(Xây dựng) - Trang trí và quảng cáo trong đô thị là một hoạt động không thể thiếu để đô thị lộng lẫy, hấp dẫn hơn. Nhưng với mỗi đô thị, cần nghiên cứu kỹ lưỡng phù hợp với văn hóa, điều kiện kinh tế, để tránh tạo những hình ảnh phản cảm, gây khó chịu cho người dân.
Hai năm trước, người dân Thủ đô đã phải ngỡ ngàng trước những hình ảnh lòe loẹt, nhức mắt khi những hang đèn trang trí xanh đỏ xuất hiện khắp các khu phố trung tâm. Dư luận phản ứng, các chuyên gia lên tiếng. Và sau đó những người làm công tác này đã tiếp nhận sửa chữa.
Những ngày này, báo chí và mạng xã hội cũng lên tiếng về việc trang trí hoa hình “rồng nửa vời” của Hải Phòng đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu. Và cuối cùng, tiếp thu ý kiến của dư luận, Hải Phòng cũng đã “sửa” công trình ngốn hàng tỷ đồng này.
Hai ví dụ kể trên chỉ là minh chứng nhỏ về những bất cập trong việc tạo lập một bộ mặt đô thị thực sự hấp dẫn, đẹp, hiện đại và giữ đúng bản sắc của các đô thị Việt.
Nhìn rộng hơn, trên rất nhiều đô thị ở Việt Nam, đang diễn ra tình trạng “bôi lem” đô thị dưới rất nhiều dạng khác nhau. Điển hình là hiện trạng quảng cáo thương mại trong không gian đô thị hiện nay, nhất là ở các đô thị lớn. Ở lĩnh vực này, sự tùy tiện, lộn xộn gây mất thẩm mỹ đã trở thành phổ biến và gây bức xúc trong xã hội. Kiến trúc đô thị vốn đã nhộn nhạo, nham nhở càng trở nên nham nhở và nhộn nhạo trước những làn sóng rác rưởi quảng cáo đang có xu hướng dồn dập và mạnh mẽ hơn.
Nhìn vào khía cạnh thẩm mỹ đô thị thì quảng cáo trên đường phố Hà Nội và nhiều thành phố khác hiện nay cũng như một loại rác đô thị. Chúng được “vứt” ra đường một cách tùy tiện. Khó có thể nhận thấy một quy tắc nào được thể hiện trong việc bố trí quảng cáo đô thị hiện nay. Những đường phố lớn ở Hà Nội như Xã Đàn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Văn Cừ… tràn ngập các loại biển, chúng che kín bề mặt kiến trúc, nhiều biển có kích thước lớn bằng cả công trình, án ngữ các góc phố chính, nhấp nhô, lòe loẹt, lênh khênh trên những khung sắt, phô diễn các ngôn từ, hình ảnh trong những cuộc đua tranh không có hồi kết.
Tuy nhiên quảng cáo là một phần không thể vắng mặt trong không gian đô thị hiện nay, cho dù có lúc ta không thích nó. Nền kinh tế thị trường đòi hỏi quảng cáo là một phần tất yếu trong chu trình hoạt động của một sản phẩm, từ hoạt động thương mại đến giáo dục hay thậm chí là chính sách. Đô thị mà cụ thể là các đường phố là không gian thích hợp nhất để làm quảng cáo, bởi nó có khả năng thu hút được sự nhận biết của đông đảo mọi người hoạt động trên đường.
Chính vì vậy không thể phủ nhận tầm quan trọng của nó trong việc tổ chức không gian đô thị, loại bỏ nó trong quá trình nghiên cứu quy hoạch, thiết kế đô thị và thiết kế công trình. Tuy nhiên, đây lại đang là khâu bỏ ngỏ trong quá trình thiết kế, quy hoạch hịên nay.
Hiện nay cũng do những nhận thức không đầy đủ về công tác quảng cáo đô thị nên chúng ta đang giao toàn quyền do các cơ quan văn hóa quản lý, thiếu hẳn bước thiết kế đô thị làm định hướng khung cho quảng cáo, dẫn đến các nhà làm quảng cáo và các nhà quản lý hết sức lúng túng dẫn đến thực hiện tùy tiện. Chính vì thế, đã đến lúc phải có những quy định cụ thể hơn cho việc thiết kế quảng cáo trong đô thị mà nội dung Thiết kế đô thị phải có một vai trò quan trọng trong việc đề xuất yêu cầu, nguyên tắc kiểm soát quảng cáo… Chỉ có thông qua thiết kế đô thị các yếu tố kiểm soát đô thị mới được cụ thể hoá để đảm bảo tính thẩm mỹ chung.
Hãy làm cho việc trang trí, quảng cáo trở thành một nét đẹp tô điểm cho không gian đô thị, mang hơi thở của cuộc sống, tích cực dọn dẹp những loại rác- quảng cáo thiếu văn hoá, đó là những việc làm cấp thiết để xây dựng những đô thị của chúng ta ngày càng văn minh, sạch đẹp.
Cẩm Tú
Theo