(Xây dựng) – Để đảm bảo tiến độ dự án thành phần 2 cao tốc Cao Lãnh – An Hữu cũng như tháo gỡ kịp thời vướng mắc, khó khăn, tích cực giúp nhà thầu rút ngắn thời gian thi công theo kế hoạch đề ra, tỉnh Tiền Giang đã tích cực quan tâm giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư theo từng giai đoạn dự án; chi trả bồi thường kịp thời và giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch cho nhà thầu, tìm nguồn cát và vật liệu xây dựng phục vụ cho công trình…
Mỏ cát được khai thác phục vụ cho dự án. |
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang cho biết, dự án thành phần 2 được thực hiện theo cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội. Qua đó, đối với vật liệu xây dựng thông thường, dự án thành phần 2 được cấp 2 mỏ cát (1 mỏ thuộc tỉnh Tiền Giang, 1 mỏ thuộc tỉnh Đồng Táp) để nhà thầu khai thác phục vụ thi công dự án. Tổng nhu cầu cát đắp nền và gia tải cho dự án thành phần 2 khoảng 1,571 triệu m3. Đến thời điểm này, tỉnh Tiền Giang đã thực hiện xong các thủ tục cấp phép khai thác, ngày 21/12, Công ty Cổ phần Xây lắp 368 khởi công khai thác mỏ cát phục vụ thi công dự án thành phần 2.
Bà Nguyễn Thị Thanh Phương yêu cầu, trong những ngày tới, khi có nguồn cát đắp nền và gia tải, các nhà thầu phải khẩn trương triển khai hoàn thành đường công vụ; tập trung thi công tại nút giao Đường tỉnh 850 (điểm nối với Dự án thành phần 1) để đảm bảo khai thác hiệu quả dự án. Đơn vị tư vấn giám sát, liên danh các nhà thầu khẩn trương đẩy nhanh độ các mũi thi công.
Thượng tá Vũ Đình Tuấn, Phó Giám đốc Ban Điều hành Trường Sơn 11, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (nhà thầu đứng đầu liên danh) chia sẻ, thời gian qua, chủ đầu tư đã tích cực tháo gỡ khó khăn về nguồn cát đắp nền và gia tải cho dự án. Trong thời gian chờ nguồn cát đắp nền và gia tải theo cơ chế đặc thù, các nhà thầu đã mua khoảng 50.000m3 cát thương mại từ Campuchia về để thi công đường công vụ.
Hiện cơ bản tất cả các cầu trên tuyến đã được nhà thầu tiếp cận, triển khai thi công, riêng phần đường, các nhà thầu đang tập trung đào nền đường để khi có cát về sẽ tập trung nhân lực, thiết bị tăng tốc thi công. Đến thời điểm này, các nhà thầu đã huy động khoảng 130 thiết bị, hơn 60 cán bộ, kỹ sư, hơn 300 công nhân trên công trường để phục vụ công tác thi công.
Huy động nhiều máy móc, thiết bị phuc vụ cho dự án. (Ảnh minh hoạ) |
Hiện các nhà thầu đang rất chủ động trong việc chuẩn bị đưa nguồn cát đắp nền và gia tải về công trường sớm nhất. Khi có nguồn cát đắp nền và gia tải, nhà thầu sẽ ưu tiên hoàn thành đường công vụ trong khoảng 1 tháng để phục vụ công tác thi công. Các nhà thầu phấn đấu hoàn thành đường công vụ trên toàn tuyến trước Tết Nguyên đán năm 2025. Liên danh các nhà thầu sẽ tổ chức thi công xuyên Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2025 để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Đối với khu vực mỏ cát thuộc mỏ cát tỉnh Tiền Giang cấp cho Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn cũng sẽ tiến hành khai thác trong những ngày tới. Với mỏ cát thuộc tỉnh Đồng Tháp, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đã hoàn thành các thủ tục, đang chờ UBND tỉnh cấp phép.
Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến trên 11km, trong đó đoạn qua Đồng Tháp 3,8 km và qua Tiền Giang 7,63km. Điểm đầu giao với Dự án thành phần 1 tại Km16+000 thuộc xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại lý trình Km98+950, cách nút giao An Thái Trung khoảng 1,8km thuộc xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Diện tích đất phải thu hồi của dự án trên 83ha, trong đó tỉnh Đồng Tháp trên 28ha và tỉnh Tiền Giang gần 55ha. Có tổng cộng 665 hộ bị ảnh hưởng. Trong đó tỉnh Đồng Tháp 188 hộ và Tiền Giang là 477 hộ dân, hiện nay phía tỉnh Đồng Tháp đã chi trả đền bù giải tỏa cho 185 hộ dân, đạt gần 95% tổng số hộ; Tiền Giang đã hoàn thành chi trả cho 100% hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
Tổng kế hoạch vốn giao đến nay là 2.031 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 99,11%. Trong đó, vốn giao năm 2024 là 1.572 tỷ đồng, đã giải ngân 98,85%. Giá trị thi công đến nay đạt hơn 6,5%.
Giang Sơn – Phạm Hổ
Theo