(Xây dựng) - UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các Sở, ngành tập trung khắc phục và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024 và các năm tiếp theo. Đây là bước đi quan trọng nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Gia Lai phấn đấu đẩy mạnh nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. |
Theo Kế hoạch số 2700/KH-UBND của UBND tỉnh Gia Lai, nhấn mạnh mục tiêu nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, tăng cường phục vụ doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đồng thời củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào hệ thống chính quyền. Với các giải pháp cụ thể, tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu lọt vào nhóm 30 tỉnh, thành có chỉ số PCI cao nhất trong năm 2024.
Việc cải thiện chỉ số PCI không chỉ giúp doanh nghiệp tại địa phương phát triển mà còn góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động kinh tế-xã hội, nâng cao vị thế của Gia Lai trong bản đồ đầu tư cả nước.
Để hiện thực hóa mục tiêu, UBND tỉnh đã đề ra 6 nhóm giải pháp chiến lược, bao gồm: Giảm chi phí không chính thức và minh bạch hóa thanh tra, kiểm tra: Tỉnh cam kết thực hiện nghiêm túc các biện pháp nhằm giảm thiểu gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng.
Nâng cao tính năng động của chính quyền: Tăng cường tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công, hạn chế tối đa tình trạng nhũng nhiễu hoặc thiếu chuyên nghiệp.
Hỗ trợ đầu tư và doanh nghiệp: UBND tỉnh sẽ nghiên cứu thành lập tổ công tác chuyên trách hỗ trợ đầu tư và doanh nghiệp. Đồng thời, các hoạt động đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp sẽ được tổ chức thường xuyên hơn, hiệu quả hơn nhằm giải quyết những khó khăn thực tế mà doanh nghiệp gặp phải.
Hỗ trợ tiếp cận vốn và xây dựng thương hiệu: Tỉnh sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn và các nguồn lực cần thiết nhằm phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Ứng dụng công nghệ số và chính quyền điện tử: Gia Lai sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số và chia sẻ dữ liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận thông tin và thực hiện các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Tăng cường tương tác và kết nối: Một trong những trọng tâm của kế hoạch là thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân, từ đó xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện.
Với kế hoạch này, Gia Lai không chỉ khẳng định quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư mà còn hướng tới xây dựng một chính quyền năng động, hiện đại, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp. Đây là nền tảng vững chắc để tỉnh Gia Lai thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế-xã hội, góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy sự phát triển bền vững trong tương lai.
Bá Tứ
Theo