Có luật, bộ mặt đô thị có được cải thiện ? Ảnh La Duy
Giống như hội thảo lần trước, về cơ bản các chuyên gia cho rằng cần thiết phải ban hành Luật Quy hoạch Đô thị; đề cập sâu đến mô hình kiến trúc sư trưởng (KTST) và Hội đồng Kiến trúc quy hoạch (KTQH).
Theo Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, mô hình KTST đã từng thí điểm gần 10 năm ở Hà Nội và TP.HCM nhưng không hiệu quả và đã đổi sang mô hình Sở QHKT. Vì vậy không nên lặp lại những mô hình đó và hiện nay cũng rất ít nước thực hiện mô hình KTST.
Cũng theo các chuyên gia của Hội, KTST chỉ là chức danh cá nhân về quản lý chuyên môn có trình độ cao không chỉ cho đô thị mà cho từng đồ án, từng cơ quan tổ chức. Với đô thị, KTST là chức danh cá nhân, tư vấn cho người đứng đầu đô thị chứ không quản lý, điều hành. Vì vậy không nhất thiết phải đưa vào Luật. Nếu đưa vào thì phải có tiêu chí lựa chọn cụ thể, rõ ràng.
Về vai trò của Hội đồng KTQH, theo các chuyên gia của Hội, là một tổ chức tư vấn chuyên môn của TP bao gồm các chuyên gia giỏi có kinh nghiệm do Chủ tịch TP quyết định thực hiện nhiệm vụ tư vấn và giúp TP thông qua các đồ án quy hoạch và kiến trúc xây dựng quan trọng. Thành phần Hội đồng KTQH phải gồm trên 50% là chuyên gia ngành quy hoạch và chuyên ngành khác. Mô hình Hội đồng KTQH đô thị thực hiện nhiều năm nay có hiệu quả tương đối tốt, cần rút kinh nghiệm và củng cố tốt hơn về tổ chức.
Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam - GS.TS Phạm Sỹ Liêm cho rằng: Dự thảo Luật vẫn mang nặng tư duy về một nền kinh tế chỉ huy, chưa theo cơ chế thị trường. "Đô thị đang phát triển mạnh mẽ, nếu Luật mà "cầm tay chỉ việc", quy định quá cụ thể, chi tiết sẽ lặp lại tình trạng bấy lâu nay, đó là quy định chưa đưa vào thực thi đã lỗi thời. Trong khi vấn đề lớn của đô thị là tình trạng đô thị hóa tự phát, lộn xộn không được đề cập thì Hội đồng KTQH, rồi chức danh KTST, chỉ là công cụ để thực thi, lại được đưa vào dự Luật.
Cũng theo ông Phạm Sỹ Liêm, quy hoạch là một quá trình, không phải là một sản phẩm, nên sẽ rất nguy hiểm khi các nhà quản lý coi rằng hoàn thành một bản vẽ quy hoạch là hoàn thành trách nhiệm quy hoạch đô thị. Hậu quả của tư duy này chính là việc, hàng loạt công trình kiên cố mọc lên theo sau đường cao tốc vừa hoàn thành, là hàng trăm đồ án quy hoạch được duyệt một cách bừa bãi. Ai quy hoạch mười mấy cái sân golf ở một tỉnh? Ai duyệt hàng trăm đồ án quy hoạch đang phải rà soát tại Hà Nội? Những người vi phạm ấy bị xử lý thế nào? Dự luật Quy hoạch đô thị không đề cập cụ thể nội dung này.
Còn nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ thì bày tỏ sự băn khoăn: Khi dự luật đã trải qua gần 20 lần dự thảo, liên tục được tiếp thu, bổ sung và đang bước vào giai đoạn cuối cùng để thông qua, vậy mà vẫn chưa thấy làm rõ được mối quan hệ trong tam giác chính quyền đô thị - nhà tư vấn quy hoạch - người dân.
Một số đại biểu khác lại đóng góp ý kiến liên quan đến vai trò của chính quyền đô thị. Theo đó, chính quyền đô thị là cấp chủ yếu chịu trách nhiệm về đô thị, vì vậy dù là đô thị loại nào cũng nên do chính quyền đô thị tổ chức lập quy hoạch đô thị. Bộ Xây dựng là cơ quan quản lý Nhà nước, chỉ tổ chức thẩm định, kiểm tra, chỉ đạo, không tổ chức lập quy hoạch đô thị…
Quý Nhân
Theo baoxaydung.com.vn