(Xây dựng) – Tuần qua, thị trường chứng khoán đối mặt với nhiều thông tin tiêu cực đến từ yếu tố vĩ mô như: Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm, tâm lý thận trọng của cổ phiếu bất động sản lớn trong nước khi kế hoạch trả nợ của tập đoàn Evergrande vẫn chưa rõ ràng. Đáng chú ý nhất là GDP quý III/2021 của Việt Nam tăng trưởng âm đến 6,17% - vượt qua ngoài sức tưởng tượng của nhiều chuyên gia và tổ chức đã từng dự báo trước đó.
Diễn biến thị trường tuần trước
Theo các chuyên gia đến từ Công ty Cổ phần chứng khoán VNDIRECT, thị trường tuần trước đối mặt với nhiều thông tin tiêu cực đến từ yếu tố vĩ mô như: Áp lực giảm điểm của thị trường chứng khoán Mỹ khi lo ngại Chính phủ nước này có thể phải đóng cửa nhiều tuần nếu không được Quốc hội Mỹ thông qua nâng hạn mức trần nợ công; tâm lý vẫn thận trọng của các cổ phiếu bất động sản lớn trong nước khi kế hoạch trả nợ của tập đoàn Evergrande vẫn chưa rõ ràng. Và có lẽ thông tin đáng chú ý nhất là GDP quý III/2021 của Việt Nam tăng trưởng âm đến 6,17% - vượt qua ngoài sức tưởng tượng của nhiều chuyên gia và tổ chức đã từng dự báo trước đó.
Phiên đầu tuần chỉ số VNINDEX giảm mạnh mất tới hơn 26 điểm, tương ứng -1,94% trong khi VN30 giảm 20,7 điểm (tương ứng -1,42%) do các lo ngại trên. Tuy nhiên, phiên ngay sau đó, chỉ số đã có mức phục hồi rất đáng kể do dòng tiền chủ động mua giá thấp khiến đà rơi hãm lại và kéo hồi về cuối phiên. Có lẽ diễn biến này phản ánh sự dao động lớn về tâm lý khi tất cả cùng chờ đợi thông tin về GDP quý III, cũng như kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đang dần được hé lộ. Thế nhưng, khi thông tin GDP tăng trưởng âm được công bố vào ngày thứ 4, thị trường gần như “lờ đi” cho dù mức sụt giảm nặng nề. Như vậy, diễn biến thị trường trước đó đã chiết khấu vào giá theo dự báo, nên tin xấu có ra cũng không gây thêm xáo trộn.
Vào 2 phiên giao dịch cuối tuần, khi thị trường chứng khoán thế giới như Mỹ, Nhật... có sự sụt giảm mạnh cũng gây áp lực lớn đến hành động của nhà đầu tư trong nước. Và nhóm cổ phiếu bào mòn sức chịu đựng nhất lúc này là các cổ phiếu ngân hàng đã kéo tụt những nỗ lực phục hồi điểm số. Đóng cửa tuần thị trường giảm nhẹ, ngân hàng và chứng khoán là dòng có mức giảm sâu nhất, ngược lại các cổ phiếu nhóm vật liệu xây dựng, năng lượng, phân bón… đã phần nào gỡ điểm cho chỉ số.
Tính chung cả tuần, chỉ số vẫn nằm trong vùng giá tích luỹ đi ngang 1320 – 1360 của tuần trước đó với nền thanh khoản sụt giảm ở mức thấp. Xét theo mức độ đóng góp, GAS, HPG và VIC là những cổ phiếu đóng góp tích cực nhất giúp VNINDEX tăng tổng cộng hơn 10 điểm cho cả tuần. Về phía ngược lại, các cổ phiếu ngân hàng như VCB và CTG, STB… có mức giảm mạnh và kéo thị trường đi xuống. Tuần qua, khối ngoại cũng thu hẹp giao dịch trên cả 3 sàn, tuy nhiên vẫn duy trì sự bán ròng ở mức 974 tỷ.
Đánh giá và dự báo thị trường tuần 04/10 – 08/10
Trong tuần trước nữa, cổ phiếu ngân hàng là trụ đỡ tốt cho chỉ số, nhưng tuần vừa rồi, nhóm này đa số lại gây áp lực giảm điểm và nhiều cổ phiếu tiếp tục dò đáy. Do chiếm tỷ lệ vốn hoá hơn ¼ của toàn thị trường nên mặc dù nhiều ngành khác thăng hoa trở lại cũng không giúp VNINDEX có được sắc xanh.
Diễn biến của nhóm cổ phiếu ngân hàng, các chuyên gia cho rằng cũng tương tự với sự phản ánh trước đó của thông tin GDP quý III sụt giảm, nhà đầu tư đang thận trọng chờ đợi thông tin về kết quả kinh doanh. Lực bán ra ở nhóm cổ phiếu ngân hàng không quá lớn mặc dù vọt trên mức trung bình của tuần. Điểm sáng là một số cổ phiếu ngân hàng như TPB, NVB… vẫn đi ngược thị trường bất chấp các “ông lớn” đầu ngành sụt giảm.
Trái ngược với sắc đỏ chủ đạo của thị trường, các cổ phiếu liên quan tới dầu khí lại giao dịch rất sôi nổi với mức tăng mạnh mẽ hơn 6%. Giá dầu Brent trong tuần qua có thời điểm đã vượt mức 80 USD/thùng. Hưởng lợi từ đà tăng của giá dầu thế giới, các cổ phiếu dầu khí như GAS, PVD, PVS, BSR, PLX đều đồng loạt bay cao trong tuần qua. Ngoài ra, các cổ phiếu ngành phân bón DPM, DCM cũng đang tăng mạnh mẽ trở lại nhờ thông tin giá phân bón tiếp tục tăng cao trong bối cảnh vụ đông xuân sắp đến và nguồn cung thế giới liên tục sụt giảm.
Dự báo cho tuần tới, chuyên gia đến từ Công ty Cổ phần chứng khoán VNDIRECT cho rằng, chỉ số có sự phục hồi nhẹ trở lại cận trên 1360 nếu như không có thêm thông tin tiêu cực từ thị trường chứng khoán thế giới. Và vùng sideway 1320 -1360 vẫn được duy trì nếu như không có thanh khoản gia tăng đột phá hơn. Quý IV cũng sẽ tích cực cho các cổ phiếu nhóm ngành năng lượng và vật liệu cơ bản như dầu khí, phân bón, hoá chất, thép, khai thác than.
Diệu Anh
Theo