(Xây dựng) – Chợ Đồng Xuân là chợ truyền thống mang đậm nét người Tràng An. Trải qua bao thăng trầm, chợ Đồng Xuân vẫn vẹn nguyên giá trị văn hóa, lịch sử và trở thành biểu tượng của Thủ đô. Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt cho phép UBND quận Hoàn Kiếm triển khai dự án thí điểm sử dụng năng lượng mặt trời trên mái chợ Đồng Xuân. Đây cũng là chợ đầu tiên của Hà Nội lắp điện mặt trời mái nhà.
Dự án thí điểm lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại chợ Đồng Xuân nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân Thủ đô. |
Tìm hiểu được biết, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 738/QĐ-UBND ngày 9/2/2021 về việc phê duyệt dự án Năng lượng mặt trời quận Hoàn Kiếm; Dự án thí điểm sử dụng năng lượng mặt trời trên mái chợ Đồng Xuân.
Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, dự án do Công ty TNHH phi lợi nhuận Engagement Global gGmbH/Trung tâm dịch vụ các địa phương trong một thế giới (SKEW) tài trợ.
Dự án gồm các nội dung chủ yếu, nâng cao năng lực và kỹ năng cho cán bộ, nhân viên của quận Hoàn Kiếm - đơn vị vận hành dự án sử dụng năng lượng tái tạo, vận hành và quản lý sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng sạch...
Dự kiến tổng số tấm pin lắp đặt trên mái khu chợ Đồng Xuân là 600 tấm (chiếm 18% tổng diện tích mái của chợ Đồng Xuân), công suất mỗi tấm 330Wp. Tổng công suất lắp đặt của hệ thống là 198kWp.
Dự án có tổng giá trị hơn 274.000 Euro, trong đó hơn 246.000 Euro do Công ty TNHH Phi lợi nhuận Engagement Global gGmbH/SKEW tài trợ không hoàn lại. Còn lại, gần 28.000 Euro do UBND quận Hoàn Kiếm huy động từ nguồn xã hội hóa của các tổ chức và cá nhân trên địa bàn quận, bảo đảm đúng quy định pháp luật về quản lý tài chính. Dự án được thực hiện kể từ khi được phê duyệt đến hết ngày 30/11/2022. Ngoài ra, sau khi hoàn thành việc thử nghiệm lắp đặt tại chợ Đồng Xuân và đánh giá hiệu quả, dự kiến Hà Nội sẽ triển khai diện rộng trên một số khu vực khác của quận Hoàn Kiếm.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, liên quan đến nội dung trên, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội lưu ý: Chợ Đồng Xuân có một vị trí nhạy cảm, không chỉ có ý nghĩa về mặt công trình kiến trúc mà còn mang tầm văn hóa - lịch sử quan trọng. Lịch sử chợ Đồng Xuân gắn liền với lịch sử Thủ đô. Trước đó, từng có nhiều dự án được đề xuất như xây dựng chợ 4 tầng nổi, 5 tầng hầm hay mở rộng, cải tạo chợ Đồng Xuân… Tuy nhiên, hầu như không có dự án nào được thông qua và thực hiện. Vì thế, các dự án thực hiện tại khu vực chợ Đồng Xuân, thậm chí là xung quanh đó cũng cần được nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng.
Năm 1989, chợ Đồng Xuân được chính thức xây dựng do một Công ty thầu khoán của Pháp thi công trên diện tích khoảng 6500m2. Thiết kế ban đầu của chợ Đồng Xuân gồm 5 dãy nhà và được phân vòm cuốn mặt trước, bên trong chia cách bởi đường đi giữa các vòm. Khu phía Đông Bắc là chợ Bắc Qua, khu phía Tây là chợ Đồng Xuân. Chợ được xây với 5 vòm cửa và năm nhà dài 52m, cao 19m. Mặt tiền chợ được xây theo kiến trúc Pháp, gồm 5 phần hình tam giác có trổ lỗ như tổ ong, lợp mái tôn.
Sau Ngày Toàn quốc kháng chiến (1946), khu Đồng Xuân và chợ Đồng Xuân trở thành cửa ngõ của Liên khu I gồm khu Hoàn Kiếm, Long Biên, Đồng Xuân, Đông Kinh Nghĩa Thục và Đông Thành. Khi quân viễn chinh Pháp đánh chiếm Hà Nội, tại đây đã diễn ra trận chiến đấu “60 ngày đêm khói lửa” bảo vệ Thủ đô. Ngày nay, bức phù điêu các Vệ quốc quân đã được dựng lên phía trước cửa chợ Đồng Xuân để tưởng nhớ công lao to lớn, ngợi ca tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của những chiến sĩ gan dạ đã cống hiến xương máu cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.
Chính sự hấp dẫn đến từ truyền thống văn hóa lịch sử, chợ Đồng Xuân luôn được người dân Thủ đô và nhân dân cả nước biết đến như một chứng tích của chiến tranh. Nhân dân các miền đến thăm Thủ đô, một trong những địa điểm mà nhiều người muốn đến là chợ Đồng Xuân, có khi chỉ để mua một món quà làm kỷ niệm.
Chợ Đồng Xuân không chỉ mang trong mình nội hàm văn hóa sâu sắc, mà với vị thế là một khu giao thương sầm uất, chợ đã đem lại lợi ích cho người kinh doanh và người mua. Giữa kinh tế - xã hội, du lịch và văn hóa có sự kết hợp hài hòa, tạo nên nét đặc trưng của khu chợ. Trước xu thế kinh tế thị trường, áp lực từ tốc độ hiện đại hóa là không nhỏ, nhưng chợ Đồng Xuân vẫn đứng vững như bức phù điêu Vệ quốc quân trước cổng chợ, minh chứng cho sự trường tồn của hào khí người Hà Nội.
Diệu Anh
Theo