Thứ năm 20/02/2025 09:28 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Giải quyết nguồn cung, "hạ nhiệt" giá nhà: Cần phát triển thêm đô thị vệ tinh

10:18 | 17/02/2025

Để giải quyết vấn đề nguồn cung nhà ở, các thành phố lớn như Hà Nội cần phát triển thêm đô thị vệ tinh xung quanh để kéo giãn số lượng người dân từ trung tâm ra các khu vực ngoại thành.

Giải quyết nguồn cung,
Cần phát triển thêm các đô thị vệ tinh xung quanh nội đô để kéo giãn số lượng người dân từ trung tâm ra các khu vực ngoại thành. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở (đặc biệt là căn hộ trung cấp) khiến giá nhà liên tục tăng cao, thậm chí cao đột biến, nên người lao động rất khó tìm kiếm được nhà ở, nhiều ý kiến cho rằng các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cần nhanh chóng quy hoạch thêm quỹ đất nội đô, đặc biệt là phát triển thêm các đô thị vệ tinh xung quanh để kéo giãn số lượng người dân từ trung tâm ra các khu vực ngoại thành.

Đây cũng là giải pháp để kéo giảm giá nhà xuống đúng với giá trị thực, từ đó cải thiện nguồn cung, góp phần giảm tải giao thông, giảm tắc đường.

Thiếu nguồn cung, giá nhà ở “trên trời”

Thẳng thắn chia sẻ với phóng viên, ông Lê Văn Bình - Phó Vụ trưởng Vụ đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng thị trường bất động sản Việt Nam, nhất là phân khúc căn hộ chung cư, thời gian gần đây đang chứng kiến đà tăng giá rất mạnh, thậm chí tăng cao đột biến.

Theo ông Bình, giá nhà tăng quá cao khiến nhiều người dân dù có trong tay 3-4 tỷ đồng vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm được nhà ở vừa sức. Thực trạng này cũng làm giảm tính bền vững của thị trường bất động sản.

Đơn cử trong năm 2023 - 2024, do thiếu nguồn cung nên giá nhà đã tăng, tăng rất cao, thậm chí cao đột biến. Thực tế nhà ở tại đa phần các quận nội thành ở Hà Nội hiện có mức giá trên 70 triệu đồng/m2.

“Nếu giá cao như hiện nay thì người lao động rất khó để tìm được nhà ở. Bây giờ người lao động đi tìm nhà có mức giá tầm 50 triệu/m2 rất khó, vì rất hiếm. Điều đáng nói là không chỉ các chung cư mới mở bán có giá cao, mà ngay cả nhà chung cư cũ, tập thể cũ, giá cũng lên gấp 1,5 - 2 lần so với trước đây,” Phó Vụ trưởng Vụ đất đai trăn trở.

Về nguyên nhân khiến giá nhà chung cư gần đây luôn trong tình trạng “trên trời,” theo ông Bình, ngoài lý do thiếu hụt nguồn cung, còn bởi thực trạng quỹ đất ở nội đô hiện đang rất chật hẹp, không đa dạng sản phẩm và đặc biệt là chưa giải quyết được vấn đề giao thông. Trên thực tế cũng không người dân nào muốn bỏ 2-3 tiếng/ngày cho việc di chuyển cả chặng đường dài từ ngoại thành đến nội thành để học tập và làm việc.

“Đơn cử như có thời gian, người dân đổ xô về Ecopark mua nhà với mong muốn có cuộc sống xanh, hưởng thụ nét đẹp thiên nhiên, nhưng sau đó nhiều người dân lại quay trở về trung tâm thành phố vì họ nhận ra tốn quá nhiều thời gian di chuyển,” ông Bình chia sẻ.

Trong khi đó, đề cập tới lý do thiếu nguồn cung nhà ở, ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng ngoài các vướng mắc từ chính sách, nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án nhà ở cũng thường gặp khó khăn liên quan đến vốn tín dụng.

Giải quyết nguồn cung,
(Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)

Dẫn chứng thực tế, ông Đính cho biết có những doanh nghiệp có hàng nghìn căn hộ đang hoàn thiện và chờ bàn giao nhưng vào thời điểm này họ lại thiếu vốn, không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng nên sản phẩm lại “đóng băng” chờ vốn. Và khi không tung ra thị trường được sẽ dẫn tới việc “hàng” tồn kho tăng mạnh…

Những giải pháp căn cơ cần triển khai

Để giải quyết thực trạng nêu trên, ông Lê Văn Bình - Phó Vụ trưởng Vụ đất đai cho rằng Nhà nước cần phải “vào cuộc” để nhanh chóng phát triển thêm quỹ đất nội đô hay quy hoạch lại giao thông để tránh ách tắc. Đây cũng là giải pháp được ông Bình kỳ vọng sẽ trực tiếp kéo giá nhà “hạ nhiệt.”

Bên cạnh đó, các thành phố lớn như Hà Nội, cần phát triển thêm đô thị vệ tinh xung quanh để “kéo giãn” số lượng người dân từ trung tâm ra các khu vực ngoại thành, để sản phẩm nhà ở tại trung tâm không còn khan hiếm.

Ông Bình cũng lưu ý để trả lời câu hỏi bao giờ mua được nhà ở Hà Nội thì cần đặt vào vai người mua. Nếu trong vai nhà đầu tư thì khi nào giá nhà cao sẽ mua bởi họ thường có tâm lý giá lên cao thì sẽ cao hơn nữa. Còn nếu là người mua thì sẽ chờ giá nhà hạ xuống vừa túi tiền, họ sẽ lập tức chốt mua.

"Theo tôi, người dân có thu nhập trung bình, cũng như thu nhập thấp thì nên tranh thủ mua nhà cách trung tâm Hà Nội khoảng 15 - 20 km ở thời điểm hiện tại sẽ là câu trả lời phù hợp nhất,” ông Bình nói.

Đại diện Vụ đất đai cũng gợi ý sắp tới, các sản phẩm bất động sản được “tung” ra cùng với chính sách mới, thị trường bất động sản cũng như giá nhà sẽ ổn định hơn. Lúc này người lao động có thể tiếp cận để mua nhà.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng nhà ở là một trong những nhu cầu thiết yếu và rất lớn của nhiều người dân, tuy nhiên hiện ở vùng lõi đô thị giá nhà quá, nên người dân cần tìm các khu đô thị mới có các hạ tầng kết nối, đường giao thông tốt để lựa chọn.

“Ví dụ như Hà Nội, hiện đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông kết nối. Các tỉnh lân cận Hà Nội như Hải Phòng, Nam Định, cũng có thể hình thành các khu đô thị và có nhiều tiềm năng đầu tư khi hạ tầng giao thông kết nối, nên người dân có thể nghiên cứu để mua nhà,” ông Đính gợi ý.

Chia sẻ thêm giải pháp để giải quyết vấn đề nhà ở, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho rằng trong tương lai, việc đánh thuế bất động sản thứ 2 là rất cần thiết.

“Nếu xác định đúng, chính xác nhà đất thì sẽ điều chỉnh được giá nhà ở mức ổn định. Và khi thu nhập của người dân minh bạch, đóng thuế đầy đủ thì đương nhiên sẽ được hưởng một phần nào đó đáp ứng của xã hội. Không thể đưa ra lý do rằng người dân không thể tiếp cận,” ông Hùng nói./.

Theo Hùng Võ/(Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load