(Xây dựng) - Hiệp hội Bất động động sản Việt Nam (VNREA) vừa chủ trì Tọa đàm quốc tế về nhà ở vừa túi tiền - kinh nghiệm ASEAN cho Việt Nam. Đây là sự kiện trong khuôn khổ cuộc họp Hội đồng Chủ tịch Liên minh mạng lưới bất động sản ASEAN lần thứ 13 do VNREA tổ chức.
![]() |
Phát triển nhà ở vừa túi tiền sẽ mở ra cơ hội giải quyết tình trạng lệch pha cung cầu, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của đại đa số người dân. |
Nhà ở hạng sang chiếm áp đảo
Tại tọa đàm, TS. Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch VNREA cho biết, nhà ở vừa túi tiền vẫn khan hiếm tại Việt Nam. Xét về định nghĩa, từ điển Cambridge nêu nhà ở vừa túi tiền là nhà ở, căn hộ có giá cả phải chăng cho người thu nhập không cao. Còn theo UN-Habitat, nhà ở vừa túi tiền là nhà có giá không vượt quá 30% tổng thu nhập trung bình hàng năm của hộ gia đình. Trong khi ở Việt Nam, cách hiểu chung nhất là căn hộ có giá dưới 1.000USD/m2.
“Mặc dù quan điểm phổ biến là nhà ở vừa túi tiền phải phù hợp với thu nhập của số đông người dân, nhưng định lượng giá cả sẽ khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế và xã hội của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, để một thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững, cần sự cân bằng giữa các phân khúc nhà ở, đặc biệt là đáp ứng được nhu cầu của đa số người dân về nhà giá rẻ”, TS. Đoàn Văn Bình lưu ý.
Lãnh đạo VNREA cũng nhận định giá thị trường bất động sản nhà ở tại Việt Nam hiện chia thành ba phân khúc chủ yếu, gồm: Nhà ở hạng sang, cao cấp; nhà ở trung cấp và nhà ở giá rẻ. Trong đó, nhà ở hạng sang, cao cấp đang chiếm nguồn cung áp đảo, nhà ở trung cấp có tỷ lệ giảm dần qua các năm, còn phân khúc nhà ở giá rẻ vẫn khan hiếm. Giai đoạn 2021 - 2024, thị trường Việt Nam gần như không ghi nhận nguồn cung thuộc phân khúc này.
“Nhu cầu nhà ở vừa túi tiền rất lớn và tiềm năng. Đây là đối tượng khách hàng mục tiêu hướng đến của một thị trường bất động sản lành mạnh, bền vững nhưng Việt Nam lại dường như bỏ ngỏ phân khúc này”, TS. Đoàn Văn Bình nhận xét.
Cũng theo Phó Chủ tịch VNREA, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đang triển khai Đề tài nghiên cứu khoa học “Tạo lập thị trường nhà ở thương mại vừa túi tiền: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất chính sách cho Việt Nam”, với mục tiêu cốt lõi là tìm ra giải pháp phù hợp để có thể đưa nhà ở vừa túi tiền, nhà ở giá rẻ trở lại thị trường bất động sản Việt Nam, hướng tới một thị trường có cơ cấu nguồn cung cân bằng và lành mạnh hơn.
Kinh nghiệm quốc tế
Bàn thêm về vấn đề này, ông Tan Kian Aun, Chủ tịch Viện Môi giới bất động sản Malaysia (MIEA) cho rằng, nhiều nước trên thế giới cũng gặp khủng hoảng và cần giải bài toán về nhà ở, chứ không chỉ riêng Việt Nam. Hiện tại, Malaysia có hai loại nhà ở giá rẻ. Thứ nhất, nhà ở công - mô hình khá tương đồng với cách thức mà Chính phủ nhiều nước đang triển khai. Đó là Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm xây nhà, rồi bán cho người dân. Thứ hai, nhà ở giá rẻ được phát triển bởi nhà đầu tư tư nhân.
Còn ông Jeffery Foo, đồng sáng lập Viện Môi giới bất động sản Singapore (IEA) thông tin rằng, tại Singapore, Housing and Development Board (HDB) là cơ quan chuyên trách của Chính phủ chịu trách nhiệm về phát triển, quản lý các khu nhà ở. HDB xây dựng và phân phối, bán các căn hộ này, không có bên thứ ba nào tham gia vào quá trình tiếp thị mua bán nhà ở do họ phát triển. Để hỗ trợ những người có thu nhập thấp hoặc trung bình, HDB cung cấp căn hộ cho thuê có từ hai hoặc ba phòng, với mức giá thuê thấp nhất có thể. Đối tượng của hình thức cho thuê là người chưa có việc làm, người đang gặp khó khăn về tài chính hoặc người chưa đủ khả năng mua nhà HDB.
“Về lâu dài, HDB khuyến khích người đang thuê căn hộ nên cân nhắc mua trả góp chính căn hộ họ thuê, kèm điều khoản trả góp ưu đãi. Mục tiêu của chính sách này giúp người dân không phải mãi đi thuê nhà ở, mà có thể sở hữu một mái ấm riêng khi đủ khả năng”, ông Jeffery Foo nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm phát triển nhà ở, ông Clement Francis, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Indonesia (AREBI) cho hay, giống như nhiều quốc gia khác, các nhà phát triển Indonesia cũng ưu tiên làm dự án cao cấp vì lợi nhuận cao hơn. Do đó, để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhà ở và hỗ trợ những gia đình thu nhập thấp, Indonesia đặt mục tiêu xây dựng 3 triệu căn nhà ở giá rẻ mỗi năm. Trong đó, có 2 triệu căn ở khu vực nông thôn và 1 triệu căn hộ ở khu vực thành thị, tập trung vào người có thu nhập dưới 8 triệu rupiah (khoảng 494 USD).
Tuy nhiên, bài toán khó của Indonesia là quỹ đất phát triển nhà ở. Vì vậy, Chính phủ đã lên kế hoạch sử dụng quỹ đất thu hồi được từ các vụ án hoặc tận dụng những lô đất chưa được khai thác. Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ đề ra một chiến lược tài chính có quy mô lớn. Thông qua ngân hàng, Chính phủ sẵn sàng hỗ trợ các nhà phát triển và cung cấp thanh khoản cho người có thu nhập thấp.
Kiến Tài
Theo