(Xây dựng) - Tuyến đường và cầu kết nối giữa tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh đã chính thức khánh thành đưa vào sử dụng từ ngày 26/12/2022, đánh dấu bước tiến mới trong hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng. Việc hoàn thành tuyến đường và cầu này có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương và huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh.
Cầu và đường nối Bình Dương với Tây Ninh dài 800m. |
Hoàn thiện giao thông liên vùng
Theo báo cáo của chủ đầu tư Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương cho biết mục tiêu dự án là hoàn thiện mạng lưới giao thông tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh, phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân 2 tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực tuyến đi qua và tạo điều kiện phát triển du lịch tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh.
Công trình có điểm đầu giao với đường ĐT.744, thuộc khu phố 6 thị trấn Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, cách Trạm xăng dầu Thịnh Phát 2 khoảng 50m về phía trung tâm Tỉnh Bình Dương. Điểm cuối đấu nối vào dự án Đường Đất Sét - Bến Củi do tỉnh Tây Ninh làm chủ đầu tư tại lý trình Km 0+800,38 (theo lý trình của dự án Đường Đất Sét - Bến Củi là Km 12+513,29), huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Dự án có chiều dài toàn tuyến hơn 800m, trong đó phần cầu dài hơn 330m, phần đường dẫn phía Bình Dương dài gần 378m, phần đường dẫn phía Tây Ninh dài hơn 92m.
Cầu được thiết thiết kế bê tông cốt thép dự ứng lực gồm 3 nhịp chính có kết cấu dầm hộp đúc hẫng cân bằng và 4 nhịp dẫn bằng dầm Super T. Mặt cắt ngang 25,5m bố trí cho 6 làn xe chạy, dải an toàn, lề bộ hành, gờ chắn bánh và lan can. Phần đường: Được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng (TCVN 4054:2005 – Tiêu chuẩn thiết kế đường ôtô), có vận tốc thiết kế 80km/h (riêng đoạn đường dân sinh dưới cầu được thiết kế với vận tốc 20km/h). Kết cấu mặt đường bằng bê tông nhựa nóng. Chiều rộng nền đường 28,5m bố trí cho 6 làn xe, dải phân cách giữa, dải an toàn và lề đường. Riêng đoạn bố trí đường cong quay đầu xe chui dưới cầu thì nền đường rộng 37m. Tổng mức đầu tư gần 370 tỷ đồng từ vốn ngân sách tỉnh Bình Dương, trong đó chi phí xây lắp gần 289 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng trên 53 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Dành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phát biểu tại lễ khánh thành cầu và đường nối Bình Dương với Tây Ninh. |
Ông Dương Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết: Tỉnh Tây Ninh và tỉnh Bình Dương là 02 tỉnh thuộc Đông Nam bộ trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hai tỉnh nằm ở phía Bắc và Tây Bắc của Thành phố Hồ Chí Minh, hướng có vị trí chiến lược rất quan trọng về kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh của vùng.
“Công trình Đường và cầu kết nối Tây Ninh - Bình Dương không chỉ là kết nối giữa tỉnh Tây Ninh và tỉnh Bình Dương, mà mở ra một hướng kết nối mới, không gian phát triển mới cho khu vực đến các trung tâm kinh tế, chính trị, đầu mối giao thông lớn của vùng, đến các cửa khẩu Quốc tế đi Campuchia và các nước Asean. Tây Ninh mở ra một hướng mới để tiếp cận các trung tâm vận tải thủy, bộ và hàng không như: hệ thống cảng biển, trong tương lai là sân bay quốc tế Long Thành… Đặc biệt, tuyến hình thành một hành trình mới giúp chia sẻ vận chuyển hàng hóa trong vùng thuận lợi vì không phải đi qua thành phố Hồ Chí Minh hiện đang quá tải về giao thông.
Tây Ninh và Bình Dương giáp ranh cùng chung hồ Dầu Tiếng và sông Sài Gòn với tổng chiều dài khoảng 50km. Khi có thêm cây câu được khánh thành ngày hôm nay, chúng ta sẽ có 03 cầu (2 cầu hiện hữu là cầu Sài Gòn, cầu Bến Cùi). Sắp tới, Bộ giao Thông Vận tải sẽ đầu tư cầu Thanh An trên đường Hồ Chí Minh và lãnh đạo 2 tỉnh đã thống nhất đầu tư thêm 2 cầu để kết nối Thị xã trảng bàng (Tây Ninh) với huyện Dầu Tiếng (Bình Dương). Như vậy, với khoảng gần 50km chiều dài sông Sài Gòn, kết nối hai bờ có 06 cầu (bình quân 7km - 10km có 01 cầu) sẽ là động lực phát triển mới của 2 địa phương trong tương lai”, ông Thắng nhấn mạnh.
