Chủ nhật 28/04/2024 23:49 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đồng Nai: Tổng quan về quản lý đô thị của thành phố Biên Hòa

15:00 | 15/03/2024

(Xây dựng) - Thành phố Biên Hòa là đô thị loại I, là một trong những trung tâm công nghiệp, văn hóa, thương mại dịch vụ, khoa học công nghệ và đào tạo của vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam bộ, có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng; là một trong 3 cực của tam giác tăng trưởng Thành phố Hồ Chí Minh - Biên Hòa - Vũng Tàu.

Đồng Nai: Tổng quan về quản lý đô thị của thành phố Biên Hòa
Mục tiêu của việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch là chuyển đổi dần từ mô hình cấu trúc "đô thị công nghiệp" sang mô hình cấu trúc "đô thị dịch vụ và công nghiệp"; hướng tới phát triển đô thị thông minh, bền vững.

Theo UBND thành phố Biên Hòa, trong dự thảo Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung của địa phương này đến năm 2045, phạm vi điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố, 30 đơn vị hành chính, bao gồm 29 phường và 01 xã, với diện tích khoảng 26.407,84ha.

Trước đó, Đồ án quy hoạch chung được thực hiện năm 2014 và sau 2 lần điều chỉnh cục bộ năm 2018 và 2020 vẫn chưa giải quyết được những vấn đề đang còn tồn tại của thành phố Biên Hòa như: Hiệu quả sử dụng đất, bố trí quỹ đất phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, khai thác tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội…

Trong bối cảnh phát triển mới của vùng Đông Nam bộ và tỉnh Đồng Nai, thành phố Biên Hòa là một trong các trung tâm công nghiệp, văn hóa, thương mại dịch vụ, khoa học - công nghệ và đào tạo; đầu mối giao lưu quan trọng của vùng Kinh tế trọng điểm phía nam, vùng Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam bộ, tỉnh Đồng Nai và có vị trí quan trọng về quốc phòng – an ninh của toàn vùng.

Biên Hòa cũng là một thành phố lớn nằm ở cửa ngõ Đông Bắc của Thành phố Hồ Chí Minh, có vai trò đô thị đối trọng, hỗ trợ cho đô thị hạt nhân vùng là Thành phố Hồ Chí Minh và là một trong ba cực của tam giác tăng trưởng Thành phố Hồ Chí Minh - Biên Hòa - Vũng Tàu. Nhu cầu phát triển, cơ hội phát triển mới mở ra cùng nhiều thách thức phải đối mặt trong tiến trình phát triển sắp tới. Vì vậy, thành phố cần phải có những định hướng chiến lược rõ ràng, nhất là về phát triển đô thị.

Mục đích điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, trên cơ sở đảm bảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, tạo động lực thúc đẩy phát triển của một đô thị loại I. Bên cạnh đó, để giải quyết những vấn đề trên và đưa ra những định hướng mới phù hợp với thực trạng và tiềm năng của Biên Hòa.

Để cụ thể hóa định hướng quy hoạch chung, UBND thành phố Biên Hòa đã triển khai 21 đồ án quy hoạch phân khu đô thị, cũng như nhiều đồ án quy hoạch chi tiết khu đô thị mới, khu chức năng… Một số dự án hạ tầng trọng điểm đang được đầu tư thực hiện như: Đường Bắc Sơn - Long Thành, Đường ven sông Cái, Đường ven sông Đồng Nai, Đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa, Đường nối Hương lộ 2 với Quốc lộ 51, Đường nối từ cầu Bửu Hòa đến Quốc lộ 1K…

Đồng Nai: Tổng quan về quản lý đô thị của thành phố Biên Hòa
Mô hình cấu trúc không gian thành phố Biên Hòa.

Tiếp đó, để xây dựng thành phố Biên Hòa chuyển đổi dần từ mô hình “đô thị công nghiệp” sang mô hình “đô thị công nghiệp và dịch vụ”, “đô thị hài hòa và thông minh”. Phát triển thành phố bền vững dựa trên 3 lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường với các mục tiêu cụ thể: Về phát triển kinh tế đô thị: Trở thành một thành phố thịnh vượng, năng động, có sức cạnh tranh cao trên bình diện vùng, quốc gia và quốc tế, phát huy thế mạnh kết nối vùng và quốc tế về dịch vụ thương mại và logistics, công nghiệp công nghệ cao và đổi mới sáng tạo.

