Thứ năm 26/12/2024 23:02 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Giới tỷ phú Nga run sợ sau vụ MH17

22:03 | 21/07/2014

Những doanh nhân giàu nhất của nước Nga đang ngày càng trở nên lo sợ trước chính sách của Tổng thống Vladimir Putin ở Ukraine, đặc biệt là sau vụ rơi máy bay Malaysia ở miền Đông nước này, theo hãng tin Bloomberg. Giới tỷ phú của xứ bạch dương sợ rằng, Nga sẽ lĩnh thêm đòn trừng phạt từ phương Tây, nhưng cũng rất lo bị điện Kremlin trả đũa nên không dám nói công khai.


Theo nhận định của Eurasia Group, Putin sẽ không nhượng bộ, bởi ông đã quyết tâm chống lại “sự xâm lấn” của Mỹ và châu Âu - Ảnh: Reuters.

Bloomberg cho biết, những thông tin trên đã được chính giới tỷ phú Nga và các nhà phân tích tiết lộ với phóng viên của hãng tin này.

Một tỷ phú Nga đề nghị giấu kín danh tính nói, nếu không có động thái nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine sau vụ rơi chuyến bay MH17 hồi tuần trước, ông Putin có nguy cơ bị quốc tế nhìn nhận như một “nhà độc tài”. Cũng theo tỷ phú này, những gì đang xảy ra rất bất lợi cho hoạt động kinh doanh của ông và rất bất lợi cho nước Nga.

“Giới lãnh đạo doanh nghiệp Nga đang lo sợ”, ông Igor Bunin, người đứng đầu Trung tâm Kỹ thuật chính trị ở Moscow, cho biết. Trao đổi với Bloomberg qua điện thoại, ông Bunin nói rằng, không ai dám công khai nói ra nỗi sợ này vì lo bị trả đũa.

Vụ rơi máy bay Boeing 777 khiến 298 người thiệt mạng đang đặt Nga trước nguy cơ lĩnh thêm đòn trừng phạt mới từ Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU). Mới tuần trước, Mỹ và EU tung đợt trừng phạt thứ hai do vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Ngày 20/7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng, những bằng chứng hiện có cho thấy quân ly khai ở miền Đông Ukraine đã dùng tên lửa do Nga cung cấp để bắn hạ máy bay.

Đến nay, những đòn trừng phạt mà EU dành cho Nga vẫn nhẹ nhàng hơn so với những “ngón đòn” mà Mỹ tung ra. Đó là do một số nước EU như Italy và Áo lo ngại quan hệ giữa các nước này với Nga bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, trong cuộc họp ngoại trưởng EU dự kiến diễn ra vào ngày mai (22/7), Anh và Hà Lan sẽ dẫn đầu nỗ lực nhằm đưa ra những lệnh trừng phạt mới nặng hơn đối với Nga. Hà Lan có 193 công dân tử nạn còn Anh có 10 công dân thiệt mạng trên MH17.

“Nước Nga đang có nguy cơ trở thành một quốc gia khốn khổ nếu không hành xử đúng đắn. Giờ là lúc chúng tôi cần sử dụng cảm giác bị xúc phạm rõ ràng này để thúc đẩy một đợt trừng phạt mới dành cho Nga”, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond nói ngày 20/7.

Theo nhận định của hãng nghiên cứu và tư vấn Eurasia Group có trụ sở ở New York, Mỹ có thể áp lệnh trừng phạt mới lên Nga trong vòng một vài tuần tới, với cấp độ cao hơn là trừng phạt toàn bộ ngành công nghiệp nào đó của Nga nếu các nhà điều tra xác định được rằng, quân ly khai ở miền Đông Ukraine đã làm máy bay rơi.

Tuy nhiên, lệnh trừng phạt mới của châu Âu có thể sẽ hạn chế hơn, vì các nước EU có quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Nga.

“Nguy cơ trừng phạt nhằm vào cả ngành kinh tế hiện đang rất thật. Các doanh nghiệp Nga có lý do để lo sợ”, ông Mikhail Kasyanov, người giữ cương vị Thủ tướng Nga trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Putin từ năm 2000-2004, nói. “Nếu lệnh trừng phạt nhằm vào toàn bộ ngành tài chính Nga, thì nền kinh tế Nga sẽ suy sụp sau 6 tháng”.

Tuần trước, ông Andrey Kostin, Giám đốc ngân hàng quốc doanh VTB Group của Nga, nói rằng, các lệnh trừng phạt hiện có đủ khả năng đẩy kinh tế Nga vào suy thoái.

Tuy vậy, theo nhận định của Eurasia Group, Putin sẽ không nhượng bộ, bởi ông đã quyết tâm chống lại “sự xâm lấn” của Mỹ và châu Âu. “Ông ấy vẫn xem ảnh hưởng của Nga ở miền Đông Ukraine và việc ngăn không cho Ukraine gia nhập NATO là lợi ích quốc gia sống còn của nước Nga. Việc hỗ trợ quân sự cho lực lượng nổi dậy sẽ tiếp tục”, Eurasia Group nhận xét.

Một đồng minh lâu năm của ông Putin, hiện đang điều hành một doanh nghiệp quốc doanh lớn, đề nghị giấu tên, cho rằng quân đội chính phủ Ukrraine đã “bắn hạ máy bay Ukraine với sự bao che của Mỹ”. Ông này nói, điều này đồng nghĩa với một cuộc chiến chống lại nước Nga mà không cần tuyên bố chính thức.

Bà Olga Kryshtanovskaya, một nhà xã hội học thuộc Viện Khoa học xã hội Nga ở Moscow, nhận xét tất cả những điều này đang khiến nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Nga “sống trong sợ hãi” và tìm cách chuyển tiền khỏi đất nước.

Ông Alexander Lebedev, một cựu tỷ phú Nga hiện đang sở hữu hai tờ báo Anh là UK Independent và Evening Standard, nói rằng, ông rất bi quan về triển vọng Nga cải thiện quan hệ với Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở châu Âu.

“Đồng hồ đang quay ngược trở lại thập niên 1980, thời kỳ đỉnh điểm của chiến tranh lạnh. Nhưng vào thập niên 1980, hai bên kiềm chế lẫn nhau. Bây giờ thì không, bởi thế mọi chuyện còn tồi tệ hơn”, ông Lebedev, cựu sỹ quan tình báo Liên Xô, nói trong một điện thoại từ London.

Theo Vneconomy

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load