(Xây dựng) - Phát triển hạ tầng thương mại là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp mở rộng thị trường. Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/02/2012 về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 16/NQ-CP ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW.
Bán buôn – bán lẻ là một trong những lĩnh vực cốt lõi trong Quy hoạch phát triển ngành thương mại thành phố đến năm 2025. |
Trong đó, chỉ đạo tập trung đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, các siêu thị và trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm tại các trung tâm sản xuất và tiêu thụ hàng hoá lớn như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đắk Lắk và các đô thị có cảng cửa ngõ, các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu và các trung tâm vùng khác; tập trung đầu tư phát triển các chợ đầu mối nông sản, các trung tâm phân phối lớn, trung tâm bán buôn theo nhóm hàng nông sản, các cửa hàng tiện lợi ở nông thôn, các cửa hàng chuyên doanh, siêu thị và trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm tại các thành phố tỉnh lỵ.
Theo đó, ngành Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố và đang thực hiện Quy hoạch phát triển ngành thương mại Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng năm 2030, theo Quyết định 1891/QĐ-UBND ngày 8/5/2018 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh (Quyết định 1891).
Đây là đòn bẩy quan trọng để định hướng phát triển ngành thương mại, cũng như tạo nền tảng cơ sở cho doanh nghiệp, nhà bán lẻ hoạch định chiến lược phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Theo Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, Quy hoạch phát triển ngành thương mại thành phố đến năm 2025, định hướng năm 2030 dựa trên 4 lĩnh vực cốt lõi, gồm: xuất khẩu, hậu cần (logistics), hội chợ triển lãm và lĩnh vực bán buôn - bán lẻ.
Đây cũng là những lĩnh vực được xác định có lợi thế cạnh tranh để phát triển bền vững, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Cụ thể, trong giai đoạn năm 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt từ 8,55 - 11,53%/năm; giai đoạn năm 2021 - 2025 từ 10,89 - 14,02%/năm; giai đoạn năm 2026 - 2030 từ 6,82 - 9,06%/năm.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng quy hoạch tỷ trọng bán lẻ hàng hóa theo các loại hình phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị...) năm 2020 đạt tối thiểu 40%, năm 2025 đạt 50% và năm 2030 đạt 60%.
Những năm gần đây, ghi nhận trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ mạng lưới chợ truyền thống cho đến kênh phân phối hiện đại đều đã hình thành nên những chuỗi thương hiệu phân phối, bán lẻ văn minh.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, bám sát quan điểm, chủ trương, định hướng của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh là phát triển chợ truyền thống văn minh, khuyến khích đa dạng loại hình phân phối hiện đại, đẩy mạnh phân phối hàng hóa chất lượng, truy xuất được nguồn gốc, giá cả cạnh tranh đến tay người dân...
Theo đó, thói quen mua sắm của người tiêu dùng từng bước chuyển hướng văn minh, tiến tới xóa bỏ các điểm – khu vực kinh doanh tự phát hoạt động trên lòng, lề đường, gây an ninh trật tự giao thông và ảnh hưởng đến vẻ mỹ quan đô thị của thành phố.
Thống kê trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, hiện tại hệ thống phân phối, gồm: 238 chợ (3 chợ đầu mối; 14 chợ hạng I; 52 chợ hạng II; 169 chợ hạng III), 206 siêu thị (55 siêu thị hạng I; 72 siêu thị hạng II; 79 siêu thị hạng III), 49 trung tâm thương mại (20 trung tâm hạng I; 6 trung tâm hạng II; 23 trung tâm hạng III) và 2.656 cửa hàng tiện lợi.
Đối với chợ truyền thống đã hình thành lâu đời, có mặt tại khắp 24 quận huyện trên địa bàn thành phố và vẫn đóng vai trò quan trọng là một phần không thể thiếu của người dân và là nơi khá gần gũi để người tiêu dùng đến tìm mua những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày.
Để chợ truyền thống tiếp tục khẳng định vị trí, thu hút được người dân đến mua sắm, ngành Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh quy hoạch và quản lý chợ gắn với phát triển du lịch, định hướng chuyển đổi các mô hình quản lý chợ...
Điển hình, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện xây dựng mô hình quản lý chợ theo kiểu mới, phát triển đa dạng mô hình quản lý chợ văn minh thương mại; công tác quản lý nguồn hàng, ngành hàng, nhãn mác, thời hạn sử dụng của các sản phẩm bán tại chợ...
Song song đó, tăng cường công tác quản lý về an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, buôn bán tự phát ở khu vực xung quanh chợ…
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại theo hướng văn minh hiện đại, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương rà soát, triển khai phát triển mạnh mẽ hạ tầng thương mại theo các quy hoạch, kế hoạch, chiến lược, trong đó chú trọng tới các hạ tầng chợ (chợ đầu mối); trung tâm logistics..., sử dụng nguồn lực hợp lý để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung ưu tiên phát triển các loại hình hạ tầng thương mại có tính lan tỏa, có tác động đáng kể hỗ trợ sản xuất lưu thông. Quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại thiết yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan tới phát triển hạ tầng thương mại khi các cơ chế, chính sách hiện nay chưa có tính đột phá để hỗ trợ cho phát triển hạ tầng thương mại nói chung, đặc biệt là các loại hình cần tập trung phát triển trong thời gian tới như hạ tầng logistics, chợ đầu mối.
Cụ thể, sửa đổi và hoàn thiện các văn bản liên quan đến phát triển các loại hình hạ tầng thương mại, trước mắt là sửa đổi Nghị định số 02/2003/NĐ-CP, Nghị định số 114/2009/NĐ-CP về phát triển quản lý chợ.
Phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung một số chính sách liên quan nhằm hỗ trợ, khuyến khích công tác đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại. Phối hợp hoàn thiện, các chính sách về đầu tư công theo hướng tạo điều kiện để ngân sách nhà nước đặc biệt là ngân sách địa phương đầu tư, cải tạo nâng cấp các chợ hiện có đã xuống cấp.
Cuối cùng là tập trung thu hút, khuyến khích phát triển đối với một số loại hình hạ tầng thương mại có tính lan tỏa, tác động lớn đến sản xuất lưu thông như đối với phát triển Trung tâm logistic (phục vụ cho bán buôn, bán lẻ, đồng bộ, hiện đại áp dụng công nghệ cao), chợ đầu mối… Trước mắt, cần có sự thống nhất về quan điểm phát triển từ Trung ương tới địa phương để rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách nhằm ưu tiên khuyến khích thu hút đầu tư phát triển cho phù hợp với thực tiễn và mang tính đột phá.
Ánh Dương
Theo