạc. Những người vợ đẫm nước mắt khi đón tàu cứu hộ đưa chồng, con của họ trở về. Có lần trò chuyện với những chủ tàu cá từng gặp ở cảng cá Thạch Kim sau một cơn bão. Trong rất nhiều nỗi hàm ơn, anh luôn nhắc về mắt biển với niềm biết ơn sâu sắc. Giữa mịt mùng biển thẳm, giữa bão bùng mưa gió, ánh đèn hải đăng là ánh sáng thần kỳ giúp tàu của anh tìm được đường vào bờ. Anh còn nói, bao giờ có điều kiện anh sẽ lên thăm các trạm hải đăng để được bắt tay những người thắp sáng mắt biển. Tôi không biết, đến bao giờ người chủ tàu cá ấy mới thực hiện được mong muốn đó, nhưng tôi tin tình cảm trong anh là có thật, niềm biết ơn trong anh là có thật. Từ trong sâu thẳm trái tim mình, tôi thầm cảm phục sự kiên định của họ - những người giữ lửa cho mắt biển luôn sáng ngời.

Buổi sáng: Khi nụ mầm chưa thức giấc, ngã tư Nguyễn Biểu - Nguyễn Chí Thanh đông nghịt người hối hả mua bán dịp cuối năm. Cụ già bán trống khó khăn hơn khi di chuyển bằng đôi chân già yếu khuyết tật bằng chiếc xe đẩy chất đầy trống. Bỗng ập, những chiếc trống to đùng đứt giây lăn long lóc giữa đường. Cụ dừng xe, tập tễnh từng bước để đuổi theo chiếc trống đang lăn. Nhưng, cụ ngồi xuống bất lực vì đôi chân khập khễnh không đuổi theo được. Dòng người chen chân ai cũng vội để vượt qua ngã tư có tín hiệu đèn giao thông. Khi tôi tìm được chỗ đậu xe để qua giúp cụ, thì khoảnh khắc rơi vào tầm mắt tôi lúc ấy là hình ảnh đẹp của người chiến sĩ cảnh sát giao thông chốt ở ngã tư này, anh đã vội nhặt trống lên và giúp cụ đẩy chiếc xe kéo vào vị trí bán hàng phía sau cổng chợ. Tôi tiếc mình đã không kịp lấy điện thoại để ghi lại khoảnh khắc đẹp đó. Có thể, sẽ có nhiều việc làm ý nghĩa hơn trong cuộc đời và người chiến sỹ cảnh sát ấy hẳn sẽ không nhớ hết được việc mình đã làm, nhưng riêng tôi sẽ không bao giờ quên vì ngay khoảnh khắc đó, tôi đã bắt gặp được những điều chạm đến trái tim.

Đồn Biên phòng Hương Quang, hiện nay vẫn được gọi đồn “hai không”. Tuy đóng quân ở địa bàn không dân nhưng cán bộ, chiến sỹ đồn Hương Quang chưa bao giờ rời xa dân. Đồn có 1 tổ thường xuyên đóng ở địa bàn Hói Trùng để kịp thời phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của xã. Ngoài ra, tổ còn giúp đỡ xã xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, tổ chức nhiều hoạt động an sinh xã hội như: “Nâng bước em tới trường”, “Tiếp lửa yêu thương”…

ha tinh nhung goc doi tham lang gieo xuan
Các lực lượng chung sức giúp dân gặt lúa chạy lũ (ảnh: Ánh Dương).

Tôi hiểu nhiệm vụ của những chiến sỹ biên phòng vô cùng vất vả. Tôi lặng ngắm gương mặt xương xương, đượm màu nắng gió của các anh. Ẩn sau vẻ rắn rỏi là thần thái rất hiền từ. Ẩn sau những nếp hằn gian khổ là ánh mắt ấm áp niềm hạnh phúc. Tôi hiểu, tâm hồn những người lính đã hữu duyên với nhiệm vụ này đều nhiều lớp lang như thế. Tôi nhìn sâu vào đó và mường tượng về những ngày nắng cháy, những đêm mưa rừng lạnh lẽo. Mường tượng về những bước chân không mỏi, lặng lẽ ngược vách núi mà đi, về những giây phút rưng rưng chạm tay lên những cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc…

Tôi hỏi các anh, có nhớ bao nhiêu mùa xuân đi qua gắn bó với những trận sốt rét rừng? Có người chỉ mỉm cười vì chẳng nhớ. Có người nói đã từng chết đi sống lại. Cũng có anh lẳng lặng quay mặt dấu đi nỗi xúc động đang tuôn trào vì câu hỏi của tôi chạm vào nỗi niềm nào đó. Bất giác, trong lòng tôi cũng dậy lên những nỗi niềm rưng rưng. Phải đối mặt với biết bao khó khăn, thử thách nhưng những người lính mang quân hàm xanh nơi đây vẫn luôn giữ vững chí khí. Vẫn trọn vẹn tình quân dân và luôn nỗ lực chia sẻ với chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ. Họ chính là những ngôi sao xanh lấp lánh, tỏa rạng trên miền biên ải nhiều gian lao, nhọc nhằn và hiểm nguy này.

