(Xây dựng) - Khảo sát gần đây của TripAdvisor, trang web về du lịch, cho thấy gần 2/3 khách du lịch ngày càng có xu hướng lựa chọn du lịch xanh. Rõ ràng, đây là xu hướng của khách quốc tế, muốn quay về với thiên nhiên.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Theo Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), du lịch thiên nhiên và di sản là một trong những mảng mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho ngành du lịch toàn cầu, trong đó có các sản phẩm như du lịch cộng đồng, các cơ sở lưu trú “xanh” có giấy chứng nhận, các nhà hàng và thực phẩm hữu cơ tại địa phương, du lịch khám phá thiên nhiên và trải nghiệm hoạt động tình nguyện có trách nhiệm. Việt Nam có đặc điểm tự nhiên phù hợp với các phân khúc thị trường này.
Thế nhưng, với những gì đang diễn ra, đòi hỏi Nhà nước cần có chính sách hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư lớn sẵn sàng đổ tiền vào phát triển du lịch xanh, đặc biệt là những khu vực cần được đầu tư một cách cẩn trọng.
Tiếp đến, trong quy hoạch phát triển du lịch, ngành du lịch phải đưa ra được tiêu chí du lịch xanh áp dụng cho các khách sạn, nhà hàng, sản phẩm du lịch. Đi kèm với đó là quá trình kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện.
Trên các diễn đàn về du lịch xanh, nhiều ý kiến của các nhà lãnh đạo ngành Du lịch cũng khẳng định, các chính sách và quy hoạch của Việt Nam đều hướng đến mục tiêu phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Nhưng, những gì diễn ra trên thực tế dường như chưa theo kỳ vọng mà các nhà lãnh đạo đưa ra.
Ví dụ điển hình là vịnh Hạ Long. Trong vòng 6 - 8 năm trở lại đây, những quan ngại về ô nhiễm môi trường tự nhiên tại đây được nhiều chuyên gia trong ngành lên tiếng cảnh báo. Một khi bị ô nhiễm và thiếu an toàn thì sức hút của vịnh Hạ Long đối với du khách quốc tế sẽ bị giảm sút và sau đó là hoàn toàn đánh mất danh tiếng. Các bãi biển của Việt Nam cũng đang đối mặt với nguy cơ tương tự. Chúng ta đang vấp phải những vấn đề về môi trường và xả thải do tác động của hoạt động du lịch, đặc biệt tại các điểm đến đông khách vào mùa cao điểm.
Vẻ đẹp tự nhiên, các di sản và nền văn hóa sống động là yếu tố quan trọng giúp ngành du lịch Việt Nam liên tục tăng trưởng trong những năm qua. Tuy nhiên, sự yếu kém trong quản lý tài nguyên thiên nhiên và điểm đến, thiếu các sản phẩm du lịch và dịch vụ hấp dẫn, bền vững có thể làm tổn hại lợi thế cạnh tranh của Việt Nam và làm chậm đà tăng trưởng du lịch trong những năm tới.
Thực tế cũng cho thấy, Việt Nam xếp hạng 34 trong số 136 quốc gia trong danh mục “Tài nguyên thiên nhiên liên quan đến du lịch”. Nhưng xét tới danh mục “Cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch”, Việt Nam nói xuống vị trí 113, gần bét bảng.
Môi trường tự nhiên đang có nguy cơ bị xuống cấp nghiêm trọng và cơ hội kinh tế do môi trường thiên nhiên mang lại dần mất đi. Sự phát triển dồn dập các khu nghỉ dưỡng ven biển đang khiến du lịch Việt Nam trở thành điểm đến du lịch đại trà, mất đi nhiều cơ hội khai thác các thị trường quan trọng và nhiều lợi nhuận khác.
Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, nếu phá hủy thiên nhiên, sức hút về du lịch sẽ không bao giờ trở lại được như trước. Và với những gì đang diễn ra ở Việt Nam, hệ quả tiêu cực trước tốc độ phát triển du lịch quá nóng của Việt Nam thời gian qua sẽ không còn là cảnh báo.
Cẩm Tú
Theo