Thứ bảy 14/09/2024 00:13 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Hà Nội: Cần làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới

09:40 | 13/09/2024

(Xây dựng) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo 414/TB-VPCP ngày 12/9/2024 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới Hà Nội cần làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm).

Hà Nội: Cần làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới
Hà Nội cần có những giải pháp đột phá, hiệu quả hơn nữa trong phát triển Thủ đô.

Thông báo kết luận nêu rõ, phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới, Thành phố Hà Nội và các Bộ, ngành liên quan rà soát lại các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra theo Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Hà Nội và Đại hội Đảng các cấp, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, nhất là chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy ngày 09/8/2024 để có những giải pháp đột phá, hiệu quả hơn nữa trong phát triển Thủ đô.

Đồng thời, phát huy mạnh mẽ tinh thần quyết tâm phải cao hơn, nỗ lực phải lớn hơn, hành động phải quyết liệt, hiệu quả hơn, có trọng tâm, trọng điểm, phân công công việc "6 rõ": Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian hoàn thành, rõ kết quả và rõ sản phẩm. Mục tiêu, chỉ tiêu nào chưa đạt thì phải nỗ lực, có giải pháp đột phá đạt bằng được, mục tiêu, chỉ tiêu nào đã đạt được thì phải quyết tâm, thực hiện hiệu quả và đạt cao hơn nữa.

Bên cạnh đó, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phát triển kinh tế đối ngoại và hội nhập quốc tế. Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm).

Tiên phong trong khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Hà Nội cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hạn chế về thể chế, cơ chế, chính sách và ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển Thủ đô. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước, phấn đấu nằm trong nhóm 5-10 địa phương dẫn đầu cả nước về cải cách thủ tục hành chính.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình quan trọng, trọng điểm như tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô phải hoàn thành trong năm 2026 theo đúng tiến độ; trong đó huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành kịp thời giải phóng mặt bằng các công trình, dự án. Tiên phong trong khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tập trung xây dựng Thủ đô thông minh. Từng bước giải quyết các vấn đề về hạ tầng đô thị liên quan tới giao thông, giáo dục, y tế, môi trường, xã hội…

Bảo đảm an sinh xã hội, tiến bộ, công bằng xã hội; kiên quyết không để thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế, nhân lực y tế; chuẩn bị tốt cho năm học mới; làm tốt công tác cải cách tiền lương gắn với kiểm soát giá cả thị trường, bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, không để thiếu hụt lương thực, thực phẩm và xăng dầu. Chú trọng công tác bảo vệ môi trường để Thủ đô ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Phát triển văn hóa xứng tầm Thủ đô văn minh, văn hiến, anh hùng

Phát triển văn hóa xứng tầm Thủ đô văn minh, văn hiến, anh hùng; phát huy mạnh mẽ truyền thống nghìn năm văn hiến, biến di sản thành tài sản, xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí. Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và Đảng viên, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế, xã hội. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để người dân và du khách tới Hà Nội luôn cảm thấy yên tâm tại "thành phố vì hòa bình"; tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, nhất là đối với các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao.

Trong tháng 9 báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065

Thông báo cũng nêu rõ, về đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065: UBND Thành phố Hà Nội khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đồ án theo quy định pháp luật về quy hoạch đô thị gửi Bộ Xây dựng; Bộ Xây dựng hoàn thành thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 năm 2024.

Về việc cho phép thí điểm mô hình phát triển đô thị thông minh tại một số khu đô thị trên địa bàn Thành phố Hà Nội; giao Hà Nội lựa chọn 2-3 khu đô thị mới trên địa bàn để thực hiện việc thí điểm phát triển đô thị thông minh; hướng dẫn các nội dung có liên quan về tiêu chuẩn, tiêu chí xác định đô thị thông minh và cơ chế đầu tư: Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ liên quan nghiên cứu đề xuất của Hà Nội để tham mưu, đề xuất theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 năm 2024; đồng thời hướng dẫn Thành phố các nội dung có liên quan về tiêu chuẩn, tiêu chí xác định đô thị thông minh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn Thành phố các nội dung có liên quan về cơ chế đầu tư.

Về việc phát triển trục sông Hồng là trục không gian chủ đạo của Thủ đô, để không gian sông Hồng trở thành "biểu tượng phát triển mới của Thủ đô". Có các biện pháp khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên sông, là trục kinh tế thương mại dịch vụ, du lịch văn hóa, là trục trung tâm nằm giữa đô thị phía Nam và phía Bắc sông Hồng: Thủ tướng giao UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo tổ chức quản lý khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên sông theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo đúng quy định pháp luật.

Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu việc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét việc cho phép triển khai ngay các chương trình, kế hoạch đầu tư phát triển Thành phố phía Bắc vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và Thành phố phía Tây vùng Hòa Lạc, Xuân Mai mà không phải lập Đề án phân loại đô thị loại đặc biệt.

Đầu tư nâng cấp hệ thống đê điều, thủy lợi, đảm bảo an toàn phòng, chống lũ

Về giải pháp, phương án và kinh phí thực hiện nâng cấp hạ tầng công trình đê điều, thủy lợi các tuyến sông lớn: Sông Đà, Hồng, Đuống, Đáy, Nhuệ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND Thành phố Hà Nội chủ động bố trí ngân sách của Thành phố và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác (bao gồm cả nguồn vốn về giao thông) theo quy định để đầu tư nâng cấp hệ thống đê điều, thủy lợi trên địa bàn, đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn phòng, chống lũ, đồng thời kết hợp giao thông, phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống: Thành phố Hà Nội quyết liệt chỉ đạo, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và bàn giao toàn bộ mặt bằng trong năm 2024, đảm bảo dự án hoàn thành trong năm 2025.

Về phương án phòng chống úng ngập khu vực Hữu Bùi - Hữu Tích phạm vi ảnh hưởng của lũ rừng ngang: UBND Thành phố Hà Nội rà soát bổ sung nội dung giải pháp tiêu úng và phòng chống lũ rừng ngang khu vực hữu sông Bùi thuộc địa bàn huyện Chương Mỹ vào phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đảm bảo phù hợp với Quy hoạch phòng chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy.

Tuệ Minh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load