Thứ sáu 27/12/2024 00:31 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Hạ lãi suất, giải tỏa nỗi 'sợ sai', để tiền đến đúng nơi cần

09:18 | 15/06/2023

Nhiều chính sách hỗ trợ được đưa ra để thúc đẩy nền kinh tế như giảm lãi suất huy động và cho vay, giảm thuế VAT. Nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn thấp, doanh nghiệp không muốn vay. Làm sao để dòng tiền chảy đến được nơi cần?

Tăng trưởng tín dụng thấp, vốn 'ế'

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 5/2023, tín dụng tăng 3,17% so với cuối năm 2022, cho dù lãi suất được điều hành giảm mạnh. Đây là một con số thấp so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14-15% trong cả năm 2023. Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nêu nguyên nhân là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu.

Trong 3 tháng, NHNN đã giảm lãi suất điều hành 3 lần, với tổng mức giảm khoảng 100 điểm phần trăm (lãi suất tái chiết khấu từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm…). Trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 6% xuống 5%/năm. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân tại các ngân hàng đồng loạt giảm mạnh. Qua đó, lãi suất cho vay cũng giảm.

Tín dụng tăng trưởng thấp có thể không khó hiểu khi nhiều doanh nghiệp phát tín hiệu không mở rộng sản xuất, thậm chí còn co cụm lại. Doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn đầu ra tiêu thụ sản phẩm do thiếu đơn hàng. Doanh nghiệp vừa và nhỏ tài chính suy yếu, không có phương án kinh doanh khả thi. Còn doanh nghiệp bất động sản gặp khó về pháp lý, ít có dự án mới triển khai.

Có thể thấy, doanh nghiệp gặp khó trong hoạt động bán hàng, từ doanh nghiệp bất động sản (BĐS), bán lẻ cho tới các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, may mặc…

Chỉ số Quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam xuống mức 45,3 điểm trong tháng 5 do số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh. Đây là con số mà, theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu là quá thấp, phản ánh nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn, trì trệ.

Không ít doanh nghiệp BĐS tạm ngừng các dự án dở dang và cũng không phát triển dự án mới. Doanh nghiệp sản xuất chưa tính mở rộng quy mô.

Sự thu mình lại trong khó khăn có thể thấy rõ ở ngay cả những ông lớn tiềm lực mạnh như Tập đoàn Hòa Phát (HPG) do tỷ phú Trần Đình Long làm chủ tịch. Tại Đại hội thường niên năm 2023, ông Long cho biết, HPG tạm gác lại tham vọng vào lĩnh vực BĐS và một số mảng lĩnh vực khác cho dù vẫn kiên định chiến lược kinh doanh đa ngành và mục tiêu lọt Top 3 công ty đứng đầu lĩnh vực BĐS trong nước. Mảng BĐS của HPG có kết quả kinh doanh khá tốt trong nhiều năm qua, mỗi năm mang về hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Một số doanh nghiệp BĐS và sản xuất đặt kế hoạch kinh doanh thấp đi rất nhiều.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, gần đây có nhiều giải pháp nhưng chưa trúng đích. Như việc giảm lãi suất đúng là để giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp. Nhưng lãi suất cho vay vẫn còn cao. Ngân hàng không cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay được nhiều. Hạ lãi suất như vậy chưa hiệu quả. Về việc giảm thuế VAT 2% cũng vẫn chưa đủ.

Tình hình tài chính nhiều doanh nghiệp suy yếu và không có tài sản đảm bảo.

Gói cho vay 120.000 tỷ đồng nhà ở xã hội cũng vậy. Cho vay lãi suất thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất thông thường trong 5 năm đầu, còn sau đó là lãi suất thỏa thuận. Các ngân hàng tự nguyên tham gia cung ứng vốn tuy nhiên vấn đề ở chỗ thiếu dự án để giải ngân.

Hạ lãi suất, giải tỏa nỗi 'sợ sai', để tiền đến đúng nơi cần
Nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. (Ảnh: TH)

Về phía ngân hàng, các tổ chức tín dụng cũng phải kiểm soát để đảm bảo an toàn tài chính. Ngân hàng OCB cho biết đã chủ động và tận dụng tối đa những chính sách của Chính phủ, NHNN trong thời gian vừa qua, cụ thể là chủ trương cơ cấu nợ, giãn, hoãn nợ cho khách hàng.

