Thứ ba 05/11/2024 05:34 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Giải phóng mặt bằng dự án thành phần 1, 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu: Tăng thêm hơn 2.000 tỷ đồng

17:21 | 13/03/2024

(Xây dựng) - Sau khi cơ quan chức năng thực hiện khái toán, kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án thành phần 1, 2 đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (qua địa bàn tỉnh Đồng Nai) tăng thêm hơn 2.000 tỷ đồng so với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đã được phê duyệt.

Giải phóng mặt bằng dự án thành phần 1, 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu: Tăng thêm hơn 2.000 tỷ đồng
Phường Phước Tân (thành phố Biên Hòa) nơi dự án thành phần 1 cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đi qua hiện có hàng trăm căn nhà xây dựng trên đất nông nghiệp khiến việc kiểm kê, định giá đất bồi thường gặp khó khăn.

Đất thu hồi giảm nhưng tiền bồi thường tăng

Mới đây, Ban Quản lý dự án bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai (gọi tắt là Ban quản lý) đã có báo cáo kết quả khái toán gửi UBND tỉnh này về kinh phí phí bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án thành phần 1, 2 đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Theo đó, ở cả hai dự án thành phần nằm trên địa bàn tỉnh, kinh phí bồi thường, GPMB tăng thêm hơn 2.000 tỷ đồng, đặc biệt, dù kinh phí bồi thường, GPMB của cả 2 dự án thành phần đều tăng nhưng số diện tích đất phải bồi thường lại giảm. Cụ thể, đối với dự án thành phần 1, kinh phí tăng hơn 1.066 tỷ đồng nhưng phần diện tích đất phải bồi thường giảm so với diện tích trong báo cáo nghiên cứu khả thi là gần 20ha. Tương tự, ở dự án thành phần 2, kinh phí tăng hơn 1.019 tỷ đồng nhưng diện tích đất bồi thường giảm xuống hơn 23ha.

Giải phóng mặt bằng dự án thành phần 1, 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu: Tăng thêm hơn 2.000 tỷ đồng
Giá đất bồi thường sau khi khái toán theo giá thực tế của thời điểm đã có sự chênh lệch lớn, khiến kinh phí bồi thường, GPMB tăng cao.

Về vấn đề diện tích đất phải bồi thường giảm so với diện tích trong báo cáo nghiên cứu khả thi của cả 2 dự án thành phần, Ban quản lý xác định, nguyên nhân chủ yếu là do phần diện tích đất công trong báo cáo nghiên cứu khả thi được tính vào phần diện tích đất được bồi thường. Tuy nhiên, phần diện tích đất này chỉ được bồi thường tài sản trên đất và không được bồi thường, hỗ trợ về đất theo quy định tại Điều 82 Luật Đất đai.

Trước đó, trong báo nghiên cứu khả thi của cả 2 dự án thành phần đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã được phê duyệt thì dự án thành phần 1 có chi phí bồi thường, GPMB là hơn 2,8 nghìn tỷ đồng, còn dự án thành phần 2 là gần 2,2 nghìn tỷ đồng.

Vì sao kinh phí GPMB tăng?

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu khởi công cách đây hơn tám tháng, nhưng đến nay tỉnh Đồng Nai mới bàn giao được khoảng hơn 20% mặt bằng phục vụ dự án, không đáp ứng yêu cầu thi công. Ở cả 2 dự án thành phần, xét về tiến độ đang rất chậm. Khi mà câu chuyện GPMB chưa xong thì vấn đề kinh phí GPMB tăng cũng khiến dư luận quan tâm.

Giải phóng mặt bằng dự án thành phần 1, 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu: Tăng thêm hơn 2.000 tỷ đồng
Người dân xem bản đồ tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.

Về nguyên nhân khiến kinh phí bồi thường, GPMB tại các dự án thành phần 1, 2 đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tăng, theo Ban quản lý chủ yếu là do giá đất bồi thường; bồi thường về nhà, tài sản, vật nuôi trên đất; chi phí di dời, hoàn trả hạ tầng kỹ thuật đều tăng.

Điển hình như việc bồi thường đất phi nông nghiệp. Tại các quyết định phê duyệt dự án đầu tư thì giá đất ở bồi thường được áp dụng theo giá đất ở đô thị thuộc vị trí 2 (đoạn đi qua thành phố Biên Hòa) và giá đất ở nông thôn giữa vị trí 2 và vị trí 3 (đoạn qua huyện Long Thành) của Quốc lộ 51. Theo đó, giá đất dao động từ 2,3 triệu đồng/m2 đến 4 triệu đồng/m2 đối với khu vực huyện Long Thành và 5 triệu đồng/m2 đến 7 triệu đồng/m2 đối với khu vực thành phố Biên Hòa.

