(Xây dựng) - Một dự án về giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông vận tải với nguồn vốn lên đến 4 tỷ Euro, sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ CHLB Đức vừa được khởi động hôm qua (15/3/2021).
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Nguồn kinh phí hỗ trợ dự án được quản lý và giải ngân thông qua Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ. Vốn đối ứng của Việt Nam đóng góp bằng nguồn nhân lực của Bộ GTVT và cơ sở vật chất tương ứng 400.000 Euro.
Dự án mang tên “Sáng kiến giao thông trong NDC tại các nước châu Á” (NDC-TIA), nhằm hỗ trợ Bộ GTVT thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định Việt Nam (NDC) được kỳ vọng sẽ hỗ trợ kỹ thuật Bộ GTVT trong xây dựng chính sách và lộ trình phát triển phương tiện giao thông điện (E-mobility) cho quốc gia và một thành phố, nhằm thúc đẩy sự ra đời và phát triển bền vững của các loại phương tiện giao thông sử dụng năng lượng điện tiên tiến, hiện đại, không phát thải tại Việt Nam; xây dựng kịch bản giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đến 2050 theo hướng phát triển phát thải các-bon thấp nhằm xác định các hành động giảm nhẹ tiềm năng trong GTVT góp phần thực hiện NDC Việt Nam.
Thực tế cho thấy, quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ tại các đô thị lớn của Việt Nam, đặc biệt là tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM khiến cho tình trạng môi trường trở nên căng thẳng.
Hiện nay, tại các đô thị, ô nhiễm do bụi vẫn là vấn đề đáng lo ngại nhất và chưa được cải thiện so với giai đoạn trước. Nồng độ các thông số bụi (bụi mịn và bụi lơ lửng) có xu hướng duy trì ở ngưỡng cao, đặc biệt tại các trục giao thông và tuyến đường chính ở các đô thị lớn. Kết quả đo cho thấy, số ngày có giá trị bụi PM10, PM2,5 vượt QCVN chiếm tỷ lệ khá cao, đặc biệt, tại các trạm ven đường giao thông.
Các quan trắc ở TP.HCM và Hà Nội về khí thải từ các phương tiện giao thông gây ra cho con số đáng lo ngại. Cụ thể, bụi lơ lửng từ các phương tiện giao thông thải ra ở TP.HCM với hơn 72% vượt tiêu chuẩn cho phép… Còn ở Hà Nội, 70% lượng khói bụi gây ô nhiễm cũng được xác định phát sinh từ hoạt động giao thông, với 85% lượng khí thải CO2 và 95% lượng hợp chất hữu cơ dạng hơi mà mắt thường khó nhìn thấy được.
Từ cuối năm 2018, Sở TN&MT và Sở GTVT TP.HCM đã có kế hoạch đề xuất UBND Thành phố xây dựng đề án kiểm soát khí thải đối với môtô, xe gắn máy nhưng đến nay vẫn chưa được được chấp thuận.
Các chuyên gia môi trường cho rằng, TP.HCM và Hà Nội đang cố gắng nhưng vẫn chưa đủ. Giải quyết ô nhiễm không khí phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhưng trước mắt cần có những giải pháp mạnh tập trung vào nguồn giao thông. Bởi lẽ, đến nay, tại hai đô thị này, lượng phương tiện giao thông vẫn không ngừng tăng lên. Hà Nội sau 10 năm, số phương tiện cơ giới đã tăng gấp 3 lần (trung bình mỗi tháng, Hà Nội có thêm khoảng 27 nghìn ôtô, xe máy, xe đạp điện). Còn tại TP.HCM, Sở GTVT TP.HCM lo ngại, với tốc độ tăng mô tô trên địa bàn 10 - 15%/năm và vẫn chạy với chuẩn EURO 2 (mức gây ô nhiễm môi trường nặng nề) từ hàng chục năm qua, lượng xe mô tô tăng kéo theo lượng khí phát thải chắc chắn sẽ gia tăng mạnh trong thời gian tới.
Rõ ràng, ô nhiễm không khí tại các đô thị ngày càng trầm trọng và tương lai sẽ càng tăng nếu chúng ta không có mục tiêu cụ thể, các hành động kịp thời. Và những dự án về giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông vận tải là vô cùng quý giá, cần phải được thực thi quyết liệt và minh bạch để chúng ta cải thiện môi trường đô thị.
Ngọc Lý
Theo