Thứ ba 09/07/2024 02:35 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đồng Nai: Quy hoạch “tứ giác đô thị động lực” quanh sân bay Long Thành

19:16 | 05/07/2024

(Xây dựng) - Trong Đề án quy hoạch số 586/QĐ-TTg vừa được phê duyệt vào ngày 3/7/2024, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho tỉnh Đồng Nai lấy 2 khu vực làm động lực phát triển mới của tỉnh này gồm khu vực đô thị sân bay Long Thành và khu vực hành lang sông Đồng Nai.

Đồng Nai: Quy hoạch “tứ giác đô thị động lực” quanh sân bay Long Thành
Khu vực hành lang sông Đồng Nai sẽ là một trong những động lực phát triển của tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Thìn Nguyễn)

Bên cạnh đó, nội dung quy hoạch Đồng Nai giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ cũng nêu rõ “tứ giác đô thị động lực” quanh sân bay Long Thành hình thành trong tương lai.

Có nhiều đô thị mới trong đó có nhiều đô thị loại I

Đề án quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ phạm vi lập quy hoạch tỉnh Đồng Nai bao gồm toàn bộ tỉnh Đồng Nai có tổng diện tích tự nhiên 5.863,62km2; thuộc phạm vi 11 đơn vị hành chính gồm 2 thành phố (thành phố Biên Hòa và thành phố Long Khánh); 9 huyện (gồm Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch).

Về phương án quy hoạch hệ thống đô thị: Đến năm 2030 Đồng Nai sẽ có 19 đô thị, bao gồm 1 đô thị loại I (thành phố Biên Hòa); 2 đô thị loại II (thành phố Long Khánh và đô thị Nhơn Trạch); 1 đô thị loại III (Long Thành), 7 đô thị loại IV (thị xã Trảng Bom, Dầu Giây, Định Quán, Tân Phú, Vĩnh An, Long Giao, Gia Ray) và 8 đô thị loại V (Hưng Lộc, Gia Kiệm, Quang Trung, Gia Tân 1, La Ngà, Phú Túc, Thạnh Phú, Sông Ray).

Đồng Nai: Quy hoạch “tứ giác đô thị động lực” quanh sân bay Long Thành
Hạng mục công trình nhà ga sân bay Long Thành đang đã hình thành. Theo quy hoạch trong tương lai sẽ hình thành “tứ giác đô thị động lực” xung quanh Cảng hàng không quốc tế Long Thành (thành phố sân bay) này. (Ảnh: Nguyễn Đức)

Giai đoạn 2030-2050: Đồng Nai có 26 đô thị, bao gồm 3 đô thị loại I (thành phố Biên Hòa, thành phố Long Khánh và đô thị Nhơn Trạch); 1 đô thị loại II (thành phố Long Thành), 1 đô thị loại III (thành phố Trảng Bom); 7 đô thị loại IV (thị xã Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú, Vĩnh An, Thạnh Phú, Long Giao, Gia Ray) và 14 đô thị loại V.

Phương án quy hoạch lãnh thổ khu vực nông thôn: Phát triển các khu dân cư nông thôn theo mô hình xã, huyện nông thôn mới nâng cao, nông thôn kiểu mẫu, gắn với hệ thống giao thông liên huyện, liên xã.

Phát triển các khu vực nông thôn gắn với vùng sản xuất, phù hợp phong tục tập quán, đặc điểm tự nhiên của từng vùng trong tỉnh Đồng Nai trên cơ sở kế thừa từ các điểm dân cư hiện hữu, cải tạo chỉnh trang hạ tầng nông thôn kết hợp với xây dựng mới, bảo vệ môi trường bền vững. Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa thành thị với nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

“Tứ giác đô thị động lực” quanh sân bay Long Thành

Theo Đồ án quy hoạch, phương án phát triển các khu vực có vai trò động lực của tỉnh Đồng Nai đến năm 2030 lấy 2 khu vực làm động lực phát triển mới của tỉnh này gồm khu vực đô thị sân bay Long Thành và khu vực hành lang sông Đồng Nai.

