Thứ hai 30/12/2024 03:03 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Đường bỗng hóa… mương giữa lòng thành phố Quảng Ngãi

20:50 | 12/10/2023

(Xây dựng) – Đi trên tuyến đường Lê Thánh Tôn – Cửa ngõ trung tâm thành phố Quảng Ngãi, ai ai cũng lắc đầu ngao ngán và thở dài khi chứng kiến cảnh chủ đầu tư và nhà thầu “3 phần bất lực - 7 phần loay hoay” với hơn 500m đường cải tạo.

Đường bỗng hóa… mương giữa lòng thành phố Quảng Ngãi
Đoạn đường cải tạo dang dở bị “ngâm” trong nước, cảnh công nhân hút nước khiến nhiều người… lắc đầu.

Nhiều ngày qua, thành phố Quảng Ngãi có mưa lớn diện rộng. Nhờ đó, phần nền đường Lê Thánh Tôn sau khi đào bóc lớp áo đường và thay thế lớp vật liệu đắp đã… hứng một lượng nước rất lớn. Nhằm không để nước mưa ứ đọng thành vũng và các lớp vật liệu cấu thành nền đường “ngậm” nước, nhà thầu thi công dự án là Công ty Cổ phần xây dựng công trình giao thông Quảng Ngãi đã huy động công nhân dùng cuốc vét mép đường, khơi dòng dẫn nước, rồi dùng máy bơm chìm tức tốc hút nước đẩy vào miệng cống, tiêu thoát nước.

Đường bỗng hóa… mương giữa lòng thành phố Quảng Ngãi
Máy bơm được bố trí “cứng” tại công trường để hút nước, chống ngập nền đường.

Theo một số người dân, thời điểm mưa lớn nước chảy thành dòng, nhưng không thể thoát được do toàn bộ mặt đường bị đào sâu, miệng cống cao hơn nền đường… nên một số “người mặc áo mưa” đã đập phá miệng hố thu nước cạnh bó vỉa, hòng tiêu thoát và giảm áp lực nước đổ về nền đường đang thi công.

Đường bỗng hóa… mương giữa lòng thành phố Quảng Ngãi
Nhiều miệng hố ga thoát nước của thành phố Quảng Ngãi đã bị “ai đó” đập phá, gây hư hại.
Đường bỗng hóa… mương giữa lòng thành phố Quảng Ngãi
Nước kéo theo đất, đá dăm trôi xuống hố thu, làm giảm công năng tiêu thoát nước của hệ thống cống.

Chỉ tay về phía công nhân đang hì hục bơm nước, một người dân sống trên mặt tiền đường Lê Thánh Tôn bực tức nói: “Họ canh mùa mưa đi đào cả con đường lên làm lại, chẳng hiểu tính toán kiểu gì mà dân hai bên đường phản ứng vì sinh hoạt, buôn bán bị đảo lộn, người đi đường thì bực dọc. Thi công một ngày nghỉ nhiều ngày kiểu này không biết tới Tết có đường đi chưa nữa?”.

Đường bỗng hóa… mương giữa lòng thành phố Quảng Ngãi
Sinh hoạt, buôn bán của người dân hai bên đường bị đảo lộn, người tham gia giao thông phải chật vật qua lại đường Lê Thánh Tôn.

Dù đã cố hết sức, ấy thế nhưng, do mưa lớn kéo dài trong khi công suất máy bơm lại có hạn, nên nước từ các lưu vực đổ về đã khiến nền đường Lê Thánh Tôn dang dở có lúc hóa thành… mương trước sự bất lực và loay hoay của nhóm công nhân. Chỉ đến khi mưa ngớt, phương án hút nước mới được thực hiện. Nhưng chưa hút được bao nhiêu thì cơn mưa khác ập tới, nhóm công nhân đành… thả tay và nền đường lại tiếp tục chìm trong nước, chu kỳ ấy lặp đi lặp lại nhiều lần.

