(Xây dựng) - Trong bối cảnh giá xăng dầu cao và nguy cơ lạm phát gia tăng vẫn là mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp và người dân, PV Báo điện tử Xây dựng đã tổng hợp nhận định của Tiến sĩ Phạm Công Hiệp - Giảng viên cấp cao kiêm Giám đốc chương trình Cử nhân Kinh doanh, Đại học RMIT về vấn đề này.
Tiến sĩ Phạm Công Hiệp - Giảng viên cấp cao kiêm Giám đốc chương trình Cử nhân Kinh doanh, Đại học RMIT |
Tiến sĩ Phạm Công Hiệp phân tích, người dân đang có tâm lý kém lạc quan dù lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát: chỉ số tiêu dung bình quân hai tháng đầu năm nay tăng gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái, tức là vẫn nằm trong mức lạm phát mục tiêu dưới 4% của Chính phủ cho năm 2022. Điều này có nghĩa là nó vẫn nằm trong mức cho phép, chưa gây tác động xấu quá mức đối với nền kinh tế và đời sống của người dân. Với người dân, lạm phát chỉ đơn giản là giá xăng tăng hay giảm.
Ông cho rằng, những lo ngại của người tiêu dùng không phải là không có căn cứ. Đầu tiên, sự lo ngại này có thể là do tâm lý của người tiêu dùng khi nhìn vào những nền kinh tế lớn hơn như Mỹ, Australia hay các nước châu Âu, những nơi đang phải đối phó với vấn nạn lạm phát tăng rất cao trong thời gian gần đây. Thêm nữa, đó là do những căng thẳng giữa Nga và Ukraine tác động trực tiếp đến giá năng lượng, đặc biệt là xăng dầu, chi phí logistics, giao thương.
Gía xăng dầu trên thế giới có nhiều biến động |
Nhưng đáng lưu ý hơn cả, việc tiêu thụ xăng dầu đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của rất nhiều hàng hóa tiêu dùng. Do đó, việc giá xăng dầu tăng cao thường khiến các sản phẩm tiêu dùng khác phải tăng giá theo. Điều đó tác động ngay lập tức đến chi tiêu của từng hộ gia đình. Và khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, những lo lắng của người tiêu dùng về các vấn đề lạm phát vẫn sẽ chưa được chấm dứt.
Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam cũng phải chịu áp lực lạm phát từ sự gia tăng đột biến của tổng cầu trong giai đoạn hậu Covid-19 trong khi chuỗi cung ứng chưa ổn định và nguồn cung hạn chế, dẫn đến khả năng khó đáp ứng mức tăng lớn của tổng nhu cầu từ người tiêu dùng.
Mặt khác, nền kinh tế Việt đang phục hồi, doanh nghiệp đang rộn ràng quay trở lại hoạt động sản xuất. Nếu tình trạng thiếu hụt lao động xảy ra cũng là một yếu tố khá quan trọng tác động tới lạm phát. Bởi thiếu hụt lao động, các doanh nghiệp phải tốn nhiều chi phí để tuyển dụng, đào tạo lao động.
Đối phó với giá cả và lạm phát, Tiến sĩ Hiệp cho rằng, cần chủ động nguồn cung trong nước, gia tăng tỉ lệ nội địa hóa cũng như tập trung phát triển thị trường nội địa trong bối cảnh căng thẳng thế giới leo thang; người dân cần có kế hoạch tiêu dùng hợp lý và chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho các kịch bản xấu hơn nếu như lạm phát gia tăng. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên bình tĩnh ứng phó và có kế hoạch hợp lý hơn là đầu cơ tích trữ có thể làm cho tình hình lạm phát trở nên nghiêm trọng hơn.
Một xu hướng quan trọng là chuyển hướng sang sử dụng năng lượng sạch và bền vững trong sản xuất và đời sống. Nguồn điện gió, mặt trời, xe chạy điện, trang thiết bị sản xuất sử dụng tiết kiệm năng lượng cũng như tự đảm bảo nguồn cung năng lượng cho sản xuất sẽ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực từ khủng khoảng xăng dầu như hiện nay.
Giải pháp cho mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2022
Giảng viên Đại học RMIT đề xuất: Trong ngắn hạn, Chính phủ có thể hạn chế cung tiền cũng như giảm quy mô các gói kích cầu hiện tại để hạn chế phần nào lạm phát trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, cần phải gia tăng kiểm tra vốn đầu tư công, tránh lãng phí, giám sát các doanh nghiệp nhà nước chặt chẽ, nhất là các đơn vị trong ngành năng lượng, nguyên vật liệu để hạn chế tối đa hiện tượng đầu cơ tích trữ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và an sinh xã hội.
Nhà nước cũng cần thực hiện linh hoạt chính sách tài khóa và tiền tệ, kiểm soát linh hoạt yếu tố gây biến động giá xăng dầu để giảm thiểu tác động xấu đối với tăng trưởng và lạm phát. Ngoài ra, việc xuất khẩu dầu thô cũng sẽ gia tăng đáng kể cho ngân sách Chính phủ năm nay khi giá dầu đang tăng giá mạnh. Vì vậy, Nhà nước có thể dùng một phần tiền này để giảm phí thuế trên giá xăng dầu hỗ trợ bình ổn giá xăng dầu trong nước để hạn chế lạm phát.
Giảm thuế, phí với xăng dầu cũng là một nỗ lực cần thiết từ Chính phủ nhằm kiểm soát lạm phát. Do đó, Chính phủ nên cân nhắc việc tính toán lại các loại thuế phí liên quan đến xăng dầu, đặc biệt là thuế bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cần có giải pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu từ sản xuất trong nước, tăng dự trữ xăng dầu nhập khẩu để điều tiết khi cần, Tiến sĩ Phạm Công Hiệp chia sẻ.
Thu Hằng
Theo