Nhưng thực tế đợt cơ cấu nợ lần này khác với giai đoạn Covid. Cụ thể, lần triển khai này không mang tính chất đồng loạt, các ngân hàng khi thực hiện cơ cấu phải xem những khoản nợ này như nợ xấu để kiểm soát và quản lý nợ được tốt hơn, bên cạnh đó còn phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro.

Chính sách cơ cấu nợ có ý nghĩa lớn, doanh nghiệp sẽ được giãn thời điểm trả nợ, giảm áp lực trong giai đoạn khó khăn như hiện nay. OCB đã triển khai rà soát xem xét cơ cấu nợ cho khoảng 112 khách hàng, với dư nợ gần 1.000 tỷ đồng.

Nhiều chuyên gia thừa nhận, không ít doanh nghiệp đang bế tắc về phương án kinh doanh khi chi phí sản xuất tăng, sức cầu thấp.

PGS TS. Đặng Ngọc Đức (Viện Ngân hàng - Tài chính, Địa học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) cho rằng, vấn đề vướng mắc lớn hiện nay của nền kinh tế là thể chế.

Theo ông Đức, nền kinh tế thị trường vốn được vận hành theo các quy luật của thị trường và dưới sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước. Sự điều tiết vĩ mô lại cần phải dựa trên nền tảng luật pháp và thể chế. Yếu tố này có ý nghĩa quan trọng tạo động lực hoặc cản trở sự phát triển.

Vào quý II/2021, kinh tế được đánh giá là phục hồi và tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên thời điểm này các DN lại rơi vào khó khăn do nhiều yếu tố tác động cả khách quan và chủ quan.

Ngay cả khối lượng tiền của ngân sách Nhà nước (NSNN) dành cho hỗ trợ các doanh nghiệp cũng khó giải ngân. Nhiều doanh nghiệp e ngại không muốn nhận sự hỗ trợ. Trong khi các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng rất thận trọng khi làm trung gian giải ngân.

Theo NHNN, số tiền hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ NSNN với 40.000 tỷ đồng (theo Nghị định 31) dự kiến chỉ đạt khoảng 2.570 tỷ đồng cho tới hết năm 2023. Nguyên nhân chính khiến khách hàng từ chối nhận hỗ trợ lãi suất do tâm lý e ngại bị thanh tra, kiểm tra sau này của các cơ quan chức năng.

Đây được xem là lý do tiền nằm trong các NHTM.

Làm sao để tiền vào đúng chỗ cần?

Trao đổi với VietNamNet, Chuyên gia kinh tế - PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, dòng vốn có chảy vào SXKD hay không trước hết phụ thuộc vào việc doanh nghiệp có muốn vay hay không. Nếu vay, họ có tài sản đảm bảo đáp ứng đủ các điều kiện của NHTM hay không?

Điều này nói lên sức khoẻ của doanh nghiệp bởi một khi không có đơn hàng, họ cũng không biết sẽ phải làm gì với số tiền vay được.

“Liên quan đến đầu ra, hiện nay doanh nghiệp đang thiếu hụt đơn hàng do đối tác nước ngoài không đặt hàng. Hơn nữa, doanh nghiệp cũng cần phải thăm dò tình hình tiêu thụ hàng hoá trong nước như thế nào trước khi quyết định vay vốn mở rộng SXKD”, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh nói.

Nếu doanh nghiệp vay vốn, họ phải đáp ứng đủ các điều kiện vay, trong đó quan trọng nhất là tài sản đảm bảo, không có nợ xấu,… thì lúc đó họ mới có thể vay được.

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, NHNN thời gian qua đã điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, và tích cực. Bản thân ông cũng từng có đề xuất trước NHNN về việc giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay.

“Việc giảm lãi suất trong thời gian là phù hợp nhưng việc thận trọng với BĐS và chứng khoán là điều cần thiết, để không tạo ra bong bóng gây nguy hại cho nền kinh tế quốc dân.

