Thứ bảy 02/11/2024 22:58 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Đô thị

Giảm ùn tắc ở Thành phố Hồ Chí Minh: Đồng bộ nhiều giải pháp

08:50 | 27/02/2020

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết thành phố sẽ triển khai các giải pháp, đẩy mạnh tái cơ cấu lĩnh vực vận tải, kết nối các phương thức vận tải...

giam un tac o thanh pho ho chi minh dong bo nhieu giai phap
Nhiều phương tiện nối đuôi nhau xếp hàng dài trên đường Phạm Văn Đồng, hướng vào sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Dù đã cải thiện trong thời gian qua nhưng tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn diễn biến phức tạp.

Nhiều giải pháp được triển khai nhưng một số khu vực gần như không chuyển biến do nhiều nguyên nhân như mật độ xây dựng nhà ở tăng cao, mật độ phương tiện giao thông tăng, áp lực tăng dân số cơ học, hệ thống giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu; trong đó, nguồn lực đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông giai đoạn 2016-2020 chỉ ước chỉ đạt khoảng 24% so với mục tiêu, đặt ra cho ngành giao thông thành phố phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để cải thiện tình hình.

Chú trọng giao thông thủy

Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, sản lượng vận tải hàng hóa bằng đường thủy trong năm 2019 chiếm 35,2% so với vận tải bằng đường bộ. Vận tải hàng hóa đường thủy tăng trưởng, đặc biệt Tân Cảng Cát Lái đón Teu thứ 5 triệu và trở thành 1 trong 28 cảng biển lớn nhất thế giới.

Đây là một tín hiệu tích cực cho vận tải hàng hóa đường thủy và cũng là nỗ lực đầu tư các hạ tầng giao thông đường bộ phục vụ khu vực quanh cảng Cát Lái.

Tuy nhiên, hiện tỷ trọng đầu tư cho đường thủy tính trong 5 năm gần đây chỉ bằng 5,4% so với đầu tư cho việc xây dựng mạng lưới đường bộ.

Các dự án đầu tư về giao thông đường bộ kết nối đặc biệt là đường trục Bắc-Nam kết nối với cảng Hiệp Phước, nút giao Mỹ Thủy, đường Vành đai 2 và các tuyến đường kết nối với cảng Cát Lái chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân.

Thực tế, hệ thống hạ tầng kết nối với các cảng biển chưa được đầu tư đồng bộ nên chưa khai thác hết tiềm năng của hệ thống cảng biển, đặc biệt là khu cảng biển mới Hiệp Phước, trong khi lượng hàng hóa tập trung về khu cảng Cát Lái càng nhiều.

Các tuyến giao thông thủy trọng điểm vướng các công trình vượt sông (đã được xây dựng từ lâu) tĩnh không, khẩu độ không đảm bảo đã ảnh hưởng lớn đến quá trình khai thác vận tải đường thủy.

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, thời gian tới, Thành phố sẽ quan tâm phát triển vận tải hành khách công cộng, phục vụ du lịch bằng đường thủy để góp phần giảm ùn tắc giao thông đường bộ và tạo ra các sản phẩm thu hút du lịch cho thành phố.

Dự kiến cuối tháng 4/2020, thành phố sẽ đưa vào khai thác tuyến phà biển vận tải hành khách, hàng hóa từ Cần Giờ đi Vũng Tàu và ngược lại.

Phát triển tuyến vận tải hành khách

Cùng với đó, ngành giao thông sẽ triển khai phát triển tuyến vận tải hành khách, phục vụ du lịch từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) và ngược lại, sau khi cầu bến tại huyện Côn Đảo được đầu tư, nâng cấp để hoàn thành đưa vào khai thác trong giai đoạn 2020-2022.

Phát triển các tuyến vận tải hành khách cố định đi Côn Đảo, Bình Dương.

Ngành phối hợp với các ngành, các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu khởi công cảng Quốc tế Mũi Đèn đỏ (quận 7).

Sở Giao thông Vận tải cũng sẽ báo cáo và trình Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; sớm đầu tư cảng ICD Long Bình phục vụ di dời khu Cảng Trường Thọ, giảm ùn tắc giao thông khu vực xa lộ Hà Nội; quy hoạch phát triển cảng cạn ICD Củ Chi trên địa bàn huyện Củ Chi; tập trung nguồn lực thực hiện các dự án kết nối hạ tầng với hệ thống cảng biển đối với khu cảng Hiệp Phước và khu cảng Cát Lái...

Đồng bộ nhiều giải pháp

Tính đến cuối năm 2019, Thành phố Hồ Chí Minh đang quản lý 8.041.252 phương tiện, gồm 755.491 xe ôtô và 7.285.761 xe môtô; trong năm 2019 tổng số phương tiện đăng ký mới tăng 387.936 phương tiện, gồm 63.834 xe ôtô và 324.102 xe môtô (bình quân mỗi ngày có khoảng 174 xe ôtô và 888 xe môtô đăng ký mới).

Sở Giao thông Vận tải kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố chấp thuận cơ bản khung giải pháp của Đề án "Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh."

Về lâu dài, sau khi Đề án được thông qua, Sở Giao thông Vận tải sẽ khẩn trương triển khai các nhóm giải pháp theo từng giai đoạn để từng bước tăng khối lượng vận tải hành khách công cộng, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Tại buổi duyệt kế hoạch năm 2020 của Sở Giao thông Vận tải giữa tháng 2/2020, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đề nghị Sở nghiên cứu xây dựng đề án hạn chế giao thông ngày và chuyển hướng xây dựng phát triển kinh tế đêm.

