Thứ sáu 26/04/2024 19:48 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Eximbank: Tranh cãi tính pháp lý của Nghị quyết số 231

20:41 | 13/05/2021

(Xây dựng) – Kết luận thanh tra số 4661/KL-TTGSNH2, ngày 18/12/2020 của Ngân hàng Nhà nước (SBV) về việc thanh tra pháp nhân Ngân hàng Eximbank (EIB) từ ngày 1/1/2017 - 30/9/2019, đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại các cuộc họp HĐQT và kiến nghị EIB phải hủy, thu hồi các Nghị quyết đã được ban hành trái pháp luật.

eximbank tranh cai tinh phap ly cua nghi quyet so 231
Hàng loạt sai phạm của HĐQT EIB đã được Ngân hàng Nhà nước chỉ ra.

Mang dấu ra khỏi trụ sở để đóng vào văn bản “mật”

Trước những mâu thuẫn không được giải quyết triệt để trong nội bộ, từ năm 2019 đến nay, EIB không tổ chức được đại hội cổ đông và cũng không có Tổng giám đốc và đại diện theo pháp luật, 8/9 thành viên HĐQT đã quá nhiệm kỳ (2015 - 2020) bị cổ đông đòi bãi nhiệm. Trong khi đó, danh sách dự kiến bầu HĐQT nhiệm kỳ mới đã được Ngân hàng Nhà nước thông qua chỉ có 4 người.

Theo một nhóm cổ động của EIB cho biết, chỉ riêng trong ngày 8/3/2019, Chủ tịch HĐQT Lê Minh Quốc đã chỉ đạo ông Nguyễn Minh Tuấn – Giám đốc khối hỗ trợ “áp tải” bà Nguyễn Thị Kiều Nga – Tổ trưởng Văn thư mang con dấu ra khỏi trụ sở EIB 2 lần để đóng dấu vào tổng cộng 3 bộ hồ sơ, mỗi bộ gồm 4 văn bản, mỗi văn bản có 3 trang, đều là những văn bản “khẩn, mật” do chính ông Lê Minh Quốc tạo lập mà không thông qua HĐQT, chưa có sự “chấp thuận bằng văn bản của Tổng Giám đốc và bảo vệ đi cùng” là vi phạm nghiêm trọng Quy định về quản lý và sử dụng con dấu của EIB theo Quyết định số 1899/2012/EIB/QĐ-TGĐ của Tổng Giám đốc EIB.

Ban Kiểm toán nội bộ đã yêu cầu ông Nguyễn Minh Tuấn, bà Nguyễn Thị Kiều Nga viết tường trình, tuy nhiên chỉ có bà Nguyễn Thị Kiều Nga viết tường trình sự việc nêu bị ông Tuấn ép phải khai gian dối là không mang con dấu ra ngoài trụ sở EIB, còn ông Nguyễn Minh Tuấn không thực hiện yêu cầu của Ban Kiểm toán nội bộ.

Sau khi nhận được báo cáo của Trưởng Ban Kiểm toán Nội bộ EIB, ngày 12/3/2019, Ủy ban Quản lý rủi ro của SBV đã triệu tập cuộc họp khẩn làm việc với ông Lê Minh Quốc, ông Nguyễn Minh Tuấn và bà Nguyễn Thị Kiều Nga. Sau khi ông Nguyễn Minh Tuấn và bà Nguyễn Thị Kiều Nga thừa nhận toàn bộ sự việc thì ông Lê Minh Quốc mới công nhận là đã chỉ đạo ông Nguyễn Minh Tuấn và bà Nguyễn Thị Kiều Nga mang dấu ra ngoài trụ sở để đóng vào các văn bản do ông lập nhưng nhất định không chịu giao các tài liệu đã đóng dấu trái phép cho HĐQT để làm rõ sự việc.

Trước thái độ bất hợp tác của ông Lê Minh Quốc, Ủy ban Quản lý rủi ro đã đề nghị Tổng Giám đốc EIB (khi đó là ông Lê Văn Quyết) ban hành văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền để hỗ trợ EIB làm rõ.