Đối với khu vực đô thị sân bay Long Thành: Hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành với hệ thống đường cao tốc, đường sắt quốc gia và vùng. Phát triển toàn diện các dịch vụ hàng không trong phạm vi Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Đồng Nai: Quy hoạch “tứ giác đô thị động lực” quanh sân bay Long Thành
Trung tâm hành chính – chính trị Đồng Nai đã được chấp thuận chủ trương di dời về Khu công nghiệp Biên Hòa 1 tại phường An Bình, thành phố Biên Hòa với quy mô 19ha. (Ảnh: CTV)

Tại huyện Long Thành: Phát triển khu đô thị tại phía Tây Nam Cảng hàng không quốc tế Long Thành; phát triển các khu cụm công nghiệp, logistics phía Đông Nam Cảng hàng không quốc tế Long Thành, liên kết với hệ thống công nghiệp - dịch vụ hậu cần cảng biển Cái Mép - Thị Vải; phát triển chuỗi đô thị - công nghiệp - dịch vụ theo trục cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Quốc lộ 51 và Vành đai 4 vùng Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại huyện Nhơn Trạch: Phát triển chuỗi đô thị - dịch vụ - công nghiệp công nghệ cao, kết nối đồng bộ về cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistics với hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải, cảng biển Phước An, trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh; phát triển tuyến dịch vụ - du lịch kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành với khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.

Tại huyện Cẩm Mỹ: Phát triển khu đô thị - công nghiệp - dịch vụ Sông Nhạn tại cửa ngõ phía Đông Bắc Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Đồng Nai: Quy hoạch “tứ giác đô thị động lực” quanh sân bay Long Thành
Cầu Đồng Nai nối Đồng Nai với Bình Dương. (Ảnh: CTV)

Đối với khu vực hành lang sông Đồng Nai: Lấy sông Đồng Nai làm trục phát triển kinh tế năng động của tỉnh Đồng Nai. Kế thừa, duy trì, tối ưu hóa cấu trúc mạng lưới kênh rạch ven sông Đồng Nai; xây dựng tuyến đường ven sông; xúc tiến xây dựng các cầu qua sông liên kết mạnh mẽ với Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Bảo vệ và phát triển cân bằng, hợp lý cảnh quan xanh toàn tuyến ven sông kết hợp các mô hình phát triển dịch vụ, đô thị, du lịch sinh thái có chọn lọc. Liên kết hài hòa tuyến cảnh quan ven sông với tuyến TOD liên đô thị. Phát triển giao thông đường thủy phục vụ du lịch và dân dụng, cùng các hoạt động vui chơi giải trí nước đa dạng.

Khu vực ven sông thuộc huyện Định Quán và Tân Phú: Phát triển Khu du lịch Hồ Trị An và các cụm dịch vụ du lịch theo mô hình du lịch sinh thái, du lịch rừng gắn với bảo vệ cảnh quan, bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo tồn tài nguyên nước.

Khu vực ven sông thuộc phía Tây huyện Vĩnh Cửu: Phát triển đô thị sinh thái, kết nối với đô thị Tân Uyên tỉnh Bình Dương, hình thành tuyến đô thị năng động hai bên sông.

Khu vực ven sông thuộc phía Bắc thành phố Biên Hòa: Phát triển trung tâm đô thị tại Cù lao Hiệp Hòa và khu vực chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa I, phát triển khu đô thị hai bên sông Đồng Nai.

Khu vực ven sông Nam Biên Hòa - Bắc Long Thành: Phát triển các khu đô thị -dịch vụ cao cấp, kiểu mẫu, từng bước giãn dân từ khu vực trung tâm Biên Hòa hiện hữu và thu hút dân cư từ Thành phố Hồ Chí Minh.

Khu vực ven sông thuộc huyện Nhơn Trạch: Phát triển các khu đô thị mới, du lịch, thương mại, dịch vụ, cảng biển. Bảo tồn các khu vực rừng ngập mặn, tổ chức các không gian mở, mảng xanh, công viên bán ngập.

Đặc biệt, theo quy hoạch, trong tương lai Đồng Nai sẽ hình thành “tứ giác đô thị động lực” xung quanh Cảng hàng không quốc tế Long Thành (thành phố sân bay). Biên Hòa được xác định trở thành đô thị tập trung tâm phát triển thương mại – dịch vụ có quy mô lớn, du lịch kết hợp với cảnh quan sông Đồng Nai. Thành phố Long Thành là đô thị thông minh, trung tâm thương mại – dịch vụ, giao lưu quốc tế, là đầu mối giao thông kết nối toàn vùng, đồng thời hình thành các khu logistics, khu công nghiệp công nghệ cao.

Trong khi đó, Nhơn Trạch là đô thị mới, đô thị thông minh, cảng biển và đầu mối giao thông kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh. Trảng Bom – Long Khánh là đầu mối tiếp nhận, phân phối và chế biến nông sản, tại đây sẽ hình thành Khu công nghiệp chế biến thực phẩm lớn của toàn vùng, đặc biệt hình thành làng Đại học là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực trong khu vực.

Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt là căn cứ để lập quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật, đảm bảo cho tỉnh Đồng Nai phát triển nhanh, bền vũng, trở thành đầu tàu kinh tế vững mạnh của cả nước.

Nguyễn Đức

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load