(Xây dựng) - Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại lòng hồ thuỷ điện Ialy, vùng giáp ranh giữa tỉnh Gia Lai và Kon Tum đang diễn biến phức tạp. Trước tình hình này, UBND tỉnh Gia Lai đề nghị tỉnh Kon Tum phối hợp xử lý theo quy của pháp luật.
Bãi tập kết cát tại bờ hồ thủy điện Ialy thuộc thị trấn Ialy, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. |
Thủy điện Ialy là công trình có quy mô lớn, nằm giáp ranh giữa tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Lòng hồ thủy điện Ialy rộng 64,5km2, dung tính chết 258,07 triệu m3, dung tính hữu ích 779,02 triệu m3, phần lớn nằm trên địa phận huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, thuộc lưu vực sông Pô Kô và Đăk Bla, phần còn lại giáp với huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Ngay tại khu vực giáp ranh giữa Gia Lai và Kon Tum thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép.
Theo UBND tỉnh Gia Lai, Bộ Công Thương đã cấp phép cho một số đơn vị nạo vét tại lòng hồ thủy điện Ialy, nằm trong khu vực giáp ranh giữa huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai và huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Tình hình khai thác khoáng sản trái phép trong khu vực này đang trở nên phức tạp hơn. Công tác quản lý các bến bãi, tàu, thuyền neo đậu, cũng như việc theo dõi, giám sát, phát hiện và xử lý hành vi khai thác cát trái phép trên lòng hồ giáp ranh ngày càng gặp khó khăn.
Các đối tượng khai thác cát trái phép tại vùng giáp ranh, khi phát hiện lực lượng chức năng của Kon Tum kiểm tra thì bỏ trốn về phía Gia Lai. Nên để xử lý có hiệu quả, cần có lực lượng chức năng của cả 2 tỉnh cùng lúc phối hợp để truy bắt.
Các đối tượng khai thác cát trái phép tại vùng giáp ranh, nên rất khó xử lý |
Ông Dương Mah Tiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, đã có văn bản chính thức gửi UBND tỉnh Kon Tum và Công an tỉnh Kon Tum, đề nghị phối hợp thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực giáp ranh của hai tỉnh.
Nhằm đưa ra giải pháp hữu hiệu và tuân thủ quy chế phối hợp đã được ký kết vào năm 2017 về quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản trong khu vực giáp ranh, UBND tỉnh Gia Lai đã đề xuất UBND tỉnh Kon Tum hợp tác, chỉ đạo cơ quan chức năng và hướng dẫn đơn vị cùng hợp tác với Công an tỉnh Gia Lai để thành lập tổ công tác hoặc xây dựng phương án đấu tranh và phòng chống khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực lòng hồ giáp ranh.
Đồng thời, UBND tỉnh Gia Lai giao nhiệm vụ cho Công an tỉnh Gia Lai chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng của tỉnh Kon Tum thành lập tổ công tác hoặc triển khai phương án thực hiện nhiệm vụ đấu tranh và phòng chống khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực lòng hồ giáp ranh. Đồng thời, chủ động báo cáo và tham mưu UBND tỉnh, nhằm đảm bảo xử lý kịp thời những nội dung vượt thẩm quyền.
Theo thông tin tìm hiểu của phóng viên, UBND tỉnh Kon Tum đã cấp 3 giấy phép nạo vét lòng hồ thủy điện Ialy, gồm: Công ty TNHH Nguyên Hưng (số 584/GP-UBND ngày 15/6/2020), Công ty TNHH Tài nguyên môi trường Hoàng Long (số 243/GP-UBND ngày 30/3/2017) và Công ty TNHH MTV T&D Kon Tum (số 708/GP-UBND ngày 26/7/2017).
Ngày 11/10, Bộ Công Thương đã cấp Giấy phép số 511/GP-BCT cho Công ty TNHH MTV Khang Minh Đạt, có trụ sở tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, với phạm vi hoạt động bảo vệ đập và hồ chứa thủy điện Ialy. Được phép khai thác nạo vét cát, sỏi bồi lắng và xây dựng bãi chứa cát, sỏi.
UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan tiến hành kiểm tra và giám sát nghiêm ngặt. Đồng thời, nghiêm cấm lợi dụng việc nạo vét lòng hồ và khơi thông luồng nước để khai thác khoáng sản trái pháp luật.
Trước đó, Báo điện tử Xây dựng đăng bài viết: “Gia Lai: “Núp bóng” nạo vét lòng hồ thủy điện Ialy để khai thác cát trái phép”, bài báo phản ánh tình trạng khai thác cát lậu công khai, diễn ra trong một thời gian dài nhưng chính quyền địa phương không phát hiện, ngăn chặn kịp thời, đã làm thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản, thất thu thuế Nhà nước.
Bá Tứ
Theo