Xuất khẩu gạo tại Đồng bằng song Cửu Long
Ðặc trưng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 là giá tăng ở tất cả 10/10 nhóm hàng tham gia tính chỉ số giá. Trong đó, các nhóm hàng có chỉ số tăng giá cao là phương tiện đi lại và bưu điện: 1,8%; Ðồ dùng và dịch vụ khác: 1,44%, nhà ở và vật liệu xây dựng: 0,97%, thiết bị và đồ dùng gia đình: 0,51%; các nhóm hàng còn lại tăng từ 0,03% đến 0,31%. Tuy nhiên, xét theo mặt hàng thì có những biến động trái chiều nhau; có loại hàng hóa giá tăng, có loại giá giảm và có loại tương đối ổn định. Cụ thể: Trong nhóm hàng lương thực - thực phẩm, giá gạo tẻ thường giảm 0,48%, gạo tẻ ngon giảm 0,3%, các mặt hàng lương thực chế biến tương đối bình ổn; giá thịt lợn giảm 0,88% nhưng thịt bò tăng 0,97%, thịt gia cầm tăng 1,31%, rau các loại tăng 0,95%. Trong nhóm hàng nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng, thì giá tăng ở một số mặt hàng như điện phục vụ sinh hoạt: 2,31%, nước phục vụ sinh hoạt tăng 1,61%, vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,84% nhưng chất đốt chung lại giảm 0,93%. Trong nhóm hàng thiết bị và đồ dùng gia đình, giá tăng chủ yếu ở một số đồ dùng gia đình như: Giường, tủ, bàn ghế, vật dụng tiêu dùng... Trong nhóm phương tiện đi lại và bưu điện thì giá tăng chủ yếu ở các mặt hàng: Nhiên liệu tăng 3,92%, bưu chính-viễn thông tăng 1,92% (trong đó mặt hàng tem thư tăng tới 31,82%). Trong nhóm đồ dùng và dịch vụ khác, thì đồ dùng cá nhân tăng 0,2%; dịch vụ hiếu, hỷ tăng 0,34%; bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tăng 7,47%...
Trong những nguyên nhân tác động đẩy CPI tăng, có cả nguyên nhân tác động kéo giá thị trường theo xu hướng ổn định và có cả nguyên nhân tác động đẩy giá thị trường tăng tác động đan xen. Tuy nhiên, những nhân tố tác động đẩy giá thị trường vận động theo xu thế tăng có tác động mạnh hơn, cụ thể: Giá thế giới của nhiều loại hàng hóa dịch vụ mà nước ta có xuất nhập khẩu tuy có loại giảm nhẹ nhưng nhiều loại giá vẫn tăng so với tháng 4-2009 như: phôi thép: +4%; xăng dầu thành phẩm: +8%-19%, clanh-ke: +9,12%, sợi các loại: +0,52%, hạt tiêu: +3,57%, than đá: +4,95%... Chương trình kích cầu của Chính phủ tiếp tục được triển khai mạnh và đã bắt đầu phát huy hiệu quả, sức mua đối với nhiều loại hàng hóa tiếp tục được cải thiện theo hướng tăng như xi-măng, thép xây dựng, máy thiết bị... Nhiều chương trình khuyến mãi mua bán hàng hóa, tham quan, du lịch được tổ chức để tăng sức mua hàng tiêu dùng. Mặt khác, trong tháng có nhiều ngày nghỉ nhân dịp lễ 30-4 và 1-5, nhu cầu và sức mua có khả năng thanh toán tăng mạnh hơn những ngày bình thường, thị trường hàng hóa dịch vụ diễn ra sôi động hơn đã gây sức ép tăng giá, nhất là các dịch vụ đi lại, vui chơi, giải trí... Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội trong tháng 5 đạt 91.837 tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng 4, đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội 5 tháng đầu năm 2009 đạt 452.266 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ (nếu loại trừ yếu tố tăng giá, mức tăng này là 8,4%).
