Thứ hai 24/02/2025 23:34 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Gỡ vướng trong triển khai quy định pháp luật về xây dựng

19:13 | 24/02/2025

(Xây dựng) - Ngày 24/2, tại Bộ Xây dựng, Cục Quản lý hoạt động xây dựng (HĐXD) phối hợp với Hội Pháp luật xây dựng Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến và trực tiếp, tập huấn các quy định mới của pháp luật về quản lý hoạt động xây dựng; đồng thời, giải quyết các vướng mắc trong việc triển khai các quy định của pháp luật về xây dựng, giúp các cơ quan chức năng thực hiện đúng quy định pháp luật.

Gỡ vướng trong triển khai quy định pháp luật về xây dựng
Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị.

Nền tảng pháp lý hỗ trợ ngành Xây dựng phát triển bền vững

Hội nghị tập trung phổ biến các điểm mới trong Nghị định số 175/2024/NĐ-CP ngày 30/12/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xây dựng về quản lý hoạt động xây dựng; Nghị định số 111/2024/NĐ-CP ngày 6/9/2024 quy định về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về hoạt động xây dựng.

Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng Hoàng Anh Tuấn cho biết, Hội nghị nhằm làm rõ các điểm mới đã được quy định tại các nghị định để Nghị định sớm đi vào cuộc sống. Đây cũng là dịp trao đổi các nội dung còn vướng mắc trong thực tiễn để kịp thời hướng dẫn thực hiện đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Cục trưởng Hoàng Anh Tuấn yêu cầu các báo cáo viên tập trung trình bày, làm rõ những điểm mới về các nội dung như: Tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến quy định về các loại quy hoạch hoặc văn bản pháp lý tương đương được sử dụng làm cơ sở lập dự án và cấp giấy phép xây dựng; Quy định về công trình ngầm, tầng hầm của công trình xây dựng; Thẩm quyền thẩm định dự án, thiết kế, kiểm tra công tác nghiệm thu đã phân cấp triệt để cho địa phương thực hiện.

Hội nghị tập trung phổ biến các quy định liên quan đến việc cắt giảm đối tượng dự án phải thẩm định tại cơ quan Nhà nước thông qua mở rộng đối tượng dự án; Các nội dung sửa đổi để chuẩn hóa thành phần, nội dung yêu cầu hồ sơ; Các quy định liên quan đến quản lý năng lực hoạt động xây dựng, chứng chỉ hành nghề…

Gỡ vướng trong triển khai quy định pháp luật về xây dựng
Toàn cảnh Hội nghị.

Những điểm mới của Nghị định 175/2024/NĐ-CP

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được phổ biến các điểm mới trong Nghị định số 175/2024/NĐ-CP. Theo đó, Nghị định 175/2024/NĐ-CP nhằm giải quyết những bất cập phát sinh trong thực tế, đồng thời đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến xây dựng.

Nghị định còn đặt ra các tiêu chuẩn và quy trình hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý. Nghị định này gồm 7 chương, 124 điều và 11 phụ lục chi tiết, bao quát các nội dung quan trọng như: Quy trình lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý dự án đầu tư xây dựng; các quy định về khảo sát, thiết kế, cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng; điều kiện năng lực của cá nhân và tổ chức hoạt động xây dựng, đặc biệt là các quy định đối với nhà thầu nước ngoài.

Gỡ vướng trong triển khai quy định pháp luật về xây dựng
Báo cáo viên trình bày nội dung về Nghị định 175/2024/NĐ-CP.

Một điểm nổi bật của Nghị định 175/2024/NĐ-CP là sự phân cấp mạnh mẽ từ Bộ Xây dựng về các địa phương, trao quyền và tăng cường trách nhiệm cho các địa phương trong lĩnh vực xây dựng.

Nghị định cũng bổ sung các phụ lục minh họa như mẫu văn bản, quy trình thẩm định và cấp phép, giúp các cơ quan, tổ chức dễ dàng thực hiện và giảm bớt gánh nặng thủ tục hành chính.

Nghị định 175/2024/NĐ-CP sẽ là nền tảng pháp lý vững chắc để hỗ trợ ngành Xây dựng phát triển bền vững, thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả nguồn lực, bảo vệ lợi ích cộng đồng và nâng cao chất lượng các công trình xây dựng.

Nền tảng chuyển đổi số trong quản lý đầu tư xây dựng

Trình bày về Nghị định số 111/2024/NĐ-CP, đại diện Cục Quản lý hoạt động xây dựng cho biết, Nghị định gồm 4 chương, 19 điều, quy định về hệ thống thông tin, CSDL quốc gia về hoạt động xây dựng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng hệ thống thông tin, CSDL quốc gia về hoạt động xây dựng; không áp dụng đối với thông tin, dữ liệu về quy hoạch xây dựng, dự án đầu tư xây dựng, công trình xây dựng quốc phòng, an ninh và bí mật Nhà nước.

Theo quy định, hệ thống thông tin về hoạt động xây dựng là tập hợp phần cứng, phần mềm và CSDL về hoạt động xây dựng được thiết lập phục vụ mục đích tạo lập, cung cấp, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi, chia sẻ thông tin trên mạng.

CSDL quốc gia về hoạt động xây dựng là CSDL về hoạt động xây dựng trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam được sắp xếp, tổ chức để truy cập, khai thác, chia sẻ, quản lý, duy trì và cập nhật thông qua phương tiện điện tử đáp ứng yêu cầu truy nhập và sử dụng thông tin của các ngành kinh tế và phục vụ lợi ích công cộng.

CSDL quốc gia về hoạt động xây dựng bao gồm: CSDL về quy hoạch xây dựng; CSDL về dự án đầu tư xây dựng, công trình xây dựng; CSDL về định mức xây dựng, giá xây dựng công trình và chỉ số giá xây dựng và các hoạt động khác liên quan đến đầu tư xây dựng.

CSDL quốc gia sẽ đóng vai trò là nền tảng cho việc triển khai chuyển đổi số trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, giúp nâng cao hiệu quả quản lý và tăng cường minh bạch.

Dữ liệu từ hệ thống này sẽ là nguồn tham chiếu gốc phục vụ tra cứu, khai thác để thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan như: Lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở; cấp giấy phép xây dựng; quản lý trật tự xây dựng; kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng; các thủ tục khác có liên quan đến đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật chuyên ngành khác.

Gỡ vướng trong triển khai quy định pháp luật về xây dựng
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị.

Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu, phục vụ quản lý Nhà nước và nhu cầu của người dân, đảm bảo tương thích với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, minh bạch và đúng thẩm quyền pháp lý; đảm bảo an toàn thông tin, ưu tiên chia sẻ dữ liệu về xây dựng giữa các cơ quan; tính thống nhất, hiện đại, phù hợp với chiến lược phát triển CSDL của Chính phủ điện tử.

Ngọc Hà - Diệu Linh

Theo

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load