Đến tháng 12.2020, nhiều dự án giao thông trọng điểm tại Hà Nội đã hoàn thành, được đưa vào sử dụng. Các dự án cơ bản đã đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Hà Nội, giải quyết ùn tắc, tai nạn giao thông và góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông TP.Hà Nội.
Hà Nội thông xe đường vành đai 2 trên cao, đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở. Ảnh: PV |
Nhiều dự án giao thông được hoàn thành
Theo đó, tháng 8.2020, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.Hà Nội đã tổ chức lễ khánh thành và gắn biển công trình cho Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên và hoàn thiện đường Nguyễn Văn Huyên theo quy hoạch. Dự án được triển khai nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc trong khu vực; từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của quận Cầu Giấy và Thành phố Hà Nội. Cầu gồm 5 nhịp, 4 làn xe, tổng chiều dài 278m. Tổng mức đầu tư dự án hơn 500 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 305 tỉ đồng, xây dựng là 185 tỉ đồng, dự phòng 50 tỉ đồng.
Sau hơn 10 tháng thi công, các đơn vị thi công đã hoàn thành toàn bộ các hạng mục công trình của dự án, bảo đảm chất lượng, mỹ quan và đủ điều kiện để đưa vào khai thác sử dụng. Việc khánh thành, đưa công trình vào khai thác có ý nghĩa rất quan trọng. Dự án đã giải quyết kịp thời tình trạng ùn tắc giao thông tại nút thắt cổ chai đã tồn tại hơn 23 năm nay trên đường Nguyễn Văn Huyên và cũng là nút giao thông phức tạp có lưu lượng tham gia giao thông lớn trên tuyến đường Vành đai 2,5 hiện nay.
Ngày 6.10, UBND TP.Hà Nội đã tổ chức lễ khánh thành và gắn biển Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm và nhánh kết nối với đường Vành đai 3. Dự án khởi công tháng 11.2019 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.Hà Nội làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 341 tỉ đồng. Sau gần 1 năm khởi công, dự án đã kịp thời hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh, khẳng định, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm và nhánh kết nối với đường Vành đai 3 là một trong những dự án thuộc danh mục các dự án trọng điểm của thành phố. Việc hoàn thành dự án có ý nghĩa rất quan trọng, giảm tải cho nút giao thông Thanh Xuân và nút Pháp Vân, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao Nguyễn Hữu Thọ với đường Giải Phóng và khu vực Linh Đàm. Công trình cũng đóng vai trò hoàn thiện tuyến đường Vành đai 3 khu vực hữu ngạn sông Hồng được khép kín, đồng bộ, góp phần giải quyết nhu cầu đi lại và hạn chế ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội.
Cũng trong tháng 10.2020, Bộ GTVT đã phối hợp với UBND TP.Hà Nội khánh thành công trình cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường Vành đai 3 TP.Hà Nội. Dự án có tổng mức đầu tư là 5.343.438 triệu đồng.
Tháng 11.2020, Sở GTVT Hà Nội cho thông xe đường vành đai 2 trên cao, đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở. Trước đó, vào tháng 4.2018, UBND TP.Hà Nội khởi công dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, kết hợp với mở rộng đoạn đường từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng.
Dự án sẽ xây mới hoàn toàn tuyến đường bộ trên cao bằng cầu cạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, có chiều dài 5,1km, rộng 19m. Còn phần đường vành đai 2 hiện tại từ Vĩnh Tuy - Chợ Mơ - Ngã Tư Vọng dài 3,1km sẽ được mở rộng với mặt cắt 53,5-63,5m, quy mô 8 làn xe (6 làn dành cho xe cơ giới và 2 làn xe dành cho xe thô sơ), có dải phân cách rộng 4m ở giữa và vỉa hè rộng 4-6m mỗi bên. Dự án có tổng mức đầu tư gần 9.500 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 4.194 tỉ đồng.
Hiện nay, UBND TP.Hà Nội vẫn đang nỗ lực để thông xe nút giao đường vành đai 3 với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vào cuối tháng 12.2020. Dự án được phê duyệt với tổng mức đầu tư là 402,160 tỉ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là 335,593 tỉ đồng, chi phí quản lý dự án 5,02 tỉ đồng... Thời gian thực hiện dự án dự kiến kéo dài từ năm 2019 đến năm 2021.
Mục tiêu của dự án là tạo điều kiện cho các phương tiện tham gia giao thông kết nối ra vào nút giao thông được thuận lợi, an toàn, rút ngắn hành trình và đồng bộ mạng lưới đường giao thông trong khu vực, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của tuyến đường Vành đai, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường Cổ Linh, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP. Các đơn vị quyết tâm phấn đấu thi công hoàn thành dự án trước ngày 30.12.2020.
Nhiều dự án chậm giải phóng mặt bằng
Bên cạnh những dự án đã hoàn thành, được đưa vào sử dụng thì hiện nay Hà Nội đang còn một số dự án giao thông chậm triển khai do vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng. Cụ thể, tuyến đường Vành đai 2,5 (đoạn Đầm Hồng - Giải Phóng, với chiều dài 2,1km). Dự án được phê duyệt từ năm 2002, có mức đầu tư gần 1.300 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 12.2016. Tuy nhiên, sau gần 20 năm triển khai, dự án vẫn đang vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng.
Tiếp đó, dự án đầu tư xây dựng đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài trên địa bàn phường Láng Thượng (quận Đống Đa) có tổng mức đầu tư 342 tỉ đồng cũng được dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021. Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng quận Đống Đa Nguyễn Hoàng Hà cho biết, dự án được triển khai nhằm kết nối hệ thống các tuyến đường giao thông chính trong khu vực, giảm tải cho các tuyến đường xung quanh.
Dự án có chiều dài khoảng 1,3km, mặt cắt ngang 28,3m - 30m, điểm đầu tuyến tại vị trí nút giao đường Huỳnh Thúc Kháng và đường Nguyễn Chí Thanh, điểm cuối tuyến tại vị trí nút giao Voi Phục. Công trình được khởi công ngày 8.3.2019 với thời gian thực hiện trong giai đoạn 2018 - 2022.
Dự án đã được quy hoạch từ nhiều năm trước song đến nay vẫn đang vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nên ảnh hưởng tới tiến độ thi công. Theo thống kê, diện tích sử dụng đất của dự án là gần 39.600m2, liên quan đến 72 hộ dân và 16 tổ chức.
Theo ĐẶNG TIẾN - PHẠM ĐÔNG/Laodong.vn