Thứ tư 11/09/2024 23:41 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Giám đốc sở xin nghỉ việc vì bị chuyển công tác nói gì?

14:30 | 20/06/2016

Giám đốc sở ở Bà Rịa-Vũng Tàu bị điều chuyển công tác với lý do chậm trễ trong việc giải quyết các thủ tục đất đai. Trao đổi với phóng viên, bà nói không phục với quyết định trên.


Bà Lê Thị Công trong một cuộc họp. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Bà Lê Thị Công được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi Trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Sở TN-MT) từ tháng 7/2015. Ngày 26/5, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Trình ký quyết định điều chuyển bà sang làm làm việc tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy.

“Tôi đã gửi đơn xin nghỉ việc nhưng chưa được giải quyết. Ngày 21/6, tôi vẫn đến nhận nhiệm vụ mới và sẽ báo cáo Ban thường vụ Tỉnh ủy để họ xem xét, cho tôi tôi nghỉ theo nguyện vọng”, bà Công nói.

Trong thời gian 10 tháng làm giám đốc Sở TN-MT, bà Công được đánh giá là người không vụ lợi trong quá trình giải quyết công việc, đưa đơn vị phát triển. Bà nói: “Khi về nhận chức, tôi đã sắp xếp lại bộ máy để phù hợp với năng lực, chuyên môn. Tôi tổ chức giao ban địa chính, đối thoại doanh nghiệp vào chiều thứ 6 hàng tuần và thực hiện họp chuyên đề. Đây là những việc trước kia chưa ai làm”.

Tuy nhiên, vị giám đốc sở cho rằng, lãnh đạo tỉnh đánh giá bà chậm trễ trong việc xử lý, giải quyết 4 hồ sơ đất đai nên các nhà đầu tư không thỏa mãn. Do vậy, tỉnh đi đến quyết định điều chuyển bà sang vị trí và lĩnh vực khác.

Trong đơn xin nghỉ, người phụ nữ 52 tuổi cũng giải trình về việc không giải quyết hồ sơ 4 dự án lớn. Theo bà, nếu sở thông qua, đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư thì sẽ vi phạm pháp luật, tạo tiền đề xấu trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường.

Một trong 4 hồ sơ mà bà Công đề cập là việc đề nghị tách thửa của Công ty TNHH Hồ Tràm. Công ty này được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho thuê diện tích đất 163 ha để xây dựng và kinh doanh Khu du lịch nghỉ dưỡng, giải trí phức hợp, làm Trung tâm hội nghị Quốc tế Hồ Tràm. Thời hạn sử dụng đất là 50 năm, được cấp sổ đỏ. Về sau, công ty có đơn đề nghị Sở TN-MT tách thửa đối với khu đất này nhưng không được bà Công giải quyết.

Bà nói: “Tách ra rồi mua bán, chuyển nhượng, phá vỡ toàn bộ quy hoạch làm tan nát hết. Rất nguy hiểm. Luật đất đai năm 2013 không quy định việc tách thửa kiểu này”.

Trong đơn xin nghỉ việc, bà cũng giải trình và đưa ra vụ sai phạm làm cơ sở: “Trước đây, Sở TN-MT giải quyết tách thửa khu đất tại đồi Ngọc Tước (TP Vũng Tàu), cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên chủ dự án đã chuyển nhượng cho các cá nhân xây dựng, phá vỡ toàn bộ quy hoạch. Với sai phạm này, tỉnh chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân đơn vị liên quan. Căn cứ vào pháp luật và thực tế, Sở TN-MT không giải quyết tách thửa dự án Hồ Tràm”.

Nguyên giám đốc sở cho rằng, 4 hồ sơ đất đai mà bà không giải quyết là tồn tại từ nhiều năm trước và bà đã làm đúng quy định. “Cơ quan tài nguyên, môi trường thực hiện theo pháp luật, không thể giải quyết một cách tùy tiện theo yêu cầu nhà đầu tư. Những sự việc không giải quyết được thì mình có văn bản trả lời người ta. Những vướng mắc có thể tháo gỡ trong thẩm quyền thì tháo gỡ, không nằm trong thẩm quyền thì phải xin ý kiến bộ, ngành, Tỉnh ủy”, bà Công phân trần.

Cũng theo bà, ngành tài nguyên môi trường thuộc lĩnh vực nhạy cảm nên người lãnh đạo phải dựa vào pháp luật để giải quyết. Lãnh đạo phải thanh liêm, hiểu pháp luật và thực hiện đúng quy định. Làm vì dân, vì nước và phải trung thực, thẳng thắn. Về việc bị điều chuyển, bà nói: “Dựa vào đó (việc giải quyết các hồ sơ đất chậm trễ) để chuyển tôi đi thì tôi không tâm phục, khẩu phục”.

Trong 10 tháng đương nhiệm, bà Công lên kế hoạch thanh tra toàn diện 50 dự án trong tỉnh. Theo bà, sở đang lên kế hoạch “trảm” những dự án không triển khai, chậm triển khai để đấu giá khu đất công hoặc chuyển nhượng nhà đầu tư có năng lực thực hiện.

“Nhiều dự án ven biển chậm triển khai. Có những dự án 5-6 năm chưa được thực hiện. Trước đây, cho thuê đất rồi ‘bung’ luôn. Khi tôi về xây dựng kế hoạch thanh tra, khi đó mới biết những dự án kéo dài nên lên kế hoạch thu hồi hoặc gia hạn đúng luật”, bà Công cho biết.

Không còn làm chức vụ giám đốc sở và cũng đang chờ được giải quyết đơn nghỉ việc theo nguyện vọng, bà Lê Thị Công bày tỏ nhiều lo lắng cho sở, ngành. Bà nói: “Sợ người đứng đầu không bản lĩnh, cấp dưới tham mưu không chặt chẽ là dẫn đến sai phạm. Lo nhất vụ đó. Người tham mưu phải tâm huyết, nắm rõ pháp luật và minh bạch, dân chủ, công khai. Ngành tài nguyên môi trường dễ dẫn đến sai phạm lắm”.

Về việc điều chuyển bà Công, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Hồng Lĩnh, cho biết đã tổ chức họp và xác định người này không thể đảm nhiệm chức giám đốc sở vì giải quyết các vụ việc chậm trễ. Theo ông Lĩnh, bà Lê Thị Công có đơn và tỉnh sẽ xem xét để bà được nghỉ theo đúng nguyện vọng.

Theo Ngọc An/Zing.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load