Ghi nhận tại hiện trường cho thấy, công trường đã tạm ngưng do thời tiết không ủng hộ, xe máy thiết bị nằm chờ một bên. Biện pháp thi công được thực hiện là đào toàn bộ mặt đường hiện trạng, tổ chức thi công song song với việc đảm bảo giao thông. Một nửa mặt đường đã hoàn thiện lớp cấp phối đá dăm được sử dụng để xe cộ lưu thông tạm bị đọng nhiều vũng nước lớn, xuất hiện nhiều ổ gà trên nền mặt đường, người và phương tiện rất chật vật khi lưu thông qua đây.

Đường bỗng hóa… mương giữa lòng thành phố Quảng Ngãi
Công trình giao thông tối kỵ nước mưa đọng thành vũng trên mặt các lớp đào, lớp đắp đang thi công.

Nghiêm trọng hơn, phần mặt đường bên trái tuyến chưa được thi công đủ các lớp kết cấu theo thiết kế liên tục bị ngâm trong nước, bùn đất nhầy nhụa trộn lẫn cấp phối khắp mặt đường… nguy cơ nước ngấm sâu vào các lớp vật liệu đắp, làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình là hiện hữu.

Vội đi mua đồ ăn sáng cho vợ, nhưng một thanh niên sống ở phường Nghĩa Lộ vẫn quyết định dừng xe trên vỉa hè, rồi dõi theo cảnh công nhân tay cầm đầu ống, mắt hướng về phía máy bơm để canh nước: “Tôi cứ tưởng họ hút cạn nước để bắt con gì đó”, biết là không có kết quả mình mong đợi, nam thanh niên nói xong đề xe rời đi.

Đường bỗng hóa… mương giữa lòng thành phố Quảng Ngãi
Hiện trường thi công đang đặt chất lượng công trình đường Lê Thánh Tôn sau cải tạo, nâng cấp trước một dấu hỏi lớn.

Sau khi được phóng viên Báo điện tử Xây dựng cung cấp hình ảnh về hiện trạng dự án cải tạo đường Lê Thánh Tôn ở thời điểm hiện tại, một chuyên gia trong lĩnh vực cầu đường ở thành phố Đà Nẵng tỏ ra lo lắng: “Ai cũng biết là đường kỵ nước, hơn nữa nền đường chưa được đắp đủ các lớp vật liệu, lu lèn đạt độ chặt tiêu chuẩn và thảm hoàn thiện bề mặt mà bị ngâm nước trong thời gian dài, thì nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng công trình về sau là hiện hữu”.

Đường bỗng hóa… mương giữa lòng thành phố Quảng Ngãi
Độ ẩm của vật liệu đắp bắt buộc phải đảm bảo yêu cầu, không được “ngậm” nước.

Chuyên gia này lấy làm lạ khi chủ đầu tư đã tốn quá nhiều thời gian cho giai đoạn chuẩn bị đầu tư, hoàn thiện các thủ tục cần thiết đối với một dự án sửa chữa nhỏ, sử dụng vốn duy tu và không hề giải phóng mặt bằng, thu hồi đất… để rồi khởi công công trình sát với thời điểm nhiều công trình trên địa bàn đang xây dựng và đệ trình phương án phòng chống lụt bão, xác định điểm dừng kỹ thuật. Do đó, việc tổ chức thi công bị gián đoạn và phát sinh nhiều hệ lụy, nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng là điều dễ hiểu.

Đường bỗng hóa… mương giữa lòng thành phố Quảng Ngãi
Đường Lê Thánh Tôn là cửa ngõ nối trung tâm thành phố Quảng Ngãi với Quốc lộ 1, mỗi ngày đón một lưu lượng phương tiện lớn.

