Thứ sáu 29/03/2024 13:12 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đừng sử dụng “tùy tiện” ngôn ngữ kiến trúc và văn hóa vào công trình xây dựng

21:56 | 15/09/2021

(Xây dựng) – Thời gian gần đây, dư luận xã hội quan tâm đến việc Hà Nội phê duyệt kết quả tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo vượt sông Hồng. Nói về kiến trúc cây cầu này, ai đó phán rằng mang phong cách kiến trúc “Xứ Đông Dương”. Nhận xét này đã tạo ra nhiều luồng dư luận trái chiều trong giới chuyên môn, trong đó việc sử dụng “tùy tiện” ngôn ngữ kiến trúc và văn hóa vào công trình xây dựng; Đồng thời cũng vi phạm pháp luật về xây dựng.

dung su dung tuy tien ngon ngu kien truc va van hoa vao cong trinh xay dung
Phối cảnh kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo.

Bàn về phong cách kiến trúc?

Ngày 27/8/2021, Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng các công trình giao thông đã trình UBND TP. Hà Nội kết quả phê duyệt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng. Ngày 1/9/2021, tại Văn bản 2880, UBND TP. Hà Nội đã nhất trí với đề xuất phương án thiết kế kiến trúc của Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông và chấp thuận giao Công ty Cổ phần Him Lam lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Trần Hưng Đạo theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định.

Theo đó, với phương án kiến trúc theo phong cách "Xứ Đông Dương" mang ý tưởng kết nối hiện tại và tương lai, kết nối địa danh lịch sử, các khu vực trung tâm nội đô lịch sử phía Nam sông Hồng với khu vực trung tâm phát triển phía Bắc sông Hồng. Thiết kế, mang dáng vẻ cổ điển, thơ mộng, là sự gợi nhớ về vẻ đẹp cổ kính, nét xưa cũ về một xứ sở đầy màu sắc, sinh động mà Hà Nội là thủ phủ - xứ Đông Dương.

Bàn về câu chuyện Bản sắc kiến trúc Việt thật không dễ. Bởi mỗi một quốc gia, một dân tộc, một vùng miền đều có một nền văn hóa đặc trưng riêng và nền văn hóa lâu đời đó được tạc nên các công trình kiến trúc và các loại hình văn hóa dân gian mà trong thuật ngữ văn hóa được gọi là văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong các loại hình văn hóa vật thể thì công trình kiến trúc có lẽ là sản phẩm văn hóa lâu đời, được tạc nên những dấu ấn của từng thời kỳ, từng triều đại và cả trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi dân tộc.

Ngày nay trong lĩnh vực hoạt động kiến trúc của Việt Nam có một loại hoạt động nhằm sửa chữa, tôn tạo các công trình kiến trúc của các thời kỳ lịch sử đã bị xuống cấp. Đối với những công trình xây dựng mới tùy theo quy mô, tính chất… pháp luật đặt ra phải thi tuyển kiến trúc nhằm mục đích tạo ra một công trình mang bản sắc kiến trúc Việt Nam.

Về tên gọi Đông Dương: Vào khoảng giữa thế kỷ XIX, Triều đình phong kiến nhà Nguyễn tại Việt Nam bắt đầu suy yếu. Nhân cơ hội ấy, vào tháng 9 năm 1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công vào Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lăng Đông Dương của thực dân Pháp. Gần 30 năm sau, ngày 17/10/1887, Liên bang Đông Dương được chính thức thành lập theo sắc lệnh của Tổng thống Cộng hòa Pháp. Liên bang Đông Dương, đôi khi gọi là Đông Dương thuộc Pháp hoặc Đông Pháp, lúc đầu có 4 xứ, gồm thuộc địa Nam Kỳ và ba xứ bảo hộ là Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Cao Miên (tức Campuchia ngày nay).

Đến năm 1893, sau khi “kết nạp” thêm Lào, Đông Dương thuộc Pháp có tổ chức hoàn chỉnh gồm 5 xứ. Đến năm 1900, Pháp ghép thêm vùng Quảng Châu Loan (vùng đất mà Pháp đã chiếm được của Trung Quốc) vào Liên bang Đông Dương. Như vậy, đến lúc đó có cả thảy 6 xứ trực thuộc Liên bang Đông Dương. Liên bang Đông Dương bị Nhật Bản lật đổ vào ngày 9/3/1945 khi cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai sắp kết thúc. Tuy nhiên, sau đó quân Nhật lại thua quân Đồng Minh và Liên bang Đông Dương chỉ thực sự tan rã sau khi Pháp bại trận ở Điện Biên Phủ và Hiệp ước Genève được ký kết năm 1954.

Như vậy, việc lấy cảm hứng phương án kiến trúc theo phong cách "Xứ Đông Dương" cho cây cầu được đặt tên của một danh tướng như Trần Hưng Đạo liệu có phù hợp? Một cây cầu đặt giữa Thủ đô ngàn năm văn hiến, của một chế độ Xã hội chủ nghĩa tươi đẹp sao lại gọi là “Xứ Đông Dương”? Không những thế cây cầu còn mang tên một vị tướng tài lừng danh trong lịch sử Việt Nam trong việc đánh tan quân xâm lược phương Bắc thì sao lại gắn với xứ Đông Dương?.

Thiết kế phải đảm bảo các quy định của pháp luật?

