(Xây dựng) - Mới đây, UBND huyện Mê Linh phối hợp cùng Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Mê Linh năm 2024.
Ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó Trưởng Phòng Kinh tế UBND huyện Mê Linh phát biểu tại Hội nghị. |
Tại Hội nghị có 46 sản phẩm được đánh giá, phân hạng. Trong đó, 20 sản phẩm được đưa ra đánh giá lần đầu, 26 sản phẩm được đánh giá, phân hạng lại. Các sản phẩm thuộc đa dạng nhóm ngành nghề như: Các sản phẩm hoa, cây cảnh, thực phẩm, rau củ quả... được đánh giá theo các tiêu chí: Nguồn nguyên liệu tại địa phương, gia tăng giá trị, ứng dụng công nghệ gắn liền với nghề truyền thống, liên kết chuỗi, bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất...
Sản phẩm của Hợp tác xã Bưởi đỏ Đông Cao đạt 4 sao. |
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó Trưởng Phòng Kinh tế UBND huyện Mê Linh cho biết: Những năm qua, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo từ Huyện ủy, UBND huyện cùng sự phối hợp hiệu quả từ các Sở, ngành liên quan. Từ đó phát triển sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân. Chương trình OCOP góp phần hoàn thiện nhóm tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần thay đổi phương pháp sản xuất lạc hậu, hướng người dân áp dụng công nghệ mới trong nền kinh tế thị trường, thúc đẩy sáng tạo, đổi mới song cũng thân thiện với môi trường để kinh tế địa phương phát triển bền vững. Đa số chủ thể OCOP có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, nhiệt tình tham gia, phối hợp hoàn thiện hồ sơ, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Sản phẩm trà từ Hợp tác xã Làng nghề sen Mê Linh. |
Ông Nguyễn Tiến Hùng cũng khẳng định, Đề án “Mỗi chương trình một sản phẩm” đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong trồng trọt, chăn nuôi, văn hóa truyền thống… Một số sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện đã được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như sản phẩm tre, sản phẩm hoa hồng, hoa cúc.
Sản phẩm hoa hồng bonsai được đưa ra đánh giá, phân hạng tại Hội nghị. |
Thông qua Hội nghị, trong số 46 sản phẩm OCOP được đưa ra đánh giá, phân hạng, có 32 sản phẩm đạt 3 sao, 14 sản phẩm đạt 4 sao, khẳng định được chất lượng cũng như góp phần lan tỏa bản sắc, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Sau gần 5 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay, trên địa bàn huyện Mê Linh đã có 9 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, 100% số xã trong huyện có sản phẩm OCOP với tổng cộng 150 sản phẩm đạt chất lượng từ 3 đến 4 sao.
Triển khai hiệu quả Chương trình OCOP luôn là một nhiệm vụ quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới tại Mê Linh. Những năm qua, huyện Mê Linh luôn tập trung tối đa nguồn lực đầu tư hạ tầng cơ sở, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ… nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân.
Huyện đã xây dựng được nhiều chuỗi sản xuất với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, điển hình như: Chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau, củ, quả, hoa tại Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Đông Cao; chuỗi sản xuất và tiêu thụ bưởi đỏ Đông Cao (xã Tráng Việt); chuỗi sản xuất và tiêu thụ quả sạch Khánh Phong (xã Tiến Thịnh)…
Nhằm tiếp tục phát huy thế mạnh của sản phẩm OCOP, huyện Mê Linh đã xây dựng Đề án phát triển Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, toàn huyện có 122 sản phẩm được công nhận OCOP. Hiện, huyện đã lên kế hoạch đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cho 29 sản phẩm đăng ký tham gia.
Hội đồng đánh giá phân hạng đã đánh giá, phân hạng được 28 sản phẩm đạt 3 sao, 1 sản phẩm đạt 4 sao. Đặc biệt, trong số 29 sản phẩm đã được đánh giá phân hạng, nhiều sản phẩm chế biến sâu như: Chè sen, các sản phẩm làm từ cốm tươi, sản phẩm thủ công mỹ nghệ thân thiện với môi trường được đánh giá giàu tiềm năng nâng hạng và trở thành sản phẩm chủ lực hứa hẹn trở thành mặt hàng xuất khẩu đem lại giá trị kinh tế cao.
Thời gian tới, huyện Mê Linh sẽ tiếp tục tập trung phát triển nông nghiệp. Trong đó, giảm diện tích sản xuất lúa xuống còn 2.000ha; chuyển đổi cơ cấu giống lúa; duy trì và mở rộng các vùng sản xuất chuyên canh tập trung; duy trì và mở rộng các chuỗi liên kết trên địa bàn nhằm tạo sự ổn định bền vững; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất chất lượng cao, chế biến sâu; sản xuất theo quy hoạch và nhu cầu của thị trường nhằm nâng cao giá trị, chất lượng nông sản phục vụ bền vững thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt, tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền về lợi ích thiết thực của chương trình OCOP để các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh tự nguyên đăng ký tham gia.
UBND huyện Mê Linh cũng đã ban hành Đề án thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 với định hướng phát triển không chỉ đáp ứng yêu cầu về số lượng, mà còn gia tăng về giá trị để từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, hướng đến xuất khẩu. Trong đó, mục tiêu đề ra mỗi năm sẽ phát triển, nâng cấp, đánh giá phân hạng từ 20 - 30 sản phẩm OCOP trở lên; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý sản phẩm OCOP; tổ chức thường niên các sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm trong nước và quốc tế; giám sát chất lượng các sản phẩm OCOP định kỳ thông qua việc kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm chất lượng; nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP thông qua việc áp dụng và chứng nhận chất lượng theo các tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến như VietGAP, HACCP, ISO, nông nghiệp hữu cơ Việt Nam và quốc tế.
***
Thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Thành phố Hà Nội.
Phạm Nguyên
Theo