Thứ sáu 22/11/2024 15:37 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Gỡ vướng thể chế để hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5 - 7% trong năm 2025

10:55 | 06/11/2024

(Xây dựng) - Tại Kỳ họp thứ 8, chia sẻ bên lề phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, bên cạnh các giải pháp Chính phủ nêu thì việc tích cực tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, chính sách là nhiệm vụ cần được ưu tiên để đạt được các mục tiêu GDP khoảng 6,5 - 7%.

Gỡ vướng thể chế để hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5 - 7% trong năm 2025
Việt Nam phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7-7,5%) để đến hết năm 2025 xếp hạng 31-33 thế giới về quy mô GDP.

Tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, trong đó đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7 - 7,5%) để đến hết năm 2025 xếp hạng 31 - 33 thế giới về quy mô GDP.

Chính phủ đặt mục tiêu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; hoàn thiện thể chế, pháp luật; phát triển hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; phát triển văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân…

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, đại biểu đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, nhưng cũng bày tỏ băn khoăn, bởi tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2025, nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp quan trọng, căn cơ, cấp bách cần triển khai là tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, chính sách nhằm tạo sự phát triển bứt phá:

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho biết: “Tôi đã nghiên cứu dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, trong đó đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,5 - 7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7 - 7,5%). Tôi cho rằng, các mục tiêu này có thể đạt được nhưng cần điều kiện và giải pháp thực sự quyết liệt và mạnh mẽ, trong đó, cần quan tâm tháo nút thắt về thể chế”.

Chính phủ đang đề xuất Quốc hội chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các địa phương nhưng phải thể hiện bằng những chính sách rõ ràng, cụ thể, nhất là về thẩm quyền đề xuất, phê duyệt và triển khai thực hiện.

Trong quá trình thực hiện các luật mới được Quốc hội thông qua như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và các luật khác có tác động mạnh đến các thị trường, nhất là thị trường bất động sản, thị trường tiền tệ, thị trường trái phiếu, các thị trường phục vụ cho phát triển doanh nghiệp…

“Tôi cho rằng, chúng ta phải triển khai thực sự mạnh mẽ và quyết liệt. Cần thực hiện bài bản, có trọng tâm, trọng điểm chủ trương địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, đại biểu Sơn nhấn mạnh.

Một trong những động lực tăng trưởng là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, bởi qua nghiên cứu báo cáo cho thấy, tốc độ phục hồi của các doanh nghiệp vẫn còn chậm, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, doanh nghiệp gặp khó khăn rất lớn.

Do đó, cần có giải pháp để tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp bằng cách quan tâm hơn đến thị trường vốn, giúp doanh nghiệp hấp thu vốn và đưa vào sản xuất kinh doanh; có những chương trình, dự án hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm – bởi xuất khẩu cũng là động lực của tăng trưởng kinh tế.

Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ: “Tôi cho rằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 trên 7% là rất cao, vì nền kinh tế vẫn đang phục hồi chậm, hơn nữa năm 2024 chúng ta gặp rất nhiều khó khăn do thiên tai, bão lũ và Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách để miễn, giảm hoặc giãn nợ, gia hạn nợ. Vì vậy, để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng như dự kiến kế hoạch đặt ra, Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương cần quyết tâm và nỗ lực hơn nữa trong giải quyết những khó khăn, vướng mắc để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2025”.

Theo tôi, giải pháp trọng tâm cần thực hiện là đánh giá lại tính khả thi của tăng trưởng để có giải pháp phù hợp. Trong đó, điều quan trọng là tháo gỡ thể chế, vì tất cả các vướng mắc đều xuất phát từ thể chế, nếu tháo gỡ được nút thắt thể chế, tôi tin rằng sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển. Song song với đó, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm đôn đốc việc thực hiện các mục tiêu của kế hoạch năm 2025.

Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng: Tôi đánh giá cao Chính phủ tích cực đề xuất Quốc hội sửa đổi các cơ chế, chính sách pháp luật nhằm phát triển bền vững. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc trong quá trình thực hiện, đòi hỏi tiếp tục phải hoàn thiện thể chế, tháo gỡ vướng mắc tổng thể. Cần nhìn nhận bức tranh tổng thể về những khó khăn của từng vùng, từng ngành để có đề xuất tháo gỡ cụ thể, ví dụ những khó khăn của vùng Tây Bắc khác với khó khăn của vùng Đồng bằng sông Hồng hay khu vực miền Trung, Tây nguyên, Đông Nam bộ.