Theo Điều 81 Luật Xây dựng 2014 kế thừa quy định của Luật Xây dựng năm 2003 và có quy định như sau: Thi tuyển, tuyển chọn thiết kế kiến trúc công trình xây dựng: 1. Công trình công cộng quy mô lớn, có yêu cầu kiến trúc đặc thù phải tổ chức thi tuyển hoặc tuyển chọn thiết kế kiến trúc công trình xây dựng trước khi lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng. Người quyết định đầu tư quyết định việc thi tuyển hoặc tuyển chọn thiết kế kiến trúc công trình xây dựng. 2. Chi phí thi tuyển, tuyển chọn thiết kế kiến trúc công trình xây dựng được tính trong tổng mức đầu tư của dự án. 3. Tác giả của thiết kế kiến trúc công trình xây dựng khi trúng tuyển hoặc được tuyển chọn được bảo hộ quyền tác giả, được ưu tiên lựa chọn để lập dự án đầu tư xây dựng và thiết kế xây dựng khi có đủ điều kiện năng lực theo quy định.

Cũng tại Điều 3, Thông tư 13/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định về các công trình yêu cầu phải tổ chức thi tuyển chọn như sau: Các công trình yêu cầu phải tổ chức thi tuyển, tuyển chọn: 1. Công trình quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng. 2. Các công trình có ý nghĩa quan trọng trong đô thị và trên các tuyến đường chính được xác định trong đồ án quy hoạch xây dựng, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 3. Khuyến khích tổ chức thi tuyển, tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng đối với các công trình không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và 2 Điều này”.

Công trình quy định tại khoản 1, Điều 15, Nghị định 59/2015/NĐ-CP bao gồm: Công trình công cộng cấp I, cấp đặc biệt; Trụ sở cơ quan Đảng, Nhà nước, Trung tâm Hành chính – Chính trị, Trung tâm Phát thanh, Truyền hình; Nhà ga đường sắt trung tâm cấp tỉnh; Nhà ga hàng không dân dụng; Công trình giao thông trong đô thị từ cấp II trở lên có yêu cầu thẩm mỹ cao (cầu qua sông, cầu vượt, ga đường sắt nội đô); Các công trình có vị trí quan trọng, có yêu cầu cao về kiến trúc (công trình tượng đài, điểm nhấn trong đô thị).

dung su dung tuy tien ngon ngu kien truc va van hoa vao cong trinh xay dung
Nhiều ý kiến trái chiều về phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo.

Ngoài ra, theo Điều 17 Luật Kiến trúc 2019 quy định về thi tuyển phương án kiến trúc có nội dung như sau: 1. Thi tuyển phương án kiến trúc là việc tổ chức cuộc thi để chọn phương án kiến trúc tối ưu, đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường. 2. Công trình phải thi tuyển phương án kiến trúc bao gồm: a) Công trình công cộng có quy mô cấp đặc biệt, cấp I; b) Nhà ga đường sắt trung tâm cấp tỉnh, nhà ga hàng không dân dụng; cầu trong đô thị từ cấp II trở lên, ga đường sắt nội đô từ cấp II trở lên; công trình tượng đài, công trình là biểu tượng về truyền thống, văn hóa và lịch sử của địa phương; công trình quan trọng, điểm nhấn trong đô thị và trên các tuyến đường chính được xác định trong đồ án quy hoạch, thiết kế đô thị, quy chế quản lý kiến trúc được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 3.Việc tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc được đề xuất trong chủ trương đầu tư hoặc báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Tuy nhiên, mới đây Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đã trình UBND TP. Hà Nội phê duyệt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng. Hội đồng tuyển chọn phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo đã đánh giá, xếp hạng từng phương án do Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) đề xuất. Nhất trí với tờ trình của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, UBND TP. Hà Nội đã giao Công ty Cổ phần Him Lam lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Trần Hưng Đạo theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư. Công ty Cổ phần Him Lam phải hoàn thành công tác lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong 12 tháng.

Mặc dù đã có ý kiến đánh giá của một số chuyên gia, song đây cũng chỉ là đánh giá cho một đồ án thiết kế chứ không phải cuộc chấm thi tuyển chọn thiết kế cây cầu này do một Hội đồng được thành lập theo quy định của pháp luật.

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội: Việc thiết kế cầu cần phải được đặt trong tổng thể quy hoạch chung của Thủ đô và quy hoạch phân khu đã được duyệt. Do đó, đơn vị thiết kế cần phải có cái nhìn bao quát, bám sát vào quy hoạch phân khu để không bị phá vỡ quy hoạch phân khu, không “lạc lõng” trong quy hoạch tổng thể. Đặc biệt phải đảm bảo tính kết nối với các vùng hai bên đầu cầu không chỉ về mặt giao thông mà còn cả về mặt giao thoa văn hóa, hài hòa với không gian kiến trúc tổng thể.

Cũng theo KTS.Đào Ngọc Nghiêm, cầu được xây dựng để phục vụ cả cộng đồng dân cư, cả xã hội. Vì vậy, ngoài việc thi tuyển phương án thiết kế theo quy định còn phải lấy ý kiến của cộng đồng. Cây cầu là biểu tượng của địa phương, của đất nước, là lợi ích chung của cả xã hội chứ không của riêng ai, nên không thể lựa chọn theo theo cách áp đặt. Cho nên, chọn thiết kế sao cho phù hợp với văn hóa, lịch sử và truyền thống, nhận được sự đồng thuận từ đại đa số các chuyên gia và người dân.

Thiết nghĩ, để có một cây cầu bền vững, đẹp, phù hợp với quy hoạch tổng thể cũng như quy hoạch xây dựng của TP. Hà Nội; với cái tên thực sự “văn hóa” và mang đặc trưng của kiến trúc Việt Nam thì việc thi tuyển kiến trúc công trình là một điều cần thiết, bắt buộc và cũng phù hợp với dư luận cho rằng: Đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo chủ đầu tư phải tổ chức thi tuyển kiến trúc cây cầu theo quy định của pháp luật. Việc đặt tên cây cầu cũng phải đảm bảo tính văn hóa và lịch sử của dân tộc.

Nhóm phóng viên Báo điện tử Xây dựng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load