Thứ bảy 21/12/2024 23:48 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Dừng sản xuất tấm lợp Amiăng: Lao động thất nghiệp, thị trường VLXD giá rẻ “trống sân”

08:36 | 04/08/2017

(Xây dựng) - Trước những thông tin gây hoang mang dư luận về việc amiăng trắng gây ung thư, đặc biệt là khi dự thảo “Kế hoạch hành động quốc gia loại trừ các bệnh liên quan đến amiăng” của Bộ Y tế được đề xuất nhưng mục tiêu là dừng nhập khẩu sợi amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp vào năm 2020 đã tác động nghiêm trọng đến thị trường tiêu thụ tấm lợp fibro xi măng. Hàng loạt các nhà máy đã phải cho dừng dây chuyền sản xuất hoặc duy trì vài ba ngày mỗi tháng do hàng hoá làm ra không thể bán được.

Trong khi đó, có một thực tế là đến nay vẫn chưa có vật liệu thay thế tấm lợp amiăng xi măng tương tự về giá thành và chất lượng trong khi nhu cầu sử dụng amiăng trắng là có thật, phù hợp với mức thu nhập của nhiều người Việt Nam.

Dự báo, chi phí Chính phủ phải bỏ ra sẽ tốn gấp nhiều lần so với chi phí mà các doanh nghiệp trong ngành sản xuất này mất đi…


Có thể yên tâm sử dụng tấm fibro xi măng lâu dài?

“Án tử” lơ lửng, doanh nghiệp cầm chừng

Tại Cty CP Bạch Đằng tỉnh Nam Định hàng làm ra chất đầy trong kho mà không thể tiêu thụ, người lao động hoặc bị cắt giảm lương, hoặc phải cho nghỉ việc. Cùng chung mối hoạ, Cty CP Tấm lợp Từ Sơn cũng phải cho công nhân nghỉ chờ việc từ đầu tháng 7.

Báo cáo của Nhà máy Tấm lợp Đông Anh – Nhà máy có bề dày lịch sử lâu đời nhất miền Bắc tại Hội nghị về sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam và thế giới  do Ủy ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường cùng Ủy ban Các vấn đề Xã hội  phối hợp tổ chức mới đây cho thấy, tình hình sản xuất nửa đầu năm 2017 doanh thu chỉ đạt 347 tỷ đồng (tương đương 36% kế hoạch của năm 2016); Sản lượng: 9,6 triệu m² ( bằng 39% so với năm 2016); Nộp ngân sách nhà nước: 12 tỷ đồng (năm 2016 nộp ngân sách 31 tỷ đồng)

Do tình hình tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn, điều này cũng làm ảnh hưởng đến lương của cán bộ công nhân viên (từ 10,2 triệu xuống còn 7,2 triệu).

Ông Nguyễn Công Lý, Chủ tịch HĐQT Cty Sản xuất Tấm lợp Đồng Nai - Cty tiền thân là Eternit của Pháp được thành lập năm 1963, cổ phần hoá tháng 10/2000 bức xúc nói: Nếu nói về ung thư do amiăng thì tôi chết lâu rồi do tôi đã từng là công nhân trực tiếp làm việc với amiăng trắng. Tôi cho rằng làm ở nhà máy nào cũng vậy, nếu quy trình hoạt động không đúng thì đều có bệnh nghề nghiệp. Nếu cơ quan chức năng chứng minh rằng amiăng gây ung thư, tôi sẽ đóng cửa nhà máy để chuyển đổi đi làm cái khác. Nhưng thông tin amiăng gây ung thư chỉ từ tuyên truyền vô bằng chứng khiến nhà máy chúng tôi chỉ hoạt động được 30%, công nhân không có lương, khách hàng sợ không dám mua sử dụng.

Đứng trước những khó khăn này, các nhà máy đã phải đồng loạt gửi thư cầu cứu lên Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan quản lý mong có một chính sách ổn định để đầu tư, sản xuất.

Câu hỏi đặt ra là tại sao bản dự thảo lại chỉ tập trung vào cấm nhập khẩu và sử dụng sợi amiăng trắng trong ngành tấm lợp fibro xi măng, trong khi có rất nhiều  các ngành công nghiệp khác đã và đang sử dụng không ít sản phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài có dùng nguyên liệu từ amiang trắng ? Nếu Việt Nam không cấm nhập khẩu các sản phẩm có chứa amiăng trắng thì phải chăng đang giết chết một ngành công nghiệp của nước nhà, mở đường cho tấm lợp fibro xi măng giá rẻ từ Trung Quốc và Thái Lan tràn vào Việt Nam?