Điều này nhằm bắt nhịp với xu thế phát triển hiện nay, đồng thời phải giải quyết, giảm áp lực giao thông ban ngày, bởi ban ngày quá nhiều phương tiện ra vào trong khi ban đêm thì gần như không có.

Theo ông Võ Văn Hoan, tuy chi phí nhân công vào ban đêm có tăng nhưng các chi phí khác lại giảm, cụ thể như xăng dầu giảm hẳn, chi phí xã hội cũng sẽ giảm, kẹt xe giảm, giảm chi phí vận chuyển trên đường... Do đó, chúng ta cần tuyên truyền, vận động người dân, các doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp dịch vụ ủng hộ chủ trương.

giam un tac o thanh pho ho chi minh dong bo nhieu giai phap
Hệ thống quản lý giao thông thông minh của Trung tâm Giám sát và điều khiển giao thông đặt tại Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn (Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Hiện nay, Sở Giao thông Vận tải cũng tập trung tổ chức phân luồng khu vực trung tâm Thành phố theo hướng hạn chế xe tải lưu thông ban ngày, cấm xe khách lưu thông một số tuyến đường; cấm xe sơmi rơmóoc lưu thông vào một số tuyến đường vào ban đêm.

Xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức thực hiện các phố đi bộ khu vực trung tâm Thành phố. Sở nghiên cứu đề xuất triển khai việc thu phí xe ôtô lưu thông vào khu vực nội đô Thành phố báo cáo xin chủ trương thực hiện.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết thành phố sẽ triển khai các giải pháp, đẩy mạnh tái cơ cấu lĩnh vực vận tải, kết nối các phương thức vận tải, nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động vận tải hành khách công cộng.

Đồng thời, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, kiểm soát chặt chẽ điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới, nhất là khu vực nội thành.

Thành phố sẽ quản lý chặt chẽ hoạt động xây dựng, bảo đảm việc đầu tư, xây dựng mới hoặc điều chỉnh, sắp xếp các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện… phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng.

Đây là những giải pháp kết hợp nhằm giải quyết bài toán giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong điều kiện nguồn lực đầu tư hạn chế./.

Theo Tiến Lực (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
  • Long An đẩy nhanh phát triển đô thị theo hướng bền vững

    (Xây dựng) - Trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ hiện nay, chương trình phát triển đô thị không chỉ đơn thuần là một chiến lược phát triển kinh tế mà còn là một động lực mạnh mẽ giúp các địa phương định hình tương lai. Chương trình phát triển đô thị tạo động lực, định hướng để các địa phương triển khai đầu tư xây dựng, hoàn thành các tiêu chí, tiêu chuẩn, nâng loại các đô thị hiện hữu và hình thành, phát triển các đô thị mới, hướng đến sự bền vững.

  • Sở Xây dựng Đà Nẵng tổ chức kỷ niệm Ngày Đô thị Việt Nam

    (Xây dựng) – Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Phùng Phú Phong cho biết, việc tổ chức kỷ niệm Ngày Đô thị Việt Nam mang ý nghĩa sâu sắc trong việc tôn vinh những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc phát triển các đô thị theo mục tiêu bền vững. Đây không chỉ là dịp để nhìn lại các thành tựu đã đạt được mà còn là cơ hội để đặt ra những mục tiêu cao hơn trong tương lai.

  • Bài 1: Thiên Thời, địa lợi, nhân hòa - hướng tới đô thị loại I

    (Xây dựng) - Trên hành trình hướng tới mục tiêu đưa Bắc Ninh trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, tỉnh đang tập trung thu hút, lựa chọn nhà đầu tư cho loạt dự án khu đô thị lớn, đa tiện ích.

  • UBND thành phố Hà Nội xem xét đề án giao thông thông minh trên địa bàn

    Sáng 1-11, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì phiên họp trực tuyến UBND thành phố thường kỳ tháng 11-2024 để xem xét một số nội dung trình kỳ họp HĐND thành phố và theo Chương trình công tác năm 2024 của UBND thành phố.

  • Đồng Nai hạ quyết tâm kiến tạo, bứt phá đô thị

    Tốc độ đô thị hóa của tỉnh Đồng Nai thời gian qua diễn ra khá chậm, dẫn đến tỷ lệ đô thị thấp nhất trong “tứ giác kinh tế” vùng Đông Nam Bộ, đó là chưa kể chất lượng các đô thị cũng còn nhiều hạn chế. Để thúc đẩy đô thị phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, gia tăng giá trị, nhất là khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào khai thác, lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đang quyết liệt đôn đốc, điều hành nhiều giải pháp nhằm tạo đột phá lĩnh vực này theo đồ án quy hoạch tỉnh giai đoạn mới, trong bối cảnh hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia chuẩn bị đi vào hoạt động.

  • Xác định giải pháp để 5 huyện ở Thủ đô “tăng tốc” lên quận

    Thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-HĐND (ngày 23-9-2021) của HĐND thành phố Hà Nội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, các ngành, địa phương đang nỗ lực tăng tốc để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra, nhất là mục tiêu 5 huyện phấn đấu lên quận.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load