Tuy nhiên, tại các quyết định phê duyệt giá đất để tính tiền bồi thường dự án thành phần 1 và 2 do UBND thành phố Biên Hòa và UBND huyện Long Thành phê duyệt, giá đất các vị trí tương ứng đều cao hơn so với giá đất được áp dụng trong báo cáo nghiên cứu khả thi của 2 dự án. Đối với đất nông nghiệp cũng xảy ra tương tự như đất ở. Vì vậy, giá đất bồi thường sau khi khái toán theo giá thực tế của thời điểm đã có sự chênh lệch lớn, khiến kinh phí bồi thường, GPMB tăng cao.

Giải phóng mặt bằng dự án thành phần 1, 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu: Tăng thêm hơn 2.000 tỷ đồng
Đến nay, tỉnh Đồng Nai mới bàn giao được khoảng hơn 20% mặt bằng phục vụ dự án, không đáp ứng yêu cầu thi công.

Bên cạnh đó, kinh phí di dời, hoàn trả hạ tầng kỹ thuật liên quan hệ thống điện, nước ở cả 2 dự án thành phần cũng tăng gần 600 tỷ đồng so với các quyết định phê duyệt dự án đầu tư. Qua kiểm kê thực tế, số lượng công trình hạ tầng, kỹ thuật điện, nước bị ảnh hưởng bởi dự án cao hơn nhiều so với số liệu được lập trong báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt ở cả 2 dự án thành phần.

Ngoài ra, qua rà soát, kiểm kê của cơ quan chức năng, số lượng nhà ở được xây dựng trên đất nông nghiệp có đất bị thu hồi tại các địa phương, trong đó 2 phường Phước Tân và Tam Phước (thành phố Biên Hòa) phát sinh nhiều hơn so với số liệu thống kê ban đầu. Đây là một trong những vấn đề khó khăn đối với cơ quan chức năng Đồng Nai trong quá trình thực hiện kiểm kê, xác định bồi thường trong thời gian qua.

Trước đó, ngày 7/3, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã làm việc với các đơn vị liên quan về công tác GPMB phục vụ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua địa bàn.

Báo cáo với lãnh đạo tỉnh, Ban Quản lý dự án bồi thường GPMB và hỗ trợ tái định cư tỉnh cho biết, đến nay, việc kiểm đếm đất đai, tài sản tại 2 dự án thành phần đã hoàn thành khoảng 93%. Hiện vùng dự án có khoảng 240 thửa đất với tổng diện tích hơn 18ha chưa xác định được chủ sử dụng đất (đất vắng chủ). Do không liên lạc được với chủ sử dụng đất nên cơ quan chức năng đã phối hợp cùng chính quyền các địa phương thực hiện niêm yết công khai, thông báo tìm chủ sử dụng đất. Đến nay, các thủ tục niêm yết, thông báo đã được thực hiện đúng trình tự. Dự kiến giữa tháng 3, ngành chức năng sẽ thực hiện kiểm kê theo diện vắng chủ đối với các trường hợp nêu trên theo đúng quy định pháp luật.

Giải phóng mặt bằng dự án thành phần 1, 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu: Tăng thêm hơn 2.000 tỷ đồng
Hình ảnh trái ngược khi ở phía Bà Rịa - Vũng Tàu cao tốc đã thành hình, còn phía tỉnh Đồng Nai là những cánh rừng cao su bạt ngàn.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi nhấn mạnh, lãnh đạo tỉnh đã có nhiều chỉ đạo nhằm đẩy nhanh quá trình GPMB cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, nhưng đến nay tiến độ thực hiện các công việc vẫn chưa có nhiều tiến triển, chưa đạt yêu cầu. Về kiểm kê theo diện vắng chủ, cơ quan chức năng cần xem xét kỹ, thực hiện đầy đủ quy trình, huy động đủ thành phần tham gia để tránh khiếu nại, khiếu kiện về sau.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị các đơn vị tập trung tối đa nhân lực, nỗ lực hơn nữa để đẩy nhanh các phần việc, đảm bảo hoàn thành bàn giao mặt bằng trước ngày 30/6/2024 như đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ.

Thìn Nguyễn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load