Chủ nhật 08/12/2024 09:13 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Hà Nam: Xây dựng hạ tầng đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ

14:16 | 30/05/2024

(Xây dựng) - Hà Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ (CNHT) chiếm tỷ trọng từ 30% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Để đạt mục tiêu trên, UBND tỉnh Hà Nam cũng đẩy mạnh đào tạo, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp; củng cố, nâng cao chất lượng các dịch vụ; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực CNHT, nhất là doanh nghiệp ngành điện, điện tử, cơ khí lắp ráp…

Hà Nam: Xây dựng hạ tầng đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ
Trong số 560 dự án đầu tư đang còn hiệu lực tại các khu công nghiệp tỉnh, có 247 dự án thuộc ngành CNHT.

Năm 2024, tỉnh Hà Nam phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 219.441 tỷ đồng (tăng 12,5% so với năm 2023). Đến năm 2025, tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh là 56,5%; giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ chiếm tỉ trọng từ 30% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

Số liệu từ Ban Quản lý các Khu công nghiệp Hà Nam, trong số 560 dự án đầu tư đang còn hiệu lực tại các khu công nghiệp tỉnh, có 247 dự án thuộc ngành CNHT (chiếm trên 44% tổng số dự án). Nhiều lĩnh vực tăng từ 15%/năm trở lên như thiết bị điện, điện tử, bộ dây điện ô tô, xe gắn máy, màn hình cảm ứng... Nhiều doanh nghiệp đã và đang không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng quy mô sản xuất để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hiện tỉnh có 12 doanh nghiệp được xác nhận là doanh nghiệp CNHT được ưu tiên phát triển. Nhiều doanh nghiệp lớn như Công ty TNHH Seoul Semiconductor Vina sản xuất hệ thống dây dẫn tại khu công nghiệp Đồng Văn II và khu công nghiệp Thanh Liêm tạo việc làm ổn định cho trên 7.000 lao động.

Đại diện Ban Quản lý các Khu công nghiệp Hà Nam cho biết, trong bối cảnh ngành sản xuất trong nước còn phụ thuộc nguyên liệu đầu vào từ nguồn nhập khẩu và số lượng doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài còn khiêm tốn, thì việc tăng ưu đãi cho doanh nghiệp hỗ trợ để thu hút đầu tư là cần thiết. Năm 2023, trong tổng số 52 dự án đăng ký đầu tư mới vào các khu công nghiệp của tỉnh Hà Nam đã có 34 dự án thuộc ngành CNHT (chiếm trên 65% số dự án).

“UBND tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp công nghiệp đầu tư, phát triển, mở rộng quy mô hoạt động, trong đó dành riêng khu công nghiệp Đồng Văn III cho CNHT”, lãnh đạo Ban Quản lý các Khu công nghiệp Hà Nam cho hay.

Là một doanh nghiệp có lịch sử hoạt động trong lĩnh vực CNHT ô tô hơn 300 năm, Công ty TNHH Ohtsuka Sangyo Material Việt Nam (KCN Đồng Văn III) thuộc Tập đoàn Ohtsuka Sangyo Material Nhật Bản có thị phần chiếm 70% tại Nhật Bản chuyên sản xuất, gia công, lắp ráp tấm lót ghế và vỏ ghế ô tô, sau hai năm hoạt động đã vượt công suất giai đoạn 1, đạt 7 triệu sản phẩm (công suất ban đầu 6 triệu sản phẩm/năm), góp phần làm tăng giá trị xuất khẩu và phát triển kinh tế của tỉnh.

Cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1439/QĐ-TTg của đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu CNHT Đồng Văn III phía Đông đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình chính thức có hiệu lực. Theo đó, dự án có tổng vốn đầu tư 2.320 tỷ đồng.

Theo dự thảo hồ sơ quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện có, UBND tỉnh Hà Nam dự kiến sẽ thành lập mới 14 khu công nghiệp với quy mô tổng diện tích khoảng gần 3.500ha, thành lập mới 14 cụm công nghiệp và cụm công nghiệp làng nghề với diện tích 805ha.

Trọng tâm là hoàn thành và thu hút đầu tư phát triển Khu Công nghệ cao Hà Nam, tập trung vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ điện tử - bán dẫn, tự động hóa, công nghệ sinh học và y dược, công nghệ vật liệu mới. Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hàng hóa, sản xuất an toàn, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao.

Thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số để tăng năng suất, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo; củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hạ tầng, hiệu quả hoạt động và dịch vụ hỗ trợ của các khu, cụm công nghiệp.

Lan Oanh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load