(Xây dựng) - UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 922/UBND-ĐT về việc phân công nhiệm vụ thực hiện các giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn theo Chỉ thị 41/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Hà Nội sẽ thực hiện rà soát quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. |
Theo đó, căn cứ các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, ngành thực hiện, UBND thành phố yêu cầu các Sở ngành căn cứ chức năng nhiệm vụ, phối hợp với các Bộ ngành theo lĩnh vực quản lý, thực hiện các nội dung, nhiệm vụ quy mô cấp thành phố.
Cụ thể, Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp cùng các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc căn cứ chức năng nhiệm vụ thực hiện rà soát quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sở Xây dựng tiếp tục chỉ đạo tăng cường tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt, vận chuyển và xử lý trên địa bàn thành phố, đảm bảo các mục tiêu về giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt phù hợp hướng dẫn và lộ trình quy định tại Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi.
Sở Xây dựng phối hợp cùng các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính xây dựng lộ trình tăng dần giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nhằm giảm dần hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình theo hướng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng về phương thức quản lý, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn.
Sở Tài Nguyên và Môi trường chủ trì rà soát, sửa đổi, bổ sung các Văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các Văn bản có nội dung liên quan đến quản lý chất thải rắn, căn cứ Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), xây dựng, hoàn thiện và ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, các quy định về phương pháp định giá dịch vụ xử lý rác thải.
Sở Y tế tăng cường hướng dẫn việc thực hiện các quy định về quản lý chất thải y tế, chú trọng phân loại chất thải rắn tại nguồn; Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải y tế và y tế nguy hại đảm bảo các quy định về môi trường.
Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách tiếp tục khuyến khích, thu hút đầu tư các dự án xử lý rác thải có công nghệ tiên tiến, hiện đại; đơn giản hóa các thủ tục chuẩn bị đầu tư, xây dựng và vận hành cơ sở xử lý chất thải.
Sở Tài chính ưu tiên cân đối, bố trí nguồn vốn sự nghiệp bảo vệ môi trường hỗ trợ cho các hoạt động phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trong kế hoạch ngân sách hàng năm.
Cùng với đó, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc tuyên truyền, công tác phân loại rác thải tại nguồn phù hợp với điều kiện địa phương; thực hiện thí điểm triển khai phân loại rác thải tại nguồn tại một số xã, phường, thị trấn trong năm 2021.
UBND địa phương cần bố trí đủ kinh phí hằng năm của địa phương để thực hiện việc quản lý chất thải rắn; đảm bảo hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu về giảm thiểu, phân loại rác thải tại nguồn.
Nhật Minh
Theo