Thứ bảy 22/06/2024 03:18 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược về hai quy hoạch lớn

09:33 | 11/06/2024

Hôm nay (11-6), phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc. Diễn ra từ ngày 11-6 đến 13-6, một trong những nội dung trọng tâm được phiên họp cho ý kiến là về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Cùng với dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ bảy và hai quy hoạch lớn nói trên có liên quan mật thiết nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển Thủ đô trong những năm tới.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược về hai quy hoạch lớn
Sông Hồng sẽ là trục cảnh quan trung tâm, không gian xanh - sạch - đẹp của thành phố Hà Nội. Ảnh: Đỗ Tâm

Hiện thực hóa những quy hoạch lớn của Thủ đô

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 sẽ cùng được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ bảy. Ba nội dung này có mối quan hệ mật thiết, bảo đảm tính khả thi cùng nhau và là cơ sở quyết định đối với tương lai phát triển của Thủ đô trong những năm tới.

Đặc biệt, Kết luận số 80-KL/TƯ đề ra định hướng sử dụng hiệu quả quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống cho phát triển kinh tế - xã hội… Với phương hướng được đề ra tại Kết luận số 80-KL/TƯ ngày 24-5-2024 của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội quy định cho phép xây dựng tuyến đê mới, xây dựng công trình mới để khai thác hiệu quả quỹ đất tại các bãi sông, bãi nổi thuộc các tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố Hà Nội; chuyển thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tại khu vực này từ Thủ tướng Chính phủ cho thành phố.

Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Đào Chí Nghĩa (Đoàn Cần Thơ) cho rằng, quy định trên bảo đảm được tính chặt chẽ, tạo điều kiện về mặt thời gian và quy trình để Hà Nội giải quyết được nhu cầu của người dân về không gian văn hóa cộng đồng, không gian cảnh quan xanh - sạch - đẹp với sông Hồng là trục cảnh quan trung tâm và phát triển hài hòa ở đô thị hai bên sông.

Bên cạnh đó, các quy định của Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ đặt ra các nguyên tắc cơ bản cho việc phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng và triển khai xây dựng các tuyến đường giao thông có sử dụng phương thức vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn...

Bảo đảm đồng bộ giữa Luật Thủ đô và 2 quy hoạch

Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị nêu rõ, giải pháp thực hiện các quy hoạch cần gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả với các cơ chế, chính sách ưu tiên, vượt trội để phát triển Thủ đô, gắn với Luật Thủ đô (sửa đổi).

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, việc dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định phân quyền cho UBND thành phố được điều chỉnh cục bộ các quy hoạch thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ là phù hợp và có cơ sở thực tiễn. Việc giao HĐND thành phố quy định chi tiết trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch là để đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết, đáp ứng kịp thời yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, dự thảo luật cần vừa thể hiện tính đặc thù, vượt trội, đột phá trong chính sách nhưng cũng yêu cầu bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan trong hệ thống pháp luật. Do đó, các cơ quan liên quan rà soát để bảo đảm tính đồng bộ của Luật Thủ đô (sửa đổi) với 2 văn kiện rất quan trọng là Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Tiến sĩ Lê Văn Hùng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng:

Xác định vai trò quan trọng của Thủ đô

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược về hai quy hoạch lớn

Luật Thủ đô (sửa đổi) có ý nghĩa rất quan trọng, hướng tới sử dụng công cụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị thành phố và các công cụ khác...

Luật Thủ đô (sửa đổi) xác định vị trí, vai trò của Thủ đô, là “Trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là thành phố trực thuộc Trung ương, là đô thị loại đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước”.

Việc xác định vị trí, vai trò của Thủ đô như vậy sẽ là cơ sở, tiền đề quan trọng để xây dựng quy hoạch Thủ đô. Và ngược lại, việc xây dựng các đồ án quy hoạch, đặc biệt là Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 sẽ giúp hiện thực hóa Luật Thủ đô (sửa đổi), đưa luật vào cuộc sống.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư):

Khẩn trương hoàn thiện chính sách đặc thù vượt trội

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược về hai quy hoạch lớn

Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện mục tiêu phát triển Thủ đô đã được nêu trong Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị với 8 nội dung, trong đó có nội dung về hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thủ đô. Định hướng xây dựng cơ chế, chính sách là hoàn thiện hệ thống pháp luật với các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô…

Vấn đề là khẩn trương hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cụ thể để thực hiện nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị. Thời gian qua, Hà Nội đã tiến hành đồng thời và sắp hoàn tất 3 nhiệm vụ rất quan trọng: Sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô, lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đây cũng là cơ hội để Hà Nội thể hiện khát vọng xây dựng, phát triển Thủ đô là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam:

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược về hai quy hoạch lớn

Cần những bước chuẩn bị cụ thể

Lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là dấu ấn mới về công tác quy hoạch. Hơn nữa, quá trình này lại được triển khai trong giai đoạn vừa thực hiện Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và sửa đổi Luật Thủ đô nên thách thức rất lớn. Đáng mừng là cả 2 quy hoạch đã được nghiên cứu nghiêm túc, khoa học, cập nhật thông tin và cơ bản bám sát nhiệm vụ thiết kế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Có thể nói ngắn gọn, 2 đồ án quy hoạch là những định hướng lớn, bức tranh toàn cảnh phát triển Thủ đô. Để thực hiện được những định hướng ấy, cần những chính sách, cơ chế đặc thù, tức là phải có Luật Thủ đô. Tuy nhiên, Luật Thủ đô (sửa đổi) mới chỉ đưa ra khung chính sách đặc thù. Như vậy, Hà Nội phải cần có những bước chuẩn bị để cụ thể hóa, đưa cơ chế, chính sách đặc thù triển khai ngay vào thực tiễn.

Bảo Hân ghi

Theo Tiến Thành/hanoimoi.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load