Ngày 13/3/2019, Tổng Giám đốc EIB đã ký 3 văn bản “khẩn” gửi các cơ quan có thẩm quyền báo cáo vụ sử dụng con dấu trái phép và đề nghị các cơ quan này “hỗ trợ EIB làm rõ sự việc và có biện pháp hỗ trợ cần thiết để tránh gây rủi ro cho EIB nói riêng và toàn bộ hệ thống tín dụng nói chung”.

Tuy nhiên, theo đơn tố cáo của các cổ đông, cho đến thời điểm này vụ việc vẫn chưa sáng tỏ và ông Lê Minh Quốc nguyên là Chủ tịch EIB vẫn không chịu nộp lại các văn bản đã đóng dấu trái pháp luật, đồng nghĩa nguy hiểm cho EIB và cả hệ thống ngân hàng vẫn đang hiện hữu khi chưa thể xác định được nội dung các văn bản kia.

“Mặc nhiên” vẫn là Chủ tịch HĐQT EIB

Sau sự việc mang dấu ra khỏi trụ sở 10 ngày, vào ngày 22/3/2019, HĐQT EIB đã họp với 7/10 thành viên tham dự và thông qua Nghị quyết số 112 bãi nhiệm chức Chủ tịch HĐQT của ông Lê Minh Quốc và bầu bà Lương Thị Cẩm Tú làm Chủ tịch HĐQT.

Ngày 25/3/2019, HĐQT ban hành Nghị quyết số 117, thông qua 2 nội dung: Gia hạn hợp đồng lao động đối với Tổng Giám đốc Lê Văn Quyết; Thông qua và có lộ trình thực hiện ngay 11 khuyến nghị của tư vấn độc lập về các vấn đề của EIB. Đây cũng là nội dung mà sau này cổ đông chiến lược của EIB là Ngân hàng Sumitomo kiến nghị, trong đó nhấn mạnh nội dung “thanh lọc HĐQT”, nhưng bị nhóm 6/10 thành viên HĐQT trong đó có ông Lê Minh Quốc nhiều lần từ chối trái pháp luật.

Tuy nhiên, Nghị quyết số 117 đã không được thực hiện vì ông Lê Minh Quốc đã có đơn khởi kiện và đề nghị Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (TAND) áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tạm dừng thực hiện Nghị quyết số 112. Đến ngày 27/3/2019, TAND Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tạm dừng việc thực hiện Nghị quyết 112. Như vậy, ông Lê Minh Quốc “mặc nhiên” vẫn trở lại là Chủ tịch HĐQT EIB.

Với vị trí Chủ tịch HĐQT EIB vừa lấy lại, ông Lê Minh Quốc không thực hiện Nghị quyết số 117, đồng thời ký ngay văn bản từ chối kiến nghị của Ngân hàng Sumitomo, dù không đúng thẩm quyền.

Việc làm này của ông Lê Minh Quốc với vị trí là Chủ tịch HĐQT EIB đã khởi đầu cho tình trạng của EIB không có Tổng Giám đốc và người đại diện theo pháp luật cho đến tận thời điểm hiện nay.

Tham vọng “lật ngược thế cờ”

Ngày 14/5/2019, ông Lê Minh Quốc “bất ngờ” rút đơn khởi kiện, theo đó, TAND Thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định hủy bỏ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với Nghị quyết số 112, có hiệu lực ngay trong ngày 14/5/2019. Tuy nhiên, phải tới 16h ngày 15/5 mới đến EIB – tức là sau 1 tháng.

Và trong thời gian 1 tháng này, ngày 15/5/2019 đã diễn ra cuộc họp HĐQT của EIB với 8/10 thành viên tham dự, ông Đặng Anh Mai – Phó Chủ tịch HĐQT được bầu làm Chủ tọa. Theo Biên bản cuộc họp HĐQT EIB ngày 15/5/2019, gồm có 2 nội dung làm việc: Xem xét Nghị quyết số 112 và thay đổi lãnh đạo.

Vì trước khi cuộc họp diễn ra 1 ngày, ông Lê Minh Quốc đã có đơn từ nhiệm, theo đó tại cuộc họp ngày 15/5/2019, đã có 8/10 thành viên đã biểu quyết đồng ý: Chấm dứt hiệu lực của Nghị quyết 112 và chấp thuận cho ông Lê Minh Quốc từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT EIB.