Mờ sáng, tôi xuống xe sau một chuyến công tác dài ngày. Giữa cái lạnh mùa đông buốt giá, tôi bắt gặp ở đó bóng dáng của chị lao công đang miệt mài với công việc thường nhật của mình. Mỗi người có một nghề mưu sinh không ai giống ai, nhưng sao thương quá những tấm lưng vã mồ hôi giữa đêm đông giá, những đôi chân mệt nhoài và những ánh mắt mất ngủ để làm sạch cho những góc phố, những con đường.

Vòng quanh phố lúc vừa rạng sáng. Tôi bỗng thấy yêu đời đến lạ, giữa mưa xuân lất phất bay, giữa cái lạnh tê lòng ai cũng muốn cuộn mình trong chăn ấm để ngủ vùi. Vậy mà ở đây, ngay ngã tư giao nhau giữa đường Nguyễn Du - Xuân Diệu có 2 công nhân ngành Điện lực đang sữa chữa đường dây. Tôi bỗng nhớ có lần đi viết bài về mưa lũ, từng chứng kiến giữa biển nước mênh mông, hiểm nguy rình rập, nhưng để đảm bảo việc cấp điện an toàn, ổn định cho nhân dân vùng lũ, các cán bộ, công nhân ngành điện lực đã phải phân công nhau canh từng đường dây, trạm biến áp, không kể ngày đêm dầm mình trong mưa bão để hoàn thành nhiệm vụ.

ha tinh nhung goc doi tham lang gieo xuan
Các lực lượng chức năng làm việc quên mình (ảnh: Ánh Dương).

Tôi bắt gặp trong những chuyến công tác của mình hình ảnh những anh bộ đội, những bạn đoàn viên hối hả giúp người dân gặt lúa chạy lũ, băng mình giữa biển lửa để cứu rừng… Tôi chợt hiểu thêm rằng, để có những ngày bình yên như hôm nay là sự hy sinh thầm lặng của ngày hôm qua. Tôi may mắn đã gặp những góc đời thầm lặng với muôn vàn yêu thương hằn sâu trong mắt nhớ như những giấc mơ không trở lại – tôi gọi tên từng góc đời trong ký ức là hạnh phúc.

Trong khoảnh khắc thiêng liêng của đất trời khi sắp vào xuân, chính khoảnh khắc ấy, trong lòng mỗi người như lắng đọng lại hết thảynhững yêu thương. Với tôi, Hà Tĩnh là nơi cất giấu những miền nhớ ngọt ngào hôm qua, tôi luôn dành một góc sâu nhất trong tâm hồn mình nhắc nhớ về một thành phố đầy ắp những ân cần, yêu thương sâu lắng để có động lực bước tiếp ngày mai.

Tuyết Mây

Theo

Từ khóa: #Hà Tĩnh #vào xuân
Cùng chuyên mục
  • Ninh Bình: Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024

    (Xây dựng) – Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.

  • Di tích lịch sử Cầu Gãy

    (Xây dựng) - Cầu Gãy là minh chứng lịch sử hào hùng, cho sức mạnh và tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam. Cầu Gãy đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, nối liền Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên trong nhiều năm sau giải phóng miền Nam. Năm 2012, Cầu Gãy được công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.

  • Lễ hội sen Đồng Tháp sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 5

    (Xây dựng) – Sáng 25/4, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Thông cáo báo chí Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024. Theo Thông cáo, Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 với chủ đề “Rạng ngời sắc Sen” sẽ diễn ra tại Công viên Văn Miếu (đường Lý Thường Kiệt, phường 1, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), từ ngày 16-19/5/2024.

  • Hội thảo “Di sản Kiến trúc trong dòng chảy phát triển”: Điểm nhấn trọng tâm về học thuật

    (Xây dựng) - Ngày 23/4, Hội thảo khoa học “Di sản Kiến trúc trong dòng chảy phát triển” đã diễn ra tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, trở thành điểm nhấn trọng tâm về học thuật trong khuôn khổ Festival Sinh viên kiến trúc toàn quốc lần thứ XIV tại Huế.

  • Quảng Ninh: Kỷ niệm 513 năm ngày cụ Vũ Phi Hổ đỗ tiến sỹ

    (Xây dựng) - Ngày 23/4, xã Lê Lợi, thành phố Hạ Long nòng cốt là Hội đồng dòng họ Vũ Võ tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 513 năm ngày cụ Vũ Phi Hổ, người dân của địa phương đỗ tiến sĩ.

  • Hoàn thành giai đoạn 1 tu bổ nơi Tổng Bí thư Trần Phú bị giam giữ và hy sinh

    Bệnh viện Chợ Quán xây dựng xong vào năm 1864, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận là "Bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam."

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load