Về cấu trúc đô thị thành phố Biên Hòa, chú trọng liên kết vùng, lấy hạt nhân phát triển ở khu vực ven sông Đồng Nai, từ đó tăng cường liên kết phát triển với các khu vực khác trên toàn đô thị. Hình thành các hành lang liên kết vùng, trục liên kết các trọng điểm đô thị. Bố trí các hành lang xanh trên cơ sở bảo tồn và cải tạo các sông suối kết nối với sông Đồng Nai, làm nền tảng cho phát triển đô thị cộng sinh với thiên nhiên.

Về quản lý phát triển đô thị: Đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, không gian đô thị, kiến trúc cảnh quan trên địa bàn thành phố. Làm cơ sở để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Đồng Nai, cũng như triển khai các quy hoạch phân khu, chi tiết, lập các dự án đầu tư và thực hiện đầu tư theo quy hoạch được phê duyệt, kiểm soát và quản lý quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị về sử dụng đất đai, kiến trúc cảnh quan, cơ sở hạ tầng, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Về cơ sở hạ tầng và môi trường đô thị: Là đô thị có cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại, hạ tầng xã hội đáp ứng đầy đủ tiện nghi cuộc sống của người dân, đô thị có môi trường trong lành, an ninh quốc phòng vững mạnh, là nơi có môi trường hài hòa, đáng sống nhất trong vùng.

Để chuyển đổi mô hình phát triển từ mô hình đô thị công nghiệp sang đô thị dịch vụ và công nghiệp hướng tới phát triển đô thị thông minh, bền vững, thành phố Biên Hòa cần định hướng mới để phù hợp với xu thế mới của đô thị: Phát triển đô thị sinh thái và du lịch ven sông Đồng Nai, đưa Biên Hòa trở thành thành phố của du lịch và dịch vụ; Định hướng tái thiết khu vực dân cư hiện hữu: Giãn dân cư khu vực nội đô lịch sử và sắp xếp dân cư các khu vực mới phát triển nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và đời sống dân cư (mô hình TOD); Định hướng chuyển đổi công năng các khu công nghiệp: Biên Hòa 1, Biên Hòa 2 thành các trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cấp vùng, trung tâm hành chính tỉnh Đồng Nai; Định hướng phát triển du lịch tại các khu vực khai thác đá sau khi hoàn nguyên.

Định hướng phát triển giao thông đô thị, tăng kết nối Bắc Nam hình thành thêm 3 tuyến kết nối Bắc – Nam thành phố; định hình khung giao thông đa phương thức (Đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không), định hướng tuyến du lịch đường sông và các bến thủy phục vụ du lịch tại sông Đồng Nai, sông Cái.

Phát triển thêm hơn 1.100ha đất công viên cây xanh, nâng đất cây xanh sử dụng công cộng toàn đô thị >6m2/người, mỗi phường có tối thiểu một công viên cây xanh; Xây dựng các khu nhà ở tái định cư và nhà ở xã hội với quy mô lớn từ 20-30ha với vị trí gần các trung tâm hành chính, thương mại, dịch vụ lớn có hạ tầng đồng bộ, hiện đại như các khu đô thị mới; Định hướng các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đảm bảo đáp ứng tiêu chí đô thị loại I.

Theo đó, sắp tới thành phố Biên Hòa sẽ tổ chức Hội thảo khoa học về “Các giải pháp thúc đẩy phát triển đô thị dịch vụ và công nghiệp” hướng tới phát triển đô thị thông minh, bền vững cho thành phố Biên Hòa phục vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đến năm 2045, lắng nghe ý kiến chuyên gia và cộng đồng xã hội, nhằm giúp lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và các cơ quan chức năng nắm bắt chiến lược trong từng lĩnh vực và tìm kiếm ý tưởng hiến kế phù hợp. Kết quả của Hội thảo sẽ được sử dụng để đánh giá và thực hiện Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đến năm 2045.

Sau Hội thảo, các ý kiến và đề xuất của chuyên gia sẽ là cơ sở khoa học trong việc lựa chọn hướng phát triển đô thị cho thành phố Biên Hòa trong tương lai tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có của thành phố theo hướng phát triển đô thị dịch vụ và công nghiệp” hướng tới phát triển đô thị thông minh, bền vững... Nghiên cứu và định hướng phát triển không gian thành phố Biên Hòa tương lai đi đúng hướng và có cơ sở khoa học, đảm bảo cho chiến lược phát triển bền vững.

Nguyễn Dương

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load