(Xây dựng) - Tại phiên toàn thể của Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2022 đã có một số cam kết, hướng dẫn tiếp cận nguồn tài chính để các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam có thể tiếp cận trong quá trình đầu tư xây dựng công trình xanh.
Thứ trưởng Lê Quang Hùng khẳng định: Phát triển công trình xanh là một giải pháp quan trọng nhằm giảm tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính mà Bộ Xây dựng đang tập trung thực hiện. |
Với chủ đề “Thúc đẩy công trình xanh: Hướng tới mục tiêu hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP26”, tại Hội thảo đã có nhiều ý kiến thiết thực, thẳng thắn khi nhìn nhận “lộ trình” thực hiện cam kết của Việt Nam tại Thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như tại Hội nghị COP26 về thực hiện lộ trình giảm phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết: “Thực hiện các cam kết về giảm phát thải của Chính phủ, ngành Xây dựng đang triển khai nhiều giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực của ngành như sản xuất vật liệu xây dựng, giảm tiêu thụ năng lượng trong các công trình xây dựng… Thúc đẩy việc phát triển công trình xanh là một giải pháp quan trọng nhằm giảm tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính mà Bộ Xây dựng đang tập trung thực hiện.
Qua hơn 10 năm phát triển, số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện mới đạt khoảng trên 233 công trình với tổng diện tích khoảng trên dưới 6 triệu m2 sàn xây dựng. Con số này quá khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động và so với tiềm năng cũng như yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường. Hiện chúng ta chưa có công trình nào được thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành đạt tiêu chí công trình phát thải ròng bằng 0. Đó là thách thức lớn khi cái đích năm 2050 chỉ còn hơn 27 năm”.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng tham quan sản phẩm xanh trưng bày tại Tuần lễ công trình xanh. |
Ngành Xây dựng đã xây dựng chương trình cụ thể góp phần hiện thực hóa mục tiêu của Chính phủ giảm 74,3 triệu tấn CO2. Nguồn phát thải của ngành Xây dựng có tỷ lệ 46,2% từ năng lượng, quá trình công nghiệp là 45,3%, năng lượng 8,5%. Trong tỷ lệ này thì xi măng chiếm 40,1%, VLXD khác là 5,2%.
Trên thực tế, chỉ riêng việc dán nhãn công nhận vật liệu xây dựng xanh, tiết kiệm năng lượng còn đang gặp nhiều vướng mắc bởi các quy định còn chồng chéo. Tuy nhiên, ngành Xây dựng vẫn đang áp dụng nột số giải pháp như tối ưu hóa quá trình đốt clinker, sử dụng máy nghiền đứng, thu hồi nhiệt thải, một số vật liệu cơ bản thay thế clinker, áp dụng công nghệ CCS.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng còn nỗ lực chứng minh để người tiêu dùng, kỹ sư, kiến trúc sư dễ dàng nhận ra khi tìm kiếm sản phẩm đầu tư có công trình xanh cũng như đáp ứng tiêu chí của các tổ chức tín dụng.
Các chuyên gia thẳng thắn khi đối thoại. |
Bà Đỗ Ngọc Diệp - Quản lý Chương trình công trình xanh Việt Nam, Tổ chức tài chính quốc tế IFC cho biết: Việc có được cấp vốn hay không thì lại phụ thuộc vào các công trình ấy có xanh, tiết kiệm năng lượng không? Chúng tôi sẽ kiểm kê chặt chẽ, công khai, theo chuẩn quốc tế và được một bên thứ ba chứng nhận.
Được biết, cơ hội thu hút đầu tư vào công trình xanh tại Việt Nam giai đoạn ngắn hạn đến 2025 là 22,16 tỷ USD. Số liệu từ IFC, vốn đối ứng của IFC đã thúc đẩy 7,5 tỷ USD đầu tư vào công trình xanh trên toàn cầu. Tại Việt Nam, đầu tư trực tiếp vào các dự án xanh đã lên đến 354 triệu USD, bao gồm nguồn vốn từ IFC và nguốn vốn IFC đã huy động từ nhà đầu tư khác cho các dự án xanh. Đặc biệt, các công trình nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và nhà cho người thu nhập thấp cũng có cơ hội tiếp cận nguồn vốn của IFC với điều kiện các công trình này phải là công trình xanh theo chứng nhận Edge.
Nhằm hỗ trợ các mục tiêu về khí hậu và cam kết của Chính phủ Việt Nam tại hội nghị COP26, đặc biệt mục tiêu chuyển đổi sang nền kinh tế đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Ngân hàng HSBC Việt Nam đã cam kết hỗ trợ thu xếp nguồn vốn lên tới 12 tỷ USD tài trợ cho các dự án bền vững và các doanh nghiệp tại Việt Nam, đến năm 2030.
Tính tới tháng 8/2022, HSBC Việt Nam đã tham gia thu xếp được hơn 1,3 tỷ USD tài chính xanh cho Việt Nam, đạt được 10% mục tiêu đề ra, đồng thời tham gia hỗ trợ các dự án xanh và bền vững quan trọng tại Việt Nam, góp phần vào việc giúp nền kinh tế giảm phát thải carbon.
đại diện Ngân Hàng HSBC cho biết: Để tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ HSBC thì doanh nghiệp cần chứng minh mục đích sử dụng vốn phải dành cho dự án xanh hoặc doanh nghiệp phải chứng minh được hướng phát triển bền vững, lộ trình thực hiện phát thải ròng bằng 0.
Hiện có nhiều tiêu chuẩn, hệ thống đánh giá chứng nhận về công trình xanh khác nhau nhưng đều hướng tới việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và đảm bảo tiện nghi, sức khỏe cho người sử dụng.
Bộ Xây dựng ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong nước và quốc tế để Việt Nam thực hiện lộ trình giảm phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050. |
Tuy nhiên, “việc đánh giá công trình xanh phục vụ công tác quản lý nhà nước nhìn chung chưa có một công cụ mang tính pháp lý. Điều này dẫn đến việc chứng nhận các công trình xanh đang phát triển tự phát, các công trình sau khi được chứng nhận cũng không được giám sát, kiểm tra cũng như duy trì thương hiệu. Nhiều công trình được gắn mác “xanh, sinh thái” nhưng không chứng minh được các số liệu cho thấy đã đóng góp tích cực cho môi trường hay xã hội”, TS.KTS Lê Thị Bích Thuận, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng khẳng định.
Do đó, TS.KTS Lê Thị Bích Thuận kiến nghị: Bộ Xây dựng cần xây dựng tiêu chí chung về đánh giá công trình xanh, ban hành các quy định quản lý công trình xanh trong vòng đời công trình nhằm phục vụ cho công tác quản lý, trên cơ sở đó các chủ đầu tư, các nhà tư vấn thiết kế có cơ sở để phát triển công trình xanh một cách bài bản, nghiêm túc, đi vào thực chất.
Mai Thanh – Cao Cường
Theo