Thứ năm 21/11/2024 21:32 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Hà Nội đang thiếu hụt nghiêm trọng diện tích mặt nước để điều hòa khí hậu

20:50 | 04/09/2020

(Xây dựng) – Trong 20 năm qua, hàng chục ao, hồ, kênh của Thủ đô dần biến mất đã làm tăng tình trạng ngập, lụt cũng như giảm khả năng điều hòa khí hậu, ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan cũng như chất lượng cuộc sống của người dân.

ha noi dang thieu hut nghiem trong dien tich mat nuoc de dieu hoa khi hau
Cần gìn giữ diện tích mặt nước tại các ao, hồ hiện có.

Công viên cây xanh, mặt nước được đánh giá là lá phổi của các đô thị lớn, giúp điều tiết khí hậu, tạo cảnh quan môi trường… Vì vậy, trong quá trình phát triển đô thị, cần có quy hoạch cụ thể để vừa bảo tồn diện tích mặt nước và các ao, hồ hiện có, vừa phát triển thêm nhiều hồ nước mới.

Đặc biệt, ao hồ có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển đô thị, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Trong nhiều năm gần đây, Thành phố Hà Nội đã có nhiều quy hoạch xây dựng các công viên, hồ điều hòa. Tuy nhiên, hầu hết những dự án trên hiện vẫn chỉ nằm trên giấy, một vài dự án chậm tiến độ hoặc bị “biến tướng” thành nhà hàng, bãi xe…

Theo nhận định của các chuyên gia, Hà Nội đang thiếu hụt nghiêm trọng diện tích mặt nước. Việc xây mới các hồ nhân tạo chưa thực hiện được, trong khi đó, các hồ, kênh cũ cứ lấp, cứ lấn chiếm hoặc cống hóa gây lãng phí và ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường, làm giảm vai trò trữ nước, điều tiết thoát nước.

Thống kê cho thấy, vào năm 1995, nội thành Hà Nội có tới 2.100ha mặt nước, sụt giảm chỉ còn khoảng 1.165ha vào năm 2016 và ngày càng có xu hướng giảm. Cụ thể, theo báo cáo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, tính từ năm 2010 - 2017, Hà Nội có tới 17 hồ bị san lấp hoàn toàn nhưng chỉ bổ sung 7 hồ mới. Quận Đống Đa vốn có nhiều ao hồ nhất với trên 30 hồ, nhưng đến năm 2015 đã có 4 hồ bị san lấp. Còn một số quận không thay đổi số lượng ao thì diện tích mặt nước lại bị thu hẹp đáng kể. Điển hình là tại quận Tây Hồ, nơi có diện tích mặt nước lớn nhất thành phố (chiếm 79% tổng diện tích mặt nước của Hà Nội) nhưng từ năm 2010 - 2017, diện tích mặt nước đã giảm hơn 28.000m2. Tìm hiểu được biết, trước đây hồ Tây rộng hơn 500ha nhưng sau khi kè vào năm 2010 chỉ còn 460ha.

Khi diện tích đất đô thị ngày càng được phục vụ cho nhu cầu nhà ở, chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại – giải trí thì quỹ đất xây dựng công viên cây xanh, hồ điều hòa ngày càng giảm.

Có thể thấy, diện tích hồ điều hòa được xây dựng mới không tương xứng với sự gia tăng dân cư, các dự án cải tạo hồ cũ không mang lại kết quả, trong khi hiện tượng bê tông hóa lại diễn ra quá nhanh được nhiều chuyên gia đánh giá là nguyên nhân chính gây nên tình trạng ngập úng mỗi khi có mưa lớn, đồng thời ảnh hưởng đến khí hậu ở khu vực nội thị.

Theo tìm hiểu, hiện có khoảng 98/122 hồ trong nội thành Hà Nội đã được cải tạo kè bờ chống lấn chiếm. Trong số đó, một số hồ được đầu tư xây dựng đảm bảo mục tiêu điều hòa tiêu thoát nước như hồ Giảng Võ, Thành Công, Thiền Quang... Thế nhưng, đó vẫn chưa đủ để giảm thiểu ngập úng mỗi khi mưa lớn xảy ra. Thiếu hụt không gian xanh, trong đó có không gian hồ nước trở thành thách thức lớn nhất mà nhiều thành phố đang phải đối mặt khi mà quá trình đô thị hóa diễn ra.

Bàn về vấn đề trên, ông Ngô Trung Hải – Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam chia sẻ: Hiện nay, vấn đề lấp hàng loạt con kênh – tiến hành cống hóa đã tác động mạnh đến việc thoát nước tại đô thị. Chúng ta nên học tập một số quốc gia, họ đào các kênh, sông nhân tạo, lộ thiên để giúp điều hòa vi khí hậu, đồng thời giải quyết một phần vấn đề thoát nước – chống ngập úng. Vì vậy, để gia tăng diện tích mặt nước, tích trữ nước mưa tái sử dụng thì cần nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng và “làm sống lại” những dòng sông cũ, những con kênh đã bị lấp đi.

Quỳnh Hoa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load