(Xây dựng) - Đây là quan điểm chung của các tổ chức quốc tế, cơ quan Nhà nước, chuyên gia đô thị tại hội thảo “Định hướng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Xây dựng và Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức tại Việt Nam (GIZ) phối hợp tổ chức, ngày 10/12, tại thành phố Cần Thơ.
Quang cảnh hội thảo. |
Kế thừa quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long được phê duyệt năm 2018
Theo Bộ Xây dựng, việc xây dựng Định hướng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long rất cần thiết. Bởi đây là cơ sở và nội hàm để xây dựng mới quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng) và quy hoạch Hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (do Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng), theo Luật Quy hoạch.
Ghi nhận tại hội thảo, các chuyên gia cơ bản thống nhất quan điểm Định hướng phát triển hệ thống đô thị nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long trước tiên cần kế thừa nội dung quan trọng và phù hợp trong Quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-TTg, ngày 15/01/2018 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch 68).
Điều này phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khi phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tại Quyết định 1163/QĐ-TTg, ngày 31/07/2020 là “Đảm bảo kế thừa các nội dung phù hợp và kết quả đã triển khai của quy hoạch thời kỳ trước”.
Đề cập đến các nội dung, định hướng quan trọng của Quy hoạch 68, bà Trần Thu Hằng - Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc (Bộ Xây dựng) cho biết: Quan điểm của Quy hoạch 68 là phát triển trên cơ sở bảo vệ, khai thác hợp lý tài nguyên sinh thái và mạng lưới nước trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu phải dựa trên nền tảng sinh thái và nước.
Về mô hình phát triển và cấu trúc không gian, vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển theo mô hình đa trung tâm với quy mô trung bình trên cơ sở các vùng sinh thái nông nghiệp đặc trưng, phù hợp với phân vùng phát triển kinh tế và thích ứng với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhằm hướng tới nền nông nghiệp đa dạng, có trình độ chuyên môn hóa cao dựa trên công nghiệp hóa và thương mại hóa nông nghiệp.
Cụ thể, vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển hệ thống đô thị trong vùng theo tầng bậc, làm cơ sở hình thành các trung tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Vùng phát triển theo mô hình đô thị nén, hạn chế mở rộng, phát triển đô thị tập trung quy mô lớn và trên diện rộng. Không hình thành các vùng đô thị hóa, các dải đô thị hóa liên tục tại các vùng ngập sâu, vùng giữa đồng bằng và vùng ven biển.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long chú trọng thiết lập không gian dành cho nước (trữ nước, điều tiết nước, thấm nước) theo tầng bậc địa hình trong phạm vi cấp vùng và đô thị; Phát triển đồng bộ hệ thống giao thông thủy - bộ gắn liền với quản lý nước tích hợp và cân bằng đào đắp trong xây dựng, phát triển đô thị; Phát triển và bảo vệ các vùng sinh thái, cảnh quan tự nhiên đặc trưng gắn với chuyển đổi vùng sản xuất nông lâm nghiệp và bảo vệ tài nguyên nước trong vùng…
Quy hoạch 68 lựa chọn gắn kết phát triển kinh tế vùng với khai thác tiềm năng của 6 tiểu vùng sinh thái nông nghiệp đặc thù. Mỗi tiểu vùng sẽ hình thành một trung tâm cho các nghiên cứu, kiến tạo và đổi mới các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tiểu vùng, trong đó nhiều trung tâm này chính là thành phố, đô thị trung tâm tỉnh lỵ hiện hữu.
Quy hoạch 68 đồng thời đề xuất 3 hình thái đô thị nông thôn và cảnh quan thích ứng với các điều kiện ngập, xâm mặn do tác động của biến đổi khí hậu và tác động thượng nguồn sông Mekong.
