Thứ sáu 26/04/2024 09:26 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hà Nam: Đẩy mạnh phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh

22:48 | 06/11/2022

(Xây dựng) - Nghị quyết Đại hội Đảng hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XIX xác định, xây dựng hệ thống đô thị trong toàn tỉnh phát triển đồng bộ, phân bố đều tại các huyện, thị xã, thành phố thành hai trục động lực phát triển Bắc – Nam và Đông – Tây, toàn tỉnh xây dựng và phát triển 16 đô thị trong đó có 1 đô thị loại II, 1 đô thị loại IV và 14 đô thị loại V.

ha nam day manh phat trien do thi theo huong tang truong xanh thong minh
Tỉnh Hà Nam xác định, đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 58%, trong đó xây dựng thành phố Phủ Lý đạt tiêu chuẩn loại I (Ảnh: TL).

Sinh động phát triển đô thị từ những địa phương

Để thực hiện hiện thực hóa những mục tiêu đã nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XIX, những năm qua, công tác quy hoạch đô thị luôn tỉnh đặc biệt quan tâm, hệ thống quy hoạch vùng và quy hoạch chung đô thị được triển khai đồng bộ. Đến nay, quy hoạch chung đô thị đã cơ bản được phủ kín trên toàn tỉnh. Tốc độ phát triển đô thị đạt mức tăng trưởng khá, bình quân tăng 4,2%/năm. Đến hết năm 2021, tổng diện tích đất ở đô thị đạt 1.758ha, tăng 920ha so với năm 2015 và tỷ lệ đô thị hóa năm 2022 đạt 38,1%.

Cùng với đó, các huyện, thị xã trong tỉnh cũng đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển đô thị. Bên cạnh các giải pháp tăng dân số, các địa phương cũng đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là những khu vực có tiềm năng thu hút người dân sinh sống như chợ Sông (Bình Lục), Nhật Tân (Kim Bảng), phố Cà (Thanh Liêm). Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội những dự án, như: khu đô thị, khu nhà ở Trung Đông, nhà ở TeelHome xã Nhật Tân (Kim Bảng); khu nhà ở thương mại thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân); khu nhà ở phía Tây thị trấn Bình Mỹ, khu nhà ở TeelHome xã Tràng An (Bình Lục).

Cùng với đó, nhiều tuyến giao thông quốc gia quan trọng qua địa bàn tỉnh cũng được đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành, phát triển chuỗi các khu công nghiệp lớn, đây cũng là tiền đề đẩy nhanh quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế đô thị. Tỉnh cũng chú trọng đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị và bộ máy hành chính đô thị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh phong trào xây dựng nếp sống văn minh, bước đầu xây dựng nền tảng đô thị thông minh trong công tác quản lý, điều hành ở các đô thị.

Ông Trương Quốc Bảo, Chủ tịch UBND thành phố Phủ Lý cho biết: Định hướng phát triển của thành phố Phủ Lý trong thời gian tới là tăng trưởng xanh - thông minh và bền vững; kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, trong đó phát triển đột phá ngành thương mại – dịch vụ. Với mục tiêu hướng tới một đô thị thông minh, hiện đại “xanh - sạch - đẹp”, thành phố xác định ba khâu đột phá trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, đó là: Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người đứng đầu các cấp; Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, ưu tiên hạ tầng giao thông, thương mại dịch vụ chất lượng cao; Nâng cao chất lượng đô thị, gắn với bảo vệ môi trường và xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Tại thị xã Duy Tiên, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản đạt các tiêu chuẩn đô thị loại III. Phát triển toàn diện văn hóa - xã hội, bảo vệ, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, địa phương; xây dựng con người Duy Tiên văn minh đô thị… Cùng với chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng thị xã Duy tiên đẩy mạnh thực hiện Đề án Xây dựng nếp sống mới, xây dựng người Duy Tiên văn minh đô thị. Trong đó xây dựng các khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa, xây dựng đô thị văn minh có quy chế về quản lý đô thị, tiêu chuẩn về tuyến phố văn minh, lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường; quản lý chặt chẽ về xây dựng hạ tầng, các khu đô thị; xây dựng đời sống văn hóa trong khu dân cư, làm đẹp cảnh quan môi trường, nhất là cảnh quan môi trường công cộng.

Triển khai đồng bộ các giải pháp căn cơ

Để phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, bền vững, đáng sống, kinh tế phát triển vững chắc, tỉnh Hà Nam xác định: Xây dựng thành phố Phủ Lý thành đô thị thông minh gắn với phát triển dịch vụ, thương mại chất lượng cao; Xây dựng thị xã Duy Tiên gắn phát triển đô thị với phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ chất lượng cao; Huyện Kim Bảng xây dựng đô thị gắn với phát triển các dịch vụ tâm linh, nghỉ dưỡng cao cấp. Huyện Lý Nhân, Bình Lục, Thanh Liêm gắn phát triển đô thị với phát triển công nghiệp, du lịch tâm linh, sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao. Phấn đấu mỗi địa phương có ít nhất một khu đô thị tiêu biểu làm điểm nhấn vùng lõi. Trong đó xác định phát triển lõi cho các đô thị trực thuộc Trung ương trong tương lai, đồng thời xây dựng chương trình phát triển đô thị theo lộ trình phù hợp, có trọng tâm trọng điểm.

Trong xây dựng đô thị phải phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, xây dựng đô thị thông minh, chú trọng xây dựng khung kiến trúc công nghệ thông tin, truyền thông. Đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông phục vụ dịch vụ vận tải và du lịch. Phát huy tối đa tính liên kết vùng, từng bước đầu tư vận hành đô thị thông minh, nâng cao hiệu quả khai thác hạ tầng, xử lý nước thải, giám sát quản lý môi trường. Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong thiết kế xây dựng để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, bảo đảm ứng phó với biến đổi khi hậu. Để tạo sức hút dân cư trong phát triển đô thị tỉnh đẩy mạnh xã hội hóa phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho các chuyên gia tại các khu công nghiệp và các đô thị trung tâm. Đến năm 2025 sẽ hình thành các khu đô thị trung tâm như Phủ Lý, Duy Tiên, Kim Bảng.

ha nam day manh phat trien do thi theo huong tang truong xanh thong minh
Hà Nam phát huy tối đa tính liên kết vùng, từng bước đầu tư vận hành đô thị thông minh (Ảnh: TL).

Các đô thị tập trung hiện đại hóa chính quyền điện tử, chính quyền số thông qua việc chuẩn hóa phần mềm quản lý và số hóa thông tin về đất đai, quy hoạch, kiến trúc, hạ tầng. Nâng cao năng lực bộ máy cán bộ đáp ứng nhiệm vụ quản lý, phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cải cách thủ tục hành chính tiến tới cắt giảm thời gian giải quyết các thủ tục cấp phép đầu tư, giao đất, cho thuê đất, cấp phép xây…

Với những giải pháp căn cơ và các bước phát triển theo lộ trình cụ thể, công cuộc phát triển đô thị ở Hà Nam đã và đang có những thành tựu quan trọng, khẳng định sự chuyển biến mạnh mẽ của nền kình tế chuyển dịch sang kinh tế công nghiệp, dịch vụ. Đến năm 2030 tỉnh định hướng tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 58% trong đó xây dựng thành phố Phủ Lý đạt tiêu chuẩn loại I. Thị xã Duy Tiên đạt tiêu chí đô thị loại II, thị xã Kim Bảng cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại III và mục tiêu đến năm 2035 tỉnh Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Kim Thoa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load