Để đánh giá về “Tác động của việc cấm amiăng trắng tại Việt Nam - Trường hợp tấm lợp fibro xi măng”, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương – Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã thực hiện một nghiên cứu vào năm 2015. Theo đó, nếu các doanh nghiệp chuyển đổi sang công nghệ sợi PVA thì tổng chi phí lên tới 395 tỷ đồng. Giả định chỉ 10% công nhân bị cắt giảm và phải mất thời gian 6 tháng để ổn định việc làm, số tiền lương mất đi sẽ lên đến 15,7 tỷ. Tổng số tiền mà Chính phủ phải chi sẽ là 454,5 nghìn tỷ đồng và người tiêu dùng sẽ phải chi trả 183,5 nghìn tỷ đổng cho chi phí tăng lên do sử dụng tấm sợi PVA (loại vật liệu ít tốn kém nhất để thay thế hiện nay) giai đoạn 2020 - 2030 và phí tháo dỡ tấm fibro xi măng sẵn có.

Ông Nguyễn Phú Hoa – Đại diện Ủy ban Kinh tế TW cho rằng: cần phải đánh giá toàn diện tác động đến kinh tế xã hội của kế hoạch hành động quốc gia này. Thứ nhất nó ảnh hưởng đến ngành sản xuất tấm lợp amiăng, để chuyển đổi sang sản xuất vật liệu khác, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã dự tính phải mất gần 400 tỷ. Đối với người tiêu dùng, hiện nay chúng ta đang sử dụng hảng tỷ m² tấm lợp. Nếu cấm, chúng ta phải thay thế toàn bộ số tấm lợp này và chi phí mà CIEM dự tính để thay thế tấm lợp fibro xi măng sang tấm lợp PVA là gần 200 nghìn tỷ. Ngay cả tấm lợp PVA, hiện nay chúng ta chưa sản xuất được, các doanh nghiệp đăng kí sản xuất tấm lợp PVA cũng đã dừng sản xuất vì không bán được. Nếu thay thế bằng vật liệu khác nữa thì con số này lên tới 300 – 600 nghìn tỷ. Cùng với đó là chi phí tiêu hủy, con số này cũng không hề nhỏ.


Các nhà máy sản xuất fibro xi măng đang phải sản xuất cầm chừng.

Chưa có vật liệu thay thế sợi amiăng trắng

Theo mong muốn của doanh nghiệp, nếu lệnh cấm được ban hành thì Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ chuyển đổi dây chuyền công nghệ sản xuất và đào tạo lao động cho doanh nghiệp. Bài toán lớn hơn cho các cơ quan quản lý nhà nước là trên thực tế chưa có loại sợi thay thế nào có thể so sánh được với amiăng trắng về chất lượng và giá thành. Hàng chục năm qua, khi lệnh cấm amiăng trắng lơ lửng trên đầu, các doanh nghiệp đã phải tự mày mò rót vốn để tìm hiểu về công nghệ vật liệu thay thế, nhưng các khoản đầu tư này vẫn tựa như muối bỏ bể khi kết quả thu về không mấy khả quan.

Bộ Khoa học Công nghệ và Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) đã triển khai các đề tài nghiên cứu về sợi thay thế. Kết quả cho thấy tấm lợp thay thế có độ cứng kém hơn 2 lần so với tấm lợp fibro xi măng. Năm 2014, Viện Vật liệu xây dựng triển khai đề tài “Nghiên cứu kiểm tra, đánh giá chất lượng của tấm amiăng xi măng và tấm amiăng sợi PVA”. Kết quả cho thấy các thông số về tải trọng uốn gãy, cường độ uốn, và lực phá huỷ của tấm sợi amiăng trắng đều cao hơn so với tấm sợi PVA. Cụ thể là tấm sử dụng amiăng trắng có cường độ uốn trung bình là 17,6 – 22,7 MPa và lực phá huỷ là P=453,2N. Các chỉ số này ở tấm PVA lần lượt là 11,5 MPa và P=230,5N.