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ thảo luận một luật sửa đổi nhiều luật liên quan đến đầu tư, đây là một trong những đột phá được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những rào cản thời gian qua nhiều địa phương đang gặp phải. Việc xây dựng 1 luật sửa 4 luật trong lĩnh vực đầu tư sẽ giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc cấp thiết trong thực tiễn triển khai liên quan đến công tác quy hoạch, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.

Việc sửa đổi cũng phân quyền cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh để nâng cao trách nhiệm, tính chủ động, linh hoạt của cấp tỉnh trong tổ chức thực hiện quy hoạch tỉnh. Đơn giản hóa quy trình lập quy hoạch và quy định cụ thể sự tham gia, phối hợp của các cơ quan liên quan trong quá trình lập quy hoạch.

Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Tôi cho rằng, đầu tư công có vai trò quan trọng, dẫn dắt nền kinh tế, nếu thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ tạo nên sự tăng trưởng bứt phá những tháng còn lại năm 2024 và cả năm 2025. Theo thống kê, 9 tháng năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 47,29%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023.

Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, trong đó phải kể đến trách nhiệm của các cấp, các ngành được giao nhiệm vụ chủ đầu tư các dự án, công trình có vốn đầu tư công triển khai chưa quyết liệt. Bên cạnh đó, có nguyên nhân từ thể chế - là điểm nghẽn trong 3 điểm nghẽn lớn nhất; căn bệnh sợ trách nhiệm và việc phân cấp, phân quyền cho các Bộ, ngành, địa phương chưa đến nơi, đến chốn.

Đối với hoạt động đầu tư công, tôi cho rằng các quy định của pháp luật cần minh bạch, rõ ràng, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực và giám sát chặt chẽ. Để không còn tình trạng sợ trách nhiệm, cần rà soát để khắc phục triệt để, đảm bảo các chủ thể yên tâm thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo dễ thực hiện; các quy định của pháp luật cũng cần chặt chẽ, minh bạch hơn.

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội xem xét, thông qua sửa đổi 1 luật sửa 4 Luật; 1 Luật sửa 7 Luật, tôi kỳ vọng việc sửa đổi này sẽ tháo gỡ ngay điểm nghẽn, bất cập trong thực tế, góp phần đáng kể vào tăng trưởng của đất nước.

Trung Lâm

Theo

Cùng chuyên mục
  • Nâng cao kỷ cương, kỷ luật quản lý tài chính – ngân sách Nhà nước

    (Xây dựng) – Ngày 18/11, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND về việc thực hiện Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 03/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 132/2024/QH15 của Quốc hội.

  • Bình Dương sẽ tiếp tục là “điểm sáng” thu hút FDI

    (Xây dựng) – Nắm giữ vị trí địa lý có tính kết nối của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cơ sở hạ tầng liên tục được xây dựng và ngày càng hoàn thiện. Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều được quy hoạch, định hướng xây dựng hiện đại, chất lượng cao… sẽ là tiền đề để Bình Dương tiếp tục đón nhận dòng chảy FDI đổ về trong năm 2025.

  • Cần thiết sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu thực tiễn

    (Xây dựng) – Sáng 22/11, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Theo đó, việc sửa đổi Luật là cần thiết để thực hiện chủ trương, đường lối về cải cách hệ thống chính sách thuế nói chung, chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) nói riêng...

  • Sắp diễn ra Triển lãm Việt Nam Hardware & Hand Tools Expo 2024 kết nối cộng đồng doanh nghiệp

    (Xây dựng) - Từ ngày 05 - 07/12 tới, Triển lãm Quốc tế sản phẩm Ngũ kim & Dụng cụ cầm tay lần thứ 9 - Việt Nam Hardware & Hand Tools Expo 2024 (VHHE) sẽ chính thức diễn ra tại Trung tâm Triển lãm SECC, Thành phố Hồ Chí Minh.

  • Ninh Bình chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ

    (Xây dựng) - Ninh Bình có có điều kiện thuận lợi phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) như lắp ráp ô tô, thiết bị điện, điện tử, dệt may... phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu trong xu thế hội nhập sâu rộng.

  • Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển hạ tầng để thu hút ngành công nghiệp bán dẫn

    (Xây dựng) - Địa phương đã thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài, như Electronic Tripod và BOE; với các dự án lớn hứa hẹn tạo việc làm, thúc đẩy kinh tế. Đồng thời, tỉnh cũng tập trung nâng cao chất lượng nguồn lao động và triển khai chính sách ưu đãi để hỗ trợ.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load