Thứ ba 16/04/2024 21:23 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đức và Thụy Sỹ tài trợ Chương trình Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu

22:32 | 14/12/2020

(Xây dựng) - Với mục tiêu tăng cường quy hoạch vùng và đầu tư thích ứng với biến đổi khí hậu vì sự phát triển kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường của Đồng bằng sông Cửu Long trong các năm 2021 -2025, Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển (CHLB Đức) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ Việt Nam thực hiện Chương trình Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

duc va thuy sy tai tro chuong trinh dong bang song cuu long thich ung voi bien doi khi hau
Đức và Thụy Sỹ tài trợ Việt Nam thực hiện Chương trình Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chương trình do Tổ chức hợp tác Phát triển Đức (GIZ), SECO và các đối tác là Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện, tại 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

TS Tim McGrath - Giám đốc Chương trình Thoát nước và chống ngập đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, thuộc GIZ cho biết: Chương trình Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu gồm 4 hợp phần: Phát triển đô thị; tích hợp đầu tư phát triển hạ tầng đô thị và nông thôn; liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long; giảm thiểu rủi ro thiên tai. Trong đó, Bộ Xây dựng trực tiếp tham gia vào hợp phần 1, 2 và 3.

Cụ thể, hợp phần 1 sẽ tập trung đổi mới, hoàn thiện chính sách và khung pháp lý để lập quy hoạch và đầu tư hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tại hợp phần này, Bộ Xây dựng chủ trì thực hiên các nội dung: Lồng ghép phát triển đô thị và thích ứng với biến đổi khí hậu trong quy hoạch và đầu tư cấp quốc gia, vùng và tỉnh; Bổ sung đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và chống ngập úng hiện có, xây dựng các hướng dẫn giải pháp dựa vào tự nhiên để thoát nước, chống ngập và phòng chống sạt lở bờ sông; Xây dựng hướng dẫn quốc gia để thực hiện mô hình “thành phố bọt biển”, theo dõi, đánh giá việc thực hiện phương thức tiếp cận này ở cấp vùng và cấp tỉnh.

Hợp phần 2, tập trung thiết lập cơ chế liên kết, điều phối và giám sát thực hiện phát triển đô thị, đầu tư hạ tầng tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Các hoạt động của hợp phần này bao gồm: Hỗ trợ xây dựng nhiệm vụ chi tiết và kế hoạch hành động về đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu cho Hội đồng Điều phối vùng mới được thành lập; Hỗ trợ tổ công tác Bộ Xây dựng mới thành lập để tham gia Hội đồng Điều phối vùng.

Hợp phần 3, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Hợp phần này sẽ tập trung vào tăng cường khả năng thích ứng với ngập lụt thông qua việc kết hợp giữa hạ tầng xanh và đưa mô hình thoát nước mưa đô thị theo hướng bền vững, cùng các giải pháp dựa vào tự nhiên để đảm bảo quy hoạch thoát nước và thiết kế hệ thống thoát nước tạo được sự kết nối hiệu quả.

Trên cơ sở những kết quả tích cực từ giai đoạn trước của chương trình, hợp phần này sẽ hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả.

Cụ thể, Dự án sẽ lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động: Hỗ trợ 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long lập quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch, có tính đến thích ứng với biến đổi khí hậu cho khu vực đô thị và nhất quán với Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Hỗ trợ xây dựng hướng dẫn của tỉnh về quy hoạch thoát nước và chống ngập, lồng ghép mô hình thoát nước mưa đô thị theo hướng bền vững (SUDS) và các phương thức tiếp cận thích ứng liên quan đến nước trong bối cảnh các hệ thống thoát nước đô thị hiện có để tăng cường tính hiệu quả.

Hỗ trợ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng giá dịch vụ thoát nước và lộ trình thực hiện nhằm đảm bảo ngân sách cho vận hành và bảo dưỡng hạ tầng thoát nước và chống ngập.

Để chuẩn bị đầu tư hạ tầng thoát nước, hợp phần này sẽ thực hiện những hoạt động: Thí điểm các giải pháp về nước đối với sạt lở bờ sông đô thị cũng như các mô hình SUDS; Hỗ trợ một số đô thị áp dụng mô hình thành phố bọt biển tại Đồng bằng sông Cửu Long. Một số nghiên cứu tiền khả thi cũng sẽ được thực hiện và ưu tiên đầu tư.

Trước đó, từ năm 2005 đến nay, GIZ đã và đang hợp tác với Bộ Xây dụng nhằm cải thiện công tác quản lý thoát nước và xử lý nước thải, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời giảm thiểu rủi ro ngập úng tại các độ thị của Việt Nam.

GIZ đã phối hợp với Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) và 16 tỉnh thành tại ba miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam thực hiện các chương trình hợp tác kỹ thuật và đạt được nhiều thành công.

Từ năm 2017, GIZ hợp tác với Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tập trung hỗ trợ tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông Christoph Klinnert, Giám đốc Chương trình Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, trên cơ sở các thành quả đạt được từ các chương trình, dự án trước đó, GIZ và SECO sẽ tiếp tục hỗ trợ dự án Thích ứng với biến đổi khí hậu tại đô thị Đồng bằng sông Cửu Long, được thực hiện từ năm 2021 – 2025. Dự án này là một phần trong Chương trình Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

“GIZ sẽ tiếp tục hợp tác với Bộ Xây dựng trong 5 năm tới, hỗ trợ tăng cường phát triển đô thị và đầu tư hạ tầng trong bối cảnh Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long sắp được thông qua”, ông Christoph Klinnert cho biết.

Chia sẻ với những thách thức to lớn đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ông Marcel Reymond - Trưởng Bộ phận Hợp Phát triển, Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam, Giám đốc Quốc gia SECO cho biết: Một trong những lĩnh vực ưu tiên chính của SECO trong Chương trình Hợp tác với Việt Nam giai đoạn 2021-2024 là hỗ trợ phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

SECO sẽ hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. SECO mong muốn đạt được điều này thông qua tăng cường liên kết vùng và quy hoạch đô thị tích hợp.

Theo ông Marcel Reymond, các bên cần thống nhất phương thức tiếp cận có sự điều phối, liên kết để giải quyết các thách thức tại Đồng bằng sông Cửu Long và đảm bảo cho sự thành công dự án, chương trình.

Tâm Vũ

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load