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và lãnh đạo 2 tỉnh Bình Dương và Tây Ninh thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành công trình cầu và đường nối Bình Dương với Tây Ninh ngày 26/12/2022. |
Nâng cao hiệu quả dự án
Với quan điểm “giao thông di trước một bước” và mong muốn khai thác hiệu quả công trình này, cũng như nâng cao năng lực khai thác hành lang phía Tây Bắc của vùng với trung tâm là Thành phố Hồ Chí Minh. Tỉnh Tây Ninh đã đầu tư cơ bản hoàn thành đường Đất Sét – Bến Củi (tổng mức đầu tư 518 tỷ đồng, dài 17km), đầu tư dường ĐT.782 - ĐT.784 (1.272 tỷ đồng) để kết nối đến trung tâm tỉnh Tây Ninh, Khu du lịch quốc gia Núi Bà đen và các khu công nghiệp trên địa bàn. Hiện Tây Ninh đang đầu đường liên tuyến kết nối vùng N8 - ĐT.787B - ĐT.789 quy mô đường cấp II, tổng mức đầu tư 3.416 tỷ đồng. Định hướng tới, các tuyến đường này kết nối với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (đang được Thành phố Hồ Chí Minh và Tây Ninh phối hợp đầu tư, phấn đấu hoàn thành vào năm 2027); cao tốc Gò Dầu - Xa Mát…
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Văn Dành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đánh giá: Trong những năm qua tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh xác định việc đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông là một trong các khâu đột phá để phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội của địa phương.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định: “Sử dụng có hiệu quá nguồn lực Nhà nước, đồng thời huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, công nghiệp, dịch vụ và đô thị. Chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông để mở rộng kết nối vùng, khu vực, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”.
Dự án Xây dựng đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh, là một trong nhiều dự án nhằm hiện thực hóa mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Đồng thời tạo thuận lợi lưu thông, phát triển kinh tế -xã hội, tăng cường sự gắn kết cho nhân dân 2 địa phương. Quan trọng hơn nữa là dự án sẽ góp phần đẩy nhanh sự kết nối vùng, thúc đẩy sự phát triển không chỉ hai địa phương mà còn cả khu vực Đông Nam bộ; rút ngắn thời gian di chuyển của các địa phương đến các đầu mối hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, như: Đường Hồ Chí Minh, đường vành đai 3, vành đai 4, Sân bay Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải…
“Với mong muốn sớm hoàn thành, đưa công trình vào sử dụng, nhưng quá trình thực hiện dự án cũng gặp nhiều khó khăn nhất định, như khó khăn trong tìm nguồn vật liệu, giá nguyên vật liệu không ổn định, thi công trong điều kiện giãn cách, phòng chống dịch Covid-19… Tuy nhiên, những khó khăn đó đã được tỉnh và các Sở, ngành, chủ đầu tư, các nhà tư vấn, nhà thầu cùng nhau chung tay tháo gỡ để công trình được hoàn thành, đảm bảo các điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng”, ông Dành chia sẻ khó khăn khi triển khai dự án.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương và Tây Ninh bắt tay vui mừng khánh thành cầu nối Bình Dương với Tây Ninh trước sự chứng kiến của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. |
Ông Dành đề nghị đơn vị chức năng tổ chức ngay việc quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng theo quy định để đảm bảo công trình luôn trong trạng thái khai thác tốt nhất. Đối với huyện Dầu Tiếng, ông Dành cũng đề nghị huyện sớm hoàn thành các thủ tục cần thiết để khởi công xây dựng dự án Nâng cấp, mở rộng đường ĐT.744 (đoạn từ Km24+460 đến Ngã tư cầu Cát) nhằm phát huy tốt hơn, hiệu quả hơn công trình cầu và đường nối Bình Dương với Tây Ninh.
Cao Cường
Theo