Hoạt động của thị trường tài chính tiền tệ diễn ra khá sôi động, đã tác động đến thị trường hàng hóa dịch vụ. Tổng phương tiện thanh toán và đầu tư tín dụng có xu hướng tăng do tiền ra lưu thông nhiều hơn khi Nhà nước thực hiện các chính sách kích cầu thông qua việc cho doanh nghiệp vay vốn, hỗ trợ lãi suất, đến ngày 21-5 đã giải ngân 301.381 tỷ đồng. Quá trình đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư; tăng lương tối thiểu thêm 20,37%; tăng thêm 5% đối với lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng... cũng góp phần làm tăng giá. Mặc dù các giải pháp của Chính phủ đang thực hiện như: Giảm, giãn, hỗ trợ lãi suất... đã trực tiếp tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp, nhưng tỷ giá tăng đã làm tăng giá vốn nhập khẩu hàng hóa... Các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa dịch vụ tiếp tục thực hiện cơ chế giá thị trường: Ðiều chỉnh tăng giá xăng, dầu, giá thép, giá nước sinh hoạt, giá đường, thức ăn chăn nuôi.
Những tháng còn lại của năm 2009, tình hình kinh tế, tài chính, thị trường, giá cả còn tiềm ẩn nhiều biến động phức tạp, khó lường do tác động của suy thoái kinh tế thế giới. Tuy nhiên, kinh tế thế giới đang xuất hiện những dấu hiệu khả quan, nhu cầu nguyên nhiên vật liệu sẽ tăng. Mặt khác, giá cả hàng hóa sẽ còn diễn biến phức tạp. Tình hình đó sẽ tác động tiêu cực đến cả bốn mục tiêu kinh tế vĩ mô của nước ta: Tăng trưởng kinh tế, kiểm soát giá cả, tạo việc làm và xuất khẩu. Song hành với những diễn biến bất lợi từ bên ngoài, nền kinh tế trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp; thu ngân sách giảm, bội chi ngân sách tăng; tổng cầu của nền kinh tế tăng khi thực hiện mục tiêu ngăn chặn đà suy giảm kinh tế; nhu cầu tiêu dùng và sức mua có khả năng thanh toán của các tầng lớp dân cư tăng dần, nhất là vào quý IV cùng với nguy cơ tái lạm phát. Trước biến động phức tạp đó, cần tiếp tục thực thi có hiệu quả hơn nữa các giải pháp đồng bộ với các trọng tâm sau:
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường trong nước, mở rộng xuất khẩu, giải quyết tốt khâu tiêu thụ hàng hóa, giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Thực hiện có hiệu quả các gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng, ngăn chặn suy giảm kinh tế, khôi phục đà tăng trưởng kinh tế, góp phần tái cơ cấu kinh tế có hiệu quả. Thực hiện chính sách tài chính tích cực, tiếp tục thực hiện một số biện pháp điều chỉnh về thuế để "khoan sức dân". Tiếp tục thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, các tầng lớp nhân dân vượt qua khó khăn. Ðiều hành các công cụ của chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá thận trọng, linh hoạt theo tín hiệu thị trường, phù hợp mục tiêu kích cầu, khuyến khích sản xuất, xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu. Triển khai nhanh và có hiệu quả việc hỗ trợ lãi suất vay vốn để đẩy nhanh đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; mở rộng hình thức hỗ trợ lãi suất vay cố định nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng thời cơ khi giá thị trường thế giới đang thấp để đầu tư trang thiết bị, công nghệ, tăng năng lực sản xuất. Tiếp tục thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước đối với các mặt hàng: Xăng, dầu, điện, than, nước sinh hoạt, cước vận chuyển hành khách bằng xe buýt... đi đôi với chính sách hỗ trợ khó khăn đối với sản xuất và đời sống. Khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức khuyến mại, giảm giá bán hàng trên cơ sở được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Kiểm soát chặt chẽ các phương án giá hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá, giá sản phẩm công ích, giá hàng dự trữ quốc gia, hàng hóa được trợ cước, trợ giá, giá hàng hóa dịch vụ độc quyền; các hàng hóa dịch vụ thuộc diện bình ổn giá, đăng ký giá. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, đầu cơ, găm hàng, buôn lậu, gian lận thương mại và tăng giá bất hợp lý.
Nguyễn Tiến Thoả
Cục trưởng Quản lý giá - Bộ Tài chính
Theo baoxaydung.com.vn