Những bài toán về phát triển kinh tế, an sinh xã hội, nạn thất nghiệp và cả nguy cơ dịch trở lại đang ở phía trước..
Tính đến thời điểm này, đã 17 ngày, Việt Nam chúng ta không có ca lây nhiễm Covid 19 mới.
Dù không hão huyền, ảo tưởng hay chủ quan, song cũng không thể không tự hào, rằng, Việt Nam là một trong số quốc gia hiếm hoi đã chiến thắng “giặc Covid 19”, một loại “giặc” vô cùng nguy hiểm đang hoành hành khắp nơi trên thế giới.
Nhìn lại những thời khắc đã qua, không khỏi giật mình. Đó là thời điểm hơn mười ngày sau những ca dương tính đầu tiên tại Vĩnh Phúc, chúng ta phát hiện ca nhiễm thứ 17 và một loạt ca lây nhiễm khác ở trung tâm Hà Nội. Sau xã Sơn Lôi (Vĩnh phúc), phố Trúc Bạch bị phong tỏa.
Rồi tiếp theo, dịch bùng phát tại Quán cà phê Bupda ở TP HCM, ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai cùng với hàng chục ca dương tính “nhập khẩu” theo chân hàng vạn người Việt về nước…
Song, kinh hoàng nhất là thời điểm cách ly xã hội trên cả nước để đương đầu với thời gian vàng 14 ngày theo lệnh của Thủ tướng Chính phủ.
Giờ đây, có thể khẳng định, Việt Nam đã chiến thắng “giặc Corona 2” một cách ngoạn mục. Dịch bệnh cơ bản được khống chế với “giá thành” thấp nhất, an sinh xã hội đảm bảo, giá cả thị trường không tăng đột biến…
Câu hỏi đặt ra, là vì sao chúng ta lại có được những thành công như vậy?
Theo tôi, có 5 yếu tố rất cơ bản.
Thứ nhất, chúng ta đã có chủ trương đúng, đánh giá đầy đủ sự nguy hiểm của Covid 19, chủ động ứng phó một cách sớm nhất đồng thời phổ biến qua hệ thống thông tin truyền thông và mạng xã hội một cách trung thực, chính xác đến từng người dân.
Thứ hai, sự quyết liệt của Chính phủ với khấu hiệu “Chống dịch như chống giặc” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chấp nhận thiệt hại về kinh tế để đảm bảo an toàn tính mạng người dân.
Thứ ba, sự tham gia quyết liệt của các bộ, ngành, đặc biệt là lực lượng vũ trang cùng với đội ngũ y bác sĩ nhiều kinh nghiệm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của “tư lệnh chiến trường” là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Thứ tư, huy động được lực lượng toàn dân. Qua lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, công cuộc phòng chống dịch bệnh Covid 19 đã trở thành “cuộc chiến tranh nhân dân”.
Thứ năm, có thể do cơ địa của người Việt giàu sức đề kháng cùng với sự may mắn, dịch bùng phát sau tết Nguyên đán nên ít nhiều hạn chế lây lan cộng với thời điểm thời tiết nước ta nắng ấm dần, không nhiều thuận lợi cho sự phát triển của Virus Covid 19.
Giờ đây, không chủ quan, song giả sử trường hợp xấu nhất, dịch bùng phát trở lại, cũng không đáng lo ngại nhiều lắm bởi tuy nhân loại chưa hiểu đầy đủ về con virus này cũng như chưa điều chế thành công vắc xin, song đã có những hiểu biết rất cơ bản.
Với chúng ta, người dân và đội ngũ thầy thuốc đã có ý thức và ít nhiều kinh nghiệm.
Về thời tiết Việt Nam, đây là thời điểm không còn thuận lợi cho loại virus này…
Song, như một cuộc chiến tranh.
Kết thúc cuộc chiến đã khó, khắc phục hậu quả cuộc chiến còn khó hơn rất nhiều.
Hàng loạt những bài toán về phát triển kinh tế, an sinh xã hội, nạn thất nghiệp và cả nguy cơ dịch bùng phát trở lại đang chờ đợi tất cả chúng ta.
Dẫu rằng “Đường xa nghĩ mỗi sau này mà kinh! - Kiều” nhưng không vì thế chùn bước mà phải biết “biến nguy thành cơ” như chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Đó là nhiệm vụ và cũng là mệnh lệnh với tất cả chúng ta lúc này.
Theo Bùi Hoàng Tám/Dantri.com.vn