Thứ năm 26/12/2024 22:47 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Hà Nội “hồi sinh” những cây xanh bị ngã đổ sau mưa bão như thế nào?

19:40 | 16/09/2024

(Xây dựng) – Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trong số hơn 40.000 cây xanh ở Hà Nội bị gãy đổ trong những ngày qua, dự kiến có khoảng 3.000 cây có thể cứu, trong đó có 100 cây quý hiếm. Thiệt hại nghiêm trọng từ cơn bão Yagi là bài học đắt giá cho các cơ quan quản lý về tầm quan trọng của công tác cắt tỉa cây xanh nhằm chuẩn bị cho mùa mưa bão cũng như việc chăm sóc, nuôi trồng cây xanh ra sao để phù hợp với điều kiện phát triển tại các đô thị lớn như Hà Nội.

Hà Nội “hồi sinh” những cây xanh bị ngã đổ sau mưa bão như thế nào?
Câu hỏi đặt ra và cũng như ý kiến của nhiều người lúc này là tìm giải pháp tích cực, hữu hiệu để bảo vệ, khôi phục và giữ lại những cây đã bị đổ, để bảo vệ không gian xanh của Thủ đô.

Hơn 40.000 cây xanh gãy đổ ở Hà Nội, có thể chỉ cứu được 3.000 cây

Ngày 13/9, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau bão số 3 tại Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan đến công tác chiếu sáng đô thị, cây xanh.

Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Công cho biết, theo số liệu thống kê tính đến ngày 13/9, Hà Nội có trên 40.000 cây đổ và cành gãy (các quận, huyện gồm Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thường Tín, Long Biên, Chương Mỹ, Bắc Từ Liêm, Phúc Thọ chưa có báo cáo).

Đến 18h ngày 12/9, các đơn vị xử lý chưa thu dọn được 6.729 cây... Qua rà soát, phân loại, có 3.082 cây trồng lại (250 cây đã dựng lại, 2.600 cây đã cắt tán chờ dựng lại và 232 cây chưa cắt ngọn để trồng lại). Ông Nguyễn Thế Công cho biết, hiện công tác giải tỏa để đảm bảo an toàn giao thông cơ bản đã hoàn thành, đồng thời đã rà soát, phân loại các cây xanh yếu chuyển về vườn ươm chăm sóc, chuẩn bị nơi tập kết củi gỗ.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đề nghị cần chuẩn hóa số liệu thống kê thiệt hại về cây xanh, trong đó phân loại cây nào là cổ thụ, cây nào có thể trồng lại, cây nào phải mang đi ươm trồng… cho hiệu quả. Đồng thời, Sở Xây dựng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị hỗ trợ xử lý cây xanh gãy, đổ trên địa bàn Thành phố; thực hiện đúng chỉ đạo của Thành phố là “cứu” tối đa các cây.

Bất cập trong công tác quản lý cây xanh

Những năm gần đây, Thành phố Hà Nội đã có nhiều giải pháp khắc phục trong việc trồng cây đô thị. Nhưng mỗi mùa mưa bão vẫn lộ ra những bất cập cần phải khắc phục. Sự việc vừa qua cho thấy phần nào những bất cập trong công tác quản lý, trồng cây xanh của Thủ đô hiện nay.

Nhiều ngày sau siêu bão Yagi, xác cây xanh bị gãy đổ vẫn nằm la liệt trên đường phố Hà Nội, tạo ra khung cảnh khiến nhiều người không khỏi xót xa. Đặc biệt là những tuyến đường có hàng cây lâu năm, nhiều bóng mát nổi tiếng như Thanh Niên, Phan Đình Phùng… nhiều cổ thụ bật gốc, gãy đổ.

Hà Nội “hồi sinh” những cây xanh bị ngã đổ sau mưa bão như thế nào?
Nhiều ngày sau bão Yagi, hàng loạt cây xanh trên địa bàn Thủ đô vẫn chưa được xử lý.

Là một người có hàng chục năm sinh sống tại Hà Nội, anh Thành Luân không khỏi bùi ngùi, xót xa trước hậu quả nặng nề của bão Yagi. Dù biết rằng bão mạnh nhưng theo độc giả này, nếu công tác cắt tỉa cây xanh được diễn ra thường xuyên hơn, hậu quả đã có thể giảm thiểu phần nào. Tôi ở khu Linh Đàm, cây xanh cũng đổ la liệt. Những năm trước, cứ tầm tháng 7, 8 dương lịch là có đội quản lý cây xanh cắt tỉa cành để chống bão, hoặc khi đón bão to cũng sẽ có đội xung kích cắt chặt những cây có khả năng gãy đổ, ảnh hưởng và gây nguy hiểm, tai nạn cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, năm nay tôi không thấy ai làm những công việc này, dù cơn bão này đã có sự cảnh báo từ các cơ quan chuyên môn. Tất nhiên là bão rất lớn, nhưng trong đó cũng có một phần do con người không có những động thái kịp thời, cắt tỉa cành cây để đón bão như xưa nay vẫn thực hiện.