Do “phát sinh” ý kiến nội dung cuộc họp thay đổi vì có Đơn từ nhiệm nên cần xin ý kiến của 2 thành viên HĐQT vắng mặt, nên Chủ tọa cuộc họp là ông Đặng Anh Mai đành tạm dừng cuộc họp để cùng Văn phòng HĐQT lập văn bản xin ý kiến.

Và trong thời gian tạm dừng cuộc họp, đúng lúc Chủ tọa cuộc họp là ông Đặng Anh Mai cùng 2 thành viên rời phòng họp, thì ông Lê Minh Quốc cùng 4/8 thành viên HĐQT còn lại đã tự ý ký vào “Biên bản cuộc họp”, và với tư cách là Chủ tịch HĐQT EIB cộng với lý do “căn cứ nội dung biên bản”, ông Lê Minh Quốc ký ngay Nghị quyết số 231 chỉ có duy nhất 1 nội dung: “chấm dứt hiệu lực của Nghị quyết số 112”, mà không có nội dung “chấp thuận cho ông Lê Minh Quốc từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT”. Để ngay sau đó, ông Nguyễn Cảnh Vinh – Phó Tổng Giám đốc EIB (người mà 5 ngày sau, được nhóm 6/10 thành viên HĐQT EIB thống nhất bổ nhiệm Quyền Tổng Giám đốc EIB) lập tức cho đóng dấu phát hành Nghị quyết số 231 vào thời điểm 13h29’, trước thời điểm EIB nhận được Quyết định của TAND Thành phố Hồ Chí Minh “hủy phong tỏa” Nghị quyết số 112 (vào ngày 22/3/2019, HĐQT EIB đã họp với 7/10 thành viên tham dự và thông qua Nghị quyết số 112 bãi nhiệm chức Chủ tịch HĐQT của ông Lê Minh Quốc và bầu bà Lương Thị Cẩm Tú làm Chủ tịch HĐQT).

Trước sự việc này, Chủ tọa Đặng Anh Mai đã gửi Văn bản “khẩn” đến tất cả các thành viên HĐQT EIB cùng Ban Kiểm soát, Ban Điều hành khẳng định: “Cuộc họp HĐQT EIB chưa kết thúc, Biên bản cuộc họp chưa được lập và chưa được thông qua bởi Chủ tọa và tất cả thành viên tham dự.

Bên cạnh đó, TAND Thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định hủy bỏ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với Nghị quyết số 112 có hiệu lực ngay trong ngày 14/5/2019, đồng nghĩa với việc Nghị quyết số 112 tiếp tục thực hiện và ông Lê Minh Quốc không còn là Chủ tịch HĐQT. Vì vậy, việc ông Lê Minh Quốc tự ý ký Nghị quyết số 231 là không đúng thẩm quyền, không có hiệu lực và không có giá trị pháp lý. Chủ tọa đề nghị các thành viên HĐQT EIB tiếp tục tham dự cuộc họp HĐQT nói trên vào lúc 10h00 ngày 16/5/2019.

Chủ tọa Đặng Anh Mai cũng quyết liệt yêu cầu phải nộp lại “Biên bản” cuộc họp HĐQT EIB ngày 15/5/2019 và “Nghị quyết số 231”, nhưng ông Lê Minh Quốc tiếp tục bất hợp tác. Hôm sau, cuộc họp không thể tiếp diễn, bởi cả 3/5 thành viên ký Biên bản cuộc họp HĐQT ngày 15/5/2019 đều vắng mặt.

Với lợi thế chiếm đa số ghế trong HĐQT của nhóm cổ đông bao gồm ông Lê Minh Quốc, Nghị quyết số 231 vẫn có hiệu lực, gây tranh chấp kéo dài và lan rộng từ HĐQT ra cả đại hội cổ đông. Và hệ lụy là đại hội đồng cổ đônng bất thành, HĐQT bị phân rã thành 2 nhóm.

Với những lùm xùm diễn ra kéo dài nhiều năm, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức thanh tra pháp nhân EIB từ ngày 1/1/2017-30/9/2019. Kết luận thanh tra của Ngân hàng Nhà nước đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại nhiều cuộc họp HĐQT và kiến nghị EIB phải hủy, thu hồi các Nghị quyết đã được ban hành trái pháp luật, tuy nhiên cho đến nay, chưa có Nghị quyết nào được hủy, thu hồi.

Thanh Nga

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load