Cty CP Đầu tư, Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đông Anh từng hai lần sản xuất thử nghiệm tấm lợp không amiăng trắng bằng sợi thay thế PVA vào năm 2001 và 2014 nhưng đều thất bại do sản phẩm làm ra không đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng và giá thành. Về chất lượng, tấm sợi PVA chỉ đạt dược 30% cường độ, độ uốn gãy và tính chịu nước đều kém so với tấm sử dụng amiăng trắng. Hơn nữa, chi phí đầu tư lớn đẩy giá thành sản phẩm sợi PVA cao gấp 2,5 lần tấm lợp fibro xi măng. Ý định chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, doanh nghiệp đã nhập tấm sợi không chứa amiăng trắng của Thái Lan về bán thí điểm, nhưng kết quả kiểm tra của Viện Vật liệu xây dựng cho thấy sản phẩm này vẫn phải chứa 4% amiăng trắng để có độ bền đạt chuẩn và thời gian sử dụng chỉ bằng 70% tấm fibro xi măng. Ông Lê Văn Nghĩa – Giám đốc nhà máy cho biết sản phẩm tấm lợp hiện nay chỉ chứa 8-10% amiăng trắng, còn lại là xi măng với 55% và tro bụi than thiên nhiên là 35%. Các sợi amiăng trắng được gắn kết rất chặt chẽ với hạt xi măng trong suốt quá trình sản xuất nên khó có thể bị phân tán ra môi trường bên ngoài. Nhưng với tấm sợi PVA thì chỉ có 1% là sợi PVA và 8-9% là bột giấy, vật liệu này cần được nghiền trong thời gian dài và tiêu tốn nhiều điện năng trong quá trình sản xuất. Hơn nữa, bột giấy và PVA khó bám dính vào xi măng khiến lượng xi măng thải ra rất nhiều, cường độ sản phẩm chỉ bằng 50% tấm lợp chứa amiăng và tỷ trọng giảm 20%. Loại tấm lợp thay thế này cũng không phù hợp với khí hậu Việt Nam vì khi trời mưa tấm lợp sẽ bị thấm nước do bột giấy bị phân huỷ trong vòng 6 tháng, trong điều kiện nắng nóng thì tấm sẽ bị cong vênh.

Thực tế, tại Việt Nam đã có 2 nhà máy thử nghiệm dây chuyền công nghệ không amiăng trắng nhưng hiện nay Navifico đã tạm dừng hoạt động. Theo báo cáo của nhà máy Tân Thuận Cường, đơn vị đầu tiên sản xuất tấm lợp không amiăng tại Việt Nam. Đơn vị thành lập 2007 với mục tiêu là đơn vị tiên phong sản xuất tấm không amiăng. Tuy nhiên, quá trình sản xuất loại tấm này gặp rất nhiều khó khăn. Tới giờ phút này, dù có sản xuất tấm không amiăng và cả tấm AC nhưng thực tế tấm không amiăng sản lượng chỉ chiếm 2 –3% của cty còn lại là toàn bộ tấm AC.

Báo cáo trước hai Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Cty Tân Thuận Cường khẳng định là Cty vẫn hoạt động nhưng sản lượng sản xuất tấm AC chiếm 98% còn tấm không amiăng chỉ chiếm 2% bởi giá không amiăng cao gấp 2 lần với tấm amiăng và thị trường tiêu thụ không có. Đơn vị có xuất đi nước ngoài như Hàn Quốc, Châu Phi, Ấn Độ nhưng sản lượng rất nhỏ.

Đại diện Nhà máy Tấm lợp Đồng Nai cũng khẳng định: Navifico làm chuyển đổi sang tấm không amiăng là có thật, nhưng thực ra nó đã đóng cửa lâu rồi. Rất nhiều bên đã thử chuyển đổi nhưng đều không thành công do: giá thành rất cao và độ uốn nắn đều không đạt chỉ tiêu.

Sức khoẻ con người luôn được đặt lên hàng đầu trong bất cứ cuộc tranh cãi nào, tuy nhiên không thể vì thế mà không cân nhắc đến lợi ích của người lao động và doanh nghiệp, đặc biệt là khi chưa có một bằng chứng cụ thể nào về bệnh ung thư trung biểu mô liên quan đến amiăng trắng tại Việt Nam. Các doanh nghiệp và người lao động lúc này thực sự cần một câu trả lời và một chính sách ổn định để duy trì và phát triển doanh nghiệp.

H. Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load