(Xây dựng) - Được chỉ định thầu cho Khu đô thị sinh thái cao cấp Yên Quang nằm tại xã Quang Tiến, thành phố Hòa Bình, Liên danh Seika - Nam Hà Nội - Vinaconex 39 vẫn chậm tiến độ dự án.
Phương án Phối cảnh dự án được giới thiệu. |
Được chỉ định thầu vẫn chậm tiến độ
Mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình đã có Công văn số 809 /SXD-QLN&TTBĐS về việc đăng tải thông tin các dự án bất động sản chưa đủ điều kiện; Các dự án bất động sản đủ điều huy động vốn, chuyển nhượng, bán trên địa bàn và Cảnh báo rủi ro khi mua bán đất nền chưa đủ điều kiện kinh doanh tại các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh Hòa Bình (quý I/2023).
Khu đô thị sinh thái cao cấp Yên Quang (dự án Yên Quang) tại xã Quang Tiến, thành phố Hòa Bình của Liên danh Công ty Cổ phần đầu tư thương mại dịch vụ quốc tế Seika (Công ty Seika) - Công ty TNHH dịch vụ thương mại Nam Hà Nội (Công ty Nam Hà Nội) - Công ty Cổ phần Vinaconex 39 (Công ty Vinaconex 39) có tên trong danh sách này.
Đáng chú ý, hồi đầu năm 2022, Thanh tra tỉnh Hòa Bình vừa công bố Kết luận thanh tra 9 dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn, chỉ rõ có đến 6 dự án chậm tiến độ do vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng.
Đồng thời, có 25 dự án đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận đầu tư, ký hợp đồng thực hiện dự án, cấp giấy phép xây dựng nhưng chưa đủ điều kiện được huy động vốn, chuyển nhượng và kinh doanh bất động sản. Dự án Yên Quang là một trong số đó.
Trước đó, vào tháng 2/2020, Liên danh Seika - Nam Hà Nội - Vinaconex 39 là đơn vị duy nhất trúng sơ tuyển dự án. Từ đó, Liên danh được lựa chọn theo hình thức chỉ định thầu.
Kinh doanh èo uột cũng được chỉ định thầu
Cần phải nhấn mạnh, trước thời điểm được chỉ định thầu cho dự án này, các đơn vị trong Liên danh có bức tranh tài chính khá èo uột. Công ty Seika thành lập ngày 14/1/2008 tại Lô BT2 - Ô số 3, Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai với người đại diện pháp luật là ông Phạm Quang Chiến. Ngành nghề chính của công ty là “Xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác”.
Từ năm 2017 đến năm 2019, thời điểm trước khi được chỉ định thầu, Seika ghi nhận doanh thu chỉ là 0 đồng (năm 2017), 270 triệu đồng (năm 2018) và 51,4 triệu đồng (năm 2019). Sau khi được chỉ định thầu, Seika không phát sinh doanh thu trong năm 2020 và 2021.
Công ty có hành trình dài thua lỗ với các khoản lỗ lần lượt là 411 triệu đồng (năm 2017), 77,6 triệu đồng (năm 2020) và 5,3 triệu đồng (năm 2021). Trước đó, năm 2018 và 2019, Seika có lãi nhưng rất khiêm tốn, chỉ đạt 39,9 triệu đồng và 4,2 triệu đồng.
Công ty Nam Hà Nội có quy mô vốn lớn hơn rất nhiều nhưng hiệu quả sử dụng vốn vô cùng thấp. Tại ngày 31/12/2019, vốn chủ sở hữu của công ty là 352 tỷ đồng nhưng lợi nhuận thu về chỉ là 731 triệu đồng. Như vậy, tỷ suất lợi nhuận/vốn tại Nam Hà Nội chỉ là 0,2%, tương đương tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn. Các năm trước đó, tỷ suất lợi nhuận/vốn của công ty cũng rất thấp, chỉ là 0,1% (năm 2017) và 0,14% (năm 2018).
Trong khi đó, Vinaconex 39 nổi tiếng hơn cả khi có cổ phiếu PVV niêm yết trên HNX. Tuy nhiên, Vinaconex 39 lại bết bát hơn cả. Trong năm 2019, Vinaconex 39 chứng kiến doanh thu “rơi tự do” từ 110 tỷ đồng xuống chỉ còn 31 tỷ đồng. Dù vậy, khoản thua lỗ của công ty giảm từ 51 tỷ đồng xuống 33,4 tỷ đồng. Tính tới ngày 31/12/2019, Vinaconex 39 lỗ lũy kế 284 tỷ đồng. Kết quả là vốn góp chủ sở hữu 300 tỷ đồng hao hụt mạnh nên vốn chủ sở hữu chỉ còn 40,8 tỷ đồng.
Tương lai của Khu đô thị sinh thái cao cấp Yên Quang càng mờ mịt hơn khi hiện tại, Vinaconex 39 đã âm vốn chủ sở hữu. Cụ thể, trong 2 năm gần đây, doanh thu của Vinaconex 39 rất khiêm tốn, chỉ đạt 22,6 tỷ đồng (năm 2022) và 20,4 tỷ đồng (năm 2021). Chuỗi ngày thua lỗ kéo dài hơn khi công ty lỗ 34,6 tỷ đồng (năm 2022) và 32,2 tỷ đồng (năm 2021).
Tại ngày 31/12/2021, công ty gánh lỗ lũy kế 389 tỷ đồng. Vì vậy, Vinaconex 39 đã âm vốn chủ sở hữu 64,9 tỷ đồng.
Nhi Nhi
Theo