“Tất nhiên việc này cũng sẽ khiến cho một số doanh nghiệp BĐS họ kêu ca. Nhưng động thái này cũng là để đảm bảo an toàn cho chính thị trường BĐS cũng như thị trường tài chính tiền tệ.”

Theo chuyên gia ngân hàng - TS. Nguyễn Trí Hiếu, lãi suất cho vay cần giảm thì mới hỗ trợ thực chất cho doanh nghiệp. Thuế VAT cũng vậy, trong thời điểm doanh nghiệp suy yếu như hiện tại, cần giảm sâu hơn nữa, xuống mức 5% và phải tìm giải pháp giúp doanh nghiệp có thể vay được tiền.

Về mảng đầu tư công, Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa để giải ngân tiền. Hoạt động đấu thầu phải công khai để hiệu quả. Chính phủ phải thúc đẩy các bên liên quan làm việc nhanh chóng hơn, tránh tình trạng sợ trách nhiệm như Quốc hội đã nêu.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích CTCK VNDirect, giải pháp tốt nhất vào hoàn cảnh này có lẽ chỉ có đẩy mạnh đầu tư công và đẩy nhanh việc hoàn thành luật đất đai.

Còn theo ông Đặng Ngọc Đức, vấn đề chính là ở thể chế. Để khắc phục tình trạng thể chế gây khó khăn, cần có một số giải pháp cấp bách trong ngắn hạn. Đó là, cần minh bạch rõ ràng các trường hợp sai phạm về tài chính và kinh doanh trong thời gian qua và hướng xử lý cụ thể để các doanh nghiệp và NHTM không “sợ sai”.

Thứ 2, cần minh bạch và cụ thể hóa các tiêu chuẩn tiếp cận nguồn vốn NSNN của doanh nghiệp và những quy định cho phép giải ngân của các NHTM.

Một điều quan trọng, theo ông Đức là, cần cân nhắc thật kỹ lợi ích và cái giá phải trả trong quá trình xử lý các vụ việc, sao cho “đánh chuột không vỡ bình”.

Cần rà soát lại các sai phạm đã xảy ra trên cơ sở đánh giá khách quan nguyên nhân từ khâu ban hành quy định và quản lý. Từ đó có cách xử lý sao cho từng bước lấy lại lòng tin của doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong nền kinh tế.

Bên cạnh đó, ông Đức cho rằng, cần gấp rút xây dựng cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gia tăng sản xuất, xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước: thông qua chính sách thuế, ưu đãi về vốn, giá xăng dầu và điện, giảm lãi suất…

TS. Hiếu cho rằng, thị trường chứng khoán gần đây lên ít điểm, nhưng chưa phục hồi mạnh mẽ. Ông chưa nhìn thấy rõ tiền vào cổ phiếu và trái phiếu. Thị trường BĐS trong khi đó vẫn rất trầm lắng.

Và nếu tiền chảy vào chứng khoán rồi vào doanh nghiệp theo thị trường sơ cấp thì là điều tốt. Còn tiền chạy lòng vòng chỉ ở thị trường thứ cấp thì không tốt góp phần thúc đẩy nền kinh tế.

Ông Vicente Nguyen, Giám đốc đầu tư (CIO) của AFC Vietnam Fund: Tác động tích cực của giải pháp hạ lãi suất, giảm thuế VAT nhưng cũng cho rằng tác động là chưa nhiều. Cần tiếp tục hạ lãi suất, giãn nợ, giảm thuế, giãn thuế, hạ chuẩn cho vay, và đặc biệt đẩy mạnh đầu tư công tối đa.

Đại diện Tập đoàn Masan: Lãi suất ngân hàng giảm giúp chi phí lãi vay của doanh nghiệp giảm nhưng tín dụng giải ngân năm nay của các ngân hàng có thể sẽ không lớn. Doanh nghiệp mong muốn nửa cuối năm 2023 sẽ có chính sách giảm lãi sâu hơn, giảm thuế, thúc đẩy đầu tư công.

Theo Mạnh Hà - Tuân Nguyễn/Vietnamnet.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load