Cùng chung quan điểm trên, nhiều ý kiến cho rằng: Công tác ứng phó, tỉa cành cây xanh đón bão có vẻ chưa thực sự được chú trọng, các cây bị gãy đổ hầu như không được cắt tỉa phù hợp. Đây là bài học cho đơn vị quản lý cây xanh về việc cần phải cắt tỉa cành nhằm đảm bảo an toàn trước khi bão tới. Trồng cây, chăm sóc cây bắt buộc phải quản lý kỹ thuật: Hố đào, từng cây trồng phải có hồ sơ rõ ràng, kiểm soát sự sinh trưởng suốt dòng đời của nó, không thể buông lỏng được.

Hà Nội “hồi sinh” những cây xanh bị ngã đổ sau mưa bão như thế nào?
Cây đổ càng nhiều, xác suất gây hậu quả nặng nề càng tăng.

Nhìn từ kinh nghiệm xử lý cây xanh đô thị tại Đà Nẵng: Từ cuối tháng 7, Đà Nẵng đã có kế hoạch ứng phó và khắc phục bão đối với cây xanh đô thị trên địa bàn nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra đối với hệ thống cây xanh, đặc biệt là cây xanh công cộng. Thành phố cắt tỉa trước đối với cây xanh tại các tuyến đường vùng ven và thưa dân cư vào thời điểm thích hợp nhằm đảm bảo kịp thời tiến độ trước mùa mưa bão. Khi thời tiết chuyển dần sang mùa mưa, tập trung cắt tỉa cây xanh các tuyến đường trung tâm, khu vực đông dân cư.

Đặc biệt, ưu tiên cắt tỉa các tuyến đường xung yếu, khu vực trống trải ven sông, ven biển và các tuyến đường có hạ tầng ngầm không ổn định. Khi có tin dự báo thời tiết cực đoan, áp thấp nhiệt đới, tin bão gần trên biển Đông, các đơn vị chức năng sẽ tập trung cắt tỉa và khắc phục cây xanh cho các tuyến phố trung tâm, đông dân cư, các khu vực trường học và bệnh viện.

Thành phố cũng phân chia từng loại cây với từng đặc tính riêng biệt để tiến hành cắt tỉa. Cụ thể, cắt tỉa mạnh (không quá 35% diện tích tán lá) đối với các loài cây dễ gãy đổ như phượng vĩ, muồng tím, lim xẹt, xà cừ, bàng ta... ; các loài cây còn lại có thể cắt tỉa ít hơn (không quá 25% diện tích tán lá).

Đối với những cây mới trồng, cây bị nghiêng, cây có dấu hiệu lỏng gốc sẽ gia cố, chống dựng.

Khi cơn bão đi qua, thành phố sẽ thống kê, tổng hợp tình hình thiệt hại, bảo vệ, chống mất cắp cây xanh bị ngã đổ. Ưu tiên xử lý nhanh các cây xanh ngã đổ ra đường để đảm bảo thông đường, các cây xanh ảnh hưởng đường dây điện, hệ thống cấp nước.

Công nhân sẽ cắt tỉa cành nhánh cây xanh để hạn chế mất nước cho cây. Đặc biệt, cây xanh có đường kính nhỏ hơn 20cm, bị ngã đổ nhưng còn rễ chính, rễ phụ và bầu rễ vẫn đảm bảo khả năng sinh trưởng của cây xanh sẽ được chống dựng, trồng lại. Sau đó tưới đẫm nước, chống dựng cây xanh để hạn chế cây bị khô héo do thiếu nước, động rễ.

Sau nhiều lần hứng chịu bão và có kinh nghiệm, Đà Nẵng lưu ý những cây xanh trốc gốc có đường kính nhỏ hơn 20cm bị ngã ra đường nhưng vẫn còn khả năng phục hồi thì cắt cành nhánh duy trì độ cao từ 2,5m và chuyển dọc theo vỉa hè, dải phân cách để chống dựng tận dụng lại, tránh tình trạng cắt ngang thân ở vị trí thấp gây lãng phí tài sản cây xanh.

Đối với những cây bị nghiêng nặng hoặc cây ngã đổ có kích thước lớn, cây thuộc nhóm có giá trị, cần bảo tồn sẽ được trồng tận dụng tại khu vực công trình có không gian lớn để thuận lợi cho công tác chăm sóc, bảo vệ.

Qua ý kiến của người dân và tổng kết của cơ quan chuyên ngành về thiệt hại cây xanh, có thể nói công tác quản lý cây xanh của Thành phố còn bộc lộ nhiều yếu kém và có phần thiếu trách nhiệm. Mặc dù cơn bão Yagi đã được dự báo trước nhiều ngày, chưa kể những năm gần đây công tác chăm sóc, cắt tỉa cây xanh của Thành phố không được thường xuyên đã dẫn đến những hậu quả hết sức nặng nề.

Nhiều chuyên gia cây xanh cho rằng, Hà Nội nên tham khảo cách bảo vệ cây xanh trong mùa mưa bão ở các tỉnh như Đà Nẵng và một số thành phố ven biển miền Trung, đặc biệt là những đất nước thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão như Nhật Bản để tìm ra phương án tối ưu trong việc bảo vệ cây xanh. Nhưng điều trước tiên cần phải đánh giá lại ở từng khu vực, trên từng tuyến phố cây xanh để ở độ cao bao nhiêu là phù hợp, không để tình trạng cây xanh mọc cao “vô lối” như hiện nay.

Khánh Hòa – Hưng Thịnh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load