(Xây dựng) - Hiện nay, TP Hà Nội có khoảng hơn 1.000 đường, phố có tên, trong đó Hà Nội cũ có khoảng hơn 700, quận Hà Đông và thị xã Sơn Tây có gần 300 tên đường, phố. Ngày 01/8/2008 tỉnh Hà Tây sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội thì TP Hà Đông chỉ còn là quận, TP Sơn Tây xuống thành thị xã. Từ đó, TP Hà Nội có gần 70% đường, phố có tên trùng lặp, như phố: Lê Đại Hành, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Nguyễn Huệ, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du… Sự trùng lặp ấy ít nhiều ảnh hưởng đến việc đi lại, giao dịch của người dân trong những năm qua.
Hà Nội, có nên đổi tên đường, phố? (Ảnh minh họa). |
Gần đây, có ý kiến của PGS.TS Lê Quý Đức - cựu Phó viện trưởng Viện Văn hoá và Phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đề nghị Thủ đô nên đổi tên đường, phố để tránh trùng lặp, thuận tiện cho người dân. Tuy nhiên, cũng có ý kiến trái chiều cho rằng, việc đặt lại, đổi lại tên đường, phố là không cần thiết. Bởi lẽ, việc sáp nhập tỉnh Hà Tây vào Hà Nội đã 15 năm, người dân đã quen với sự trùng lặp tên đường, phố.
Nếu tiến hành đổi tên đường, phố sẽ phức tạp, tốn kém. Trước hết là khó khăn về quỹ tên để đặt cho vài trăm đường, phố cần thay. Sau nữa là phiền toái cho người dân, tổ chức, cơ quan, DN, đơn vị lực lượng vũ trang Nhân dân, trường học, cửa hàng, cửa hiệu phải thay đổi địa chỉ, khắc lại con dấu, đổi biển hiệu, biển số nhà; ngành giao thông thay đổi biển tên đường, phố; người dân phải thay đổi hộ khẩu (đã nhập vào dữ liệu căn cước công dân)… Tóm lại là sẽ rất tốn kém.
Trên thực tế 100% đường, phố Hà Nội gắn liền với tên phường, tên quận nên khó có sự nhầm lẫn địa chỉ cần giao dịch. Tuy có một số đường, phố liên quan hai, ba quận như các đường Trường Chinh, Minh Khai, Giải Phóng… nhưng về cơ bản tên đường, phố gắn liền với tên phường, tên quận, thị xã nên không nhầm lẫn được.
Không nên và không cần thiết phải thay đổi lại tên đường, phố trùng lặp.
Kim Quốc Hoa
Theo