Cùng với đó, chuyên gia này cũng khuyến cáo, khi nắng ráo và công trường tổ chức thi công trở lại, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát và nhà thầu cần tổ chức khảo sát và đánh giá lại hiện trạng một cách có trách nhiệm. Trường hợp nền đường không đảm bảo yếu tố kỹ thuật, xuất hiện vị trí “cao su” thì buộc phải tiến hành đào bỏ, thay thế bằng lớp vật liệu mới để xử lý nền. “Lớp cấp phối đá dăm cần được cào ra phơi để đảm bảo độ ẩm, sau đó tiến hành lu lèn nền đường, kiểm tra độ chặt… có như thế mới khắc phục triệt để và công trình đạt chất lượng như yêu cầu”, chuyên gia này nói.

Hạng mục sửa chữa, nâng cấp đoạn đường Lê Thánh Tôn (Đoạn từ đường Đinh Tiên Hoàng đến nút giao đường Phạm Văn Đồng), có kinh phí thực hiện khoảng 4,7 tỷ đồng, thuộc dự án bảo trì hạ tầng giao thông đường bộ năm 2023, đợt 1. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất thành phố Quảng Ngãi làm chủ đầu tư với tổng mức 12 tỷ đồng.

Dự án do liên danh Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng và Đầu tư Quảng Ngãi, Công ty TNHH tư vấn xây dựng công trình 509 chịu trách nhiệm tư vấn thiết kế. Công ty Cổ phần xây dựng công trình giao thông Quảng Ngãi là đơn vị thi công, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất thành phố Quảng Ngãi trực tiếp giám sát dự án.

Lê Danh

Theo

Cùng chuyên mục
  • Ninh Bình: Làng hoa Ninh Phúc chuẩn bị vào Tết

    (Xây dựng) – Chỉ còn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các hộ trồng hoa truyền thống ở làng hoa Ninh Phúc, xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình đang tất bật chuẩn bị cho vụ hoa dịp cuối năm.

  • Thanh Hóa: Sự quyết tâm của chính quyền và chung tay của người dân trong xây dựng nhà ở cho hộ nghèo

    (Xây dựng) – Với tinh thần không để ai phải bỏ lại phía sau, hưởng ứng phong trào “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025” và “Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở”, đến nay tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

  • Hà Tĩnh: Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở tại một số địa phương

    (Xây dựng) - UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có Văn bản số 7858/UBND-NL về việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở trên địa bàn các huyện Đức Thọ, huyện Cẩm Xuyên và thị xã Hồng Lĩnh.

  • Yên Bái: Trao tặng 750 triệu đồng xây dựng mới 5 căn nhà tình nghĩa

    (Xây dựng) – Từ ngày 24/12 đến ngày 26/12, Báo Xây dựng, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Yên Bái đồng hành cùng Công ty Cổ phần Đầu tư giáo dục và Truyền thông quốc tế đã đến các huyện thị, thành phố trong tỉnh Yên Bái để trao tặng số tiền 750.000.000 đồng xây dựng mới 5 căn nhà tình nghĩa, mỗi căn trị giá 150 triệu đồng.

  • Quy định về chất thải rắn thông thường khác

    (Xây dựng) - Chất thải rắn nếu không phải là chất thải rắn sinh hoạt và không thuộc danh mục chất thải tại Mẫu số 01 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT thì được xác định là chất thải rắn thông thường khác.

  • 30 năm Tạp chí Kiến trúc Việt Nam

    Dấu mốc đầu tiên là ngày 6/4/1994, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam được Bộ Văn hoá – Thông tin cấp Giấy phép xuất bản báo chí, cơ quan Chủ quản là Bộ Xây dựng. Ngày 30/ 6/1994 Bộ Xây dựng có Quyết định chính thức Thành lập Tạp chí Kiến trúc Việt Nam. Ngày 5/1/1995, Bộ Xây dựng có Quyết định thành lập Tạp chí Kiến trúc Việt Nam trực thuộc Bộ Xây dựng có trụ sở đặt tại 195 đường Lê Duẩn....

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load