Đó là vùng ngập sâu (phần lớn Đồng Tháp Mười và phần nhỏ Tứ giác Long Xuyên), kiểm soát ngập và trữ nước ngọt, hạn chế phát triển mở rộng đô thị, công trình nổi hay trên cọc sẽ thích ứng với các điều kiện ngập nghiêm trọng trong tương lai; Vùng nước ngọt phù sa (giữa đồng bằng) tăng chất lượng đô thị tại các khu vực đất cao cùng với cảnh quan sản xuất đa dạng, phát triển đô thị nén; Vùng ven biển (ven biển Đông, biển Tây và bán đảo Cà Mau), phát triển năng động nhưng không mở rộng đô thị quy mô lớn, khôi phục rừng ngập mặn, mở rộng nuôi trồng thủy hải sản bềm vững…
Phát triển nông thôn theo 6 tiểu vùng sinh thái nông nghiệp, hình thái sông nước và sản xuất nông nghiệp - thủy hải sản đặc thù. Tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội nhằm đảm bảo chất lượng sống và điều kiện sản xuất cho người dân. Bảo tồn các làng nghề truyền thống, các cộng đồng thiểu số, kết hợp phát triển du lịch.
Giao thông đối ngoại (gồm hàng không, đường sắt, đường bộ, đường thủy phát triển theo hướng mở để khai thác kinh tế biển và hợp tác phát triển với tiểu vùng sông Mê Kông. Phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics nhằm giảm giá thành vận chuyển, góp phần làm tăng hiệu quả kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế vùng…
Ngoài ra, Quy hoạch 68 cũng đề cập các định hướng liên quan đến nước, năng lượng và môi trường…
Tăng cường liên kết vùng
Ủng hộ sự kế thừa những nội dung phù hợp của Quy hoạch 68 trong quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và quy hoạch Hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia, song bà Trần Thị Lan Anh - Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị cho rằng: Kế thừa là cần thiết nhưng vẫn cần xem xét rà soát, điều chỉnh, lồng ghép sao cho định hướng phát triển đô thị và nông thôn cho phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hệ thống đô thị, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần chú trọng phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. |
Cần phân tích xác định điều kiện tự nhiên, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, từ đó lồng nghép tích hợp vào quy hoạch phát triển hệ thống đô thị nông thôn trong thời gian tới sao cho phù hợp, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.
Bà Trần Thị Lan Anh đồng thời đề xuất phát triển đô thị vùng nông thôn theo 5 mô hình. Thứ nhất là phi tập trung, “nén”, chủ động “dành chỗ cho nước”. Thứ 2, đảm bảo sự cân bằng hệ sinh thái, cấu trúc hệ thống sông, kênh, rạch hiện có. Thứ 3, cần chọn đất phát triển đô thị, điểm dân cư nông thôn tính đến tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; phù hợp với đặc điểm cấu trúc địa tự nhiên. Thứ 4, lồng ghép giải pháp phát triển hạ tầng kỹ thuật với giải pháp phát triển giao thông - thủy lợi. Thứ 5, liên kết đô thị nông thôn theo tiểu vùng ngập để có giải pháp chống ngập và mô hình phát triển phù hợp, tương thích.
Đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) thì đề xuất các giải pháp về hoàn thiện văn bản pháp luật, công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật...
Ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị cũng cho rằng: Trong quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời gian sắp tới, cần quan tâm đến biến đổi khí hậu, đặc thù của đồng bằng sông nước của vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ đó quy hoạch phát triển đô thị có đặc điểm riêng, dựa trên địa hình, cảnh quan sinh thái…
Hơn nữa, quy hoạch vùng cần quan tâm nhiều hơn đến khai thác kinh tế biển, trong đó có khai thác không gian biển. Đồng thời, xem xét, quan tâm phát triển Cần Thơ hơn nữa để làm động lực phát triển cho toàn vùng.
Ông Trần Ngọc Chính cho rằng phát triển đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tập trung, có nén nhưng phải phù hợp với tùng khu vực, từng tiểu vùng, có trung tâm từng tiểu vùng.
Đặc biệt, cần quan tâm liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Thành phố Hồ Chí Minh về hạ tầng, dân cư, sự tác động lẫn nhau về phát triển kinh tế - xã hội, về hạ tầng kỹ thuật, nhất là giao thông.
Đánh giá cao các ý kiến đóng góp tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Bộ Xây dựng xem xét các ý kiến đóng góp tại hội thảo thấu đáo, trên cơ sở khoa học thực tiễn, khả thi, có xét tới theo điều kiện bối cảnh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long để làm cơ sở, nội hàm cho quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và định hướng phát triển đô thị nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Các ý kiến đóng góp cũng là căn cứ để Bộ tham vấn, nghiên cứu xây dựng những cơ chế chính sách quản lý quy hoạch, quản lý phát triển đô thị nông thôn tốt hơn trong thời gian tới.
Quý Anh
Theo