Chủ nhật 22/12/2024 13:21 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Đô thị

Hà Nội: Huyện Gia Lâm đã đạt 25/28 tiêu chí lên quận

19:17 | 30/06/2020

(Xây dựng) – Thông tin tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 30/6, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần cho biết, Gia Lâm hiện đã đạt được 25/28 tiêu chí, còn 3 tiêu chí chưa hoàn thành, đang gặp khó khăn.

ha noi huyen gia lam da dat 2528 tieu chi len quan
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần thông tin tại buổi giao ban.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thuần, Thành ủy Hà Nội đã phê duyệt đề án đầu tư phát triển huyện Gia Lâm trở thành quận đến năm 2025. Theo đề án này, để trở thành quận, các huyện cần phải đảm bảo hoàn thành đủ 28 tiêu chí cụ thể và rất chặt chẽ.

Căn cứ vào 28 tiêu chí này, huyện Gia Lâm đã “tự chấm điểm”, các sở, ngành của thành phố cũng “chấm điểm” từng tiêu chí một và đánh giá huyện Gia Lâm hiện đã đạt được 25/28 tiêu chí, còn 3 tiêu chí chưa hoàn thành, đang gặp khó khăn.

Cụ thể, tiêu chí thứ nhất là tiêu chí về giường bệnh, muốn thành quận thì huyện phải đạt 2,4 giường bệnh/ 1.000 dân trở lên. Huyện Gia Lâm hiện đang đạt 1,93 giường bệnh/ 1.000 dân.

Tuy nhiên theo ông Thuần, tiêu chí này có thể hoàn thành được trong giai đoạn tới khi Bệnh viện quốc tế Vinmec quy mô 1.000 giường bệnh sẽ được đầu tư xây dựng trong khu đô thị Vincity Ocean Park thời gian tới, đồng thời huyện cũng sẽ đầu tư nâng cấp Bệnh viện đa khoa Gia Lâm.

Tiêu chí thứ 2 là tự cân đối được ngân sách. Để hoàn thành được tiêu chí này, huyện Gia Lâm đang xin cơ chế của thành phố theo hình thức để cho huyện được thu thuế của các doanh nghiệp lớn trên địa bàn. Nếu được cơ chế này thì huyện có thể tự cân đối được ngân sách.

Tiêu chí thứ 3, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, cũng là tiêu chí mà huyện đang gặp khó nhất, đó là tỷ lệ đường giao thông trên 10km2 đường. Hiện huyện đang thiếu gần 100km đường giao thông cấp huyện (đường liên xã trở lên), để hoàn thành thì nhanh nhất cũng phải vài ba năm tới.

“Để hoàn thành được tiêu chí này, huyện Gia Lâm đã đề xuất UBND TP Hà Nội phê duyệt trên cơ sở quy hoạch của huyện xây dựng thêm 42 con đường từ nay đến 2025”, ông Thuần khẳng dịnh.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thuần, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện, 6 tháng đầu năm, ước đạt 1.518,3 tỷ đồng, bằng 51,4% dự toán thành phố và huyện giao, bằng 195,5% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý ước tăng 6,85%, giảm 3,52% mức tăng cùng kỳ năm 2019. Phần do huyện thu ước đạt 1.497,2 tỷ đồng, bằng 50,8% dự toán Thành phố và Huyện giao, bằng 192,8% so với cùng kỳ năm trước…

Công tác quản lý đô thị và trật tự xây dựng được chỉ đạo quyết liệt; đã cấp giấy phép xây dựng cho 656 trường hợp với tổng diện tích sàn 175.971m2; tiến hành kiểm tra 603 công trình xây dựng trên địa bàn huyện, phát hiện, lập hồ sơ xử lý 20 trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính 17 trường hợp, số tiền xử phạt 580,75 triệu đồng.

Tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ công tác đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm ước đạt 672,7 tỷ đồng, bằng 26,5% kế hoạch. Xử lý và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng…

Đáng chú ý, công tác xây dựng nông thôn mới được huyện quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Huyện đã triển khai rà soát bộ tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao gắn với các tiêu chí thành lập phường.

Kết quả đánh giá, 4 xã đạt 11-13 tiêu chí, đạt từ 90 điểm trở lên (Dương Xá, Cổ Bi, Đa Tốn, Bát Tràng); 10 xã đạt 9-11 tiêu chí, đạt từ 85-90 điểm và 4 xã đạt 9-10 tiêu chí, đạt 80-85 điểm. Huyện cũng đã xây dựng, triển khai Kế hoạch nông thôn mới năm 2020, hoàn thiện hồ sơ trình thành phố thẩm định, phê duyệt xã nông thôn mới nâng cao tại 2 xã Yên Viên và Phù Đổng.

Những tháng cuối năm, huyện sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế toàn diện, từng bước vững chắc. Tăng cường quản lý đô thị, đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, xây dựng theo quy hoạch, gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường. Tiếp tục cải cách hành chính, thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu lực và hiệu quả bộ máy chính quyền. Phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo quốc phòng, an ninh